Đọc báo in
Tải ứng dụng
“Không gây sách nhiễu, phiền hà, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức và đối tượng được giám sát”
2021-11-06 00:40:09

Ngày 4.11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Hùng Thái, các vị đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh.

Báo cáo tại hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, năm 2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều khó khăn, thách thức- nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã điều chỉnh, cải tiến đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét báo cáo kết quả thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2021, báo cáo công tác năm 2021 của Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo khác.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại kỳ họp thứ 2, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa để lựa chọn những vấn đề thực sự bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm.

Việc giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri ngày càng được tăng cường. Kể từ phiên họp thứ 2 (tháng 8.2021), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ báo cáo, thảo luận tại phiên họp hằng tháng của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, cũng như chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài.

Tại hội nghị, đại biểu và đại diện các đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận đề ra các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình giám sát năm 2022; cũng như trao đổi, thảo luận những vướng mắc, bất cập trong triển khai chuyên đề giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại địa phương.

Trong đó, về chương trình giám sát năm 2022, Quốc hội sẽ giám sát tối cao 2 chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” và “Việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021”.

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thuý cho biết, theo kế hoạch của Trung ương giao Đoàn đại biểu các tỉnh tổ chức giám sát và báo cáo về cho đoàn giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 4 nội dung chuyên đề giám sát của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như đã nêu, riêng về nội dung giám sát “Việc thực hiện các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021”, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch, dự kiến đầu tháng 12.2021 tiến hành giám sát và gửi báo cáo về Trung ương trước ngày 1.1.2022.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thực hiện giám sát chuyên đề năm 2022 phải thống nhất ý chí và hành động từ Trung ương đến địa phương để đạt được mong muốn, mục tiêu và yêu cầu đã đề ra.

“Những vấn đề được chọn giám sát trong năm 2022 là đúng và trúng, trong đó có nhiều điểm mới, nội dung mới và quan trọng. Việc thực hiện tốt kế hoạch giám sát sẽ tạo ra sự chuyển biến mới trong cơ quan Quốc hội, cũng như tạo sự chuyển biến rõ rệt trong các lĩnh vực được giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đoàn ĐBQH luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ, thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát, lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhân dân, tôn trọng đối tượng giám sát, không gây sách nhiễu, phiền hà, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, đối tượng được giám sát.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên giám sát phải có bản lĩnh, dám nói thẳng, nói thật, trên tinh thần xây dựng, phát huy những cách làm hay, mô hình tốt để nhân rộng, đánh giá công bằng, khách quan, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước.

TỐ TUẤN

Tin liên quan