Đọc báo in
Tải ứng dụng

“Tây Ninh, Tây Ninh mỗi bước tôi đi

Lịch sử ngân lên tiếng diệu kỳ

Cách mạng miền Nam từng bước vững

Đất thiêng này cho muôn thuở còn ghi…”.

(Xuân Diệu)

Xuân Diệu, người được mệnh danh là ông hoàng thơ tình không chỉ có những lời thơ bay bổng lãng mạn khiến bao trái tim trẻ đắm say, mà những bài thơ viết về đất nước của ông chắc chắn như khắc vào đá núi. Bài thơ “Tây Ninh mỗi chốn tôi đi” chẳng hạn, chỉ khổ đầu với 4 câu đã khắc hoạ một bức phù điêu sừng sững Tây Ninh trung dũng, kiên cường.

Không “diệu kỳ” sao được, khi trận mở đầu chiến thắng Tua Hai vào mùa xuân 1960 đã như phát pháo lệnh cho toàn miền Nam đứng lên vũ trang mà chiến đấu. Đến mùa xuân 15 năm sau, chiến thắng núi Bà Đen ngày 7.1.1975 lại như một phát pháo hiệu báo trước sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn gần 4 tháng sau: ngày 30.4.1975, ta hoàn toàn giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Mọi sự khởi đầu từ mùa xuân! Đã có biết bao mùa xuân đáng nhớ được tạc vào lịch sử non sông, trên miền “đất thiêng” núi Điện, sông Vàm. Như xuân 1967 bẻ gãy cuộc hành quân Junction City lớn nhất cuộc kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam. Rồi mùa xuân tổng tiến công 1968 anh hùng, tiếp nối xuân 1969, đốt cháy tan hoang chi khu quân sự Tây Ninh giữa lòng tỉnh lỵ. Hay mùa xuân 1973 ký Hiệp định Paris, buộc Mỹ phải rút quân. Cũng có mùa xuân náo nức vui hơn là mùa xuân chiến thắng Tua Hai và mùa xuân núi Bà Đen được hoàn toàn giải phóng.

Có phải vì thế không sau 45 năm, núi Bà đã có một diện mạo mới, cho bà con cả nước về hội xuân suốt cả tháng Giêng như một câu thơ viết: “Tháng giêng đi hội núi Bà/ Chân tung tẩy núi, tóc loà xoà mây…”. Đấy là sân núi chùa Bà đã được mở rộng gấp 3 lần vào tháng 8.2019.

Rồi một tuyến cáp treo mới tinh lừng lững sẽ đưa du khách lướt lên tận đỉnh núi Bà. Tuyến cáp vừa mới khánh thành vào tháng 1.2020 (dương lịch). Vậy là ta đã có thể ngược gần cây số lên trời chỉ trong vòng 15 phút. Lên, để nhớ và ngắm nhìn những gì còn sót lại của một trong trận đánh tuyệt vời nhất, diễn ra vào mùa xuân 1975, báo hiệu cho chiến dịch mùa xuân đại thắng.

Ao ước đã lâu, nhưng phải thú thực là đến đầu năm 2019 tôi mới được chiêm ngưỡng “dung nhan” đỉnh núi Bà. Và từ đây, nhìn ra bốn phương, tám hướng đã chiêm ngưỡng một dung nhan khác, đặc biệt lộng lẫy của non nước quê mình.

Ấy thế mà từ đỉnh núi, nơi có căn cứ thông tin liên lạc hiện đại nhất Đông Dương này: “Trước đây bọn Mỹ còn hướng dẫn đường bay cho B52 đi trút bom trên đất nước ta. Chúng tự cho Bà Đen là “đôi mắt thần” của chúng, vì nó như một pháo đài bay bất khả xâm phạm, bay lơ lửng trên bầu trời giải phóng…” (Bài bút ký của nhóm phóng viên chiến trường Nguyễn Đình Ước, Khánh Vân, Trần Ngọc Đức Toại, in trong sách Hừng Đông ngày mới- NXB Văn học Giải phóng, năm 1976).

Nhóm phóng viên này, được lệnh của Bộ Chỉ huy, từ miền Đông quay ra để ghi nhận không khí những vùng miền vừa giải phóng. Và từ đó có bài ký nhan đề: “Đi từ núi Bà Đen đến thành cổ Quảng Trị”, ngày 16.3.1975, các anh đã lên tới đỉnh núi Bà.

Ngày ấy, chiến sĩ giữ núi Bà còn đang chiến đấu, vì quân nguỵ Sài Gòn vẫn liên tục phản kích nhằm tái chiếm. Các chiến sĩ phóng viên gặp đầu tiên là ở chốt: “Cồn Cỏ, Hòn Mê, Thanh Hoá, Hàm Rồng… dọc sườn núi hướng tây- nam, rồi tới chốt Biên Hoà trên đỉnh núi… Quanh đỉnh còn có các chốt Tàu Ô, Điện Biên, Cửu Long, Trường Sơn v.v… Anh em muốn nơi mình đang sống và chiến đấu này, dù đang phải trải qua những ngày đầy bom đạn ác liệt cũng vẫn là nơi xiết bao thân thương, đầm ấm… Và hơn thế nữa, những cái tên hào hùng ấy như tiếp sức thêm cho mỗi người trên núi Bà Đen, phát huy thế tiến công…”.

Cáp treo núi Bà. Ảnh: Đ.H.T

Tại đây, các phóng viên đã gặp khẩu đội trưởng súng máy tên Hoàng Mạnh Hùng, người từng “chỉ bắn có hai loạt 10 viên đạn diệt luôn chiếc F5 của bọn không quân Sài Gòn khi chúng ào ạt bắn phá…”. Và giờ đây (16.3.1975), khi “nhìn thấy ở chân núi cái đám cây bị cháy sém đi, ánh mặt trời phản chiếu lấp lánh trên những mảnh đuya-ra của chiếc F5, chúng tôi cảm thấy mình đang đi vào những huyền thoại của Linh sơn Thánh mẫu…”.

Các phóng viên còn chứng kiến một trận đánh địch của anh Hùng và đồng đội. Đấy là khi: “Một tốp máy bay nhào đến, Hùng về vị trí chiến đấu… Chiếc máy bay thứ hai bổ nhào trút bom xuống khu vực yên ngựa giữa núi Cậu (giờ là núi Phụng) và núi Bà. Chúng tôi chụp ảnh đúng lúc Hùng nhấn cò và chụp tiếp khi khói bom cuồn cuộn đùn lên ngay trước công sự. Chiếc thứ ba lượn một vòng rồi từ trên cao tít màu xanh trút bom sang mãi sườn núi phía tây bắc…”.

Từ đây, các anh được thấy một thế trận, khi quân ta đã “đứng trên đầu thù” mà pháo kích vào căn cứ Trảng Lớn. Bỗng Hùng reo lên:- Pháo ta bắn vào trúng kho rồi! Trúng rồi kìa! Chúng tôi quay nhìn xuống khu vực Trảng Lớn. Khói đen mù mịt một vùng. Tiếng nổ nghe ầm ì xa xa. Ánh chớp tiếp tục loé lên từ giữa vùng khói đen mỗi lúc một lan rộng, một dâng cao.

Chốc chốc lại một quầng lửa đỏ lừ tung lên, lửa cuồn cuộn tràn ra, bốc cao suốt ba tiếng đồng hồ… Sau này mới được biết thêm là đài quan sát pháo binh của ta từ đỉnh núi Bà Đen phát hiện có 60 xe GMC chở nặng chạy vào khu vực này, liền gọi pháo bắn… Chỉ có 24 xe chạy thoát. Khu kho lớn nhất của sư đoàn 25 và cả quân đoàn 3 nguỵ ở đây đã bị phá huỷ cùng 36 xe chưa kịp bốc hàng xuống…”.

Còn biết bao gương mặt cán bộ và chiến sĩ - những người giữ núi Bà Đen mà các anh đã gặp và mô tả lại trong mùa xuân năm ấy. Đấy là: “Hai Ngọ, chỉ huy phó mặt trận, Nguyễn Kiến Bình, người phụ trách mũi vây lấn bám giữ lô cốt 15, đánh dần vào trong từ những ngày 1, mùng 2 tháng giêng năm nay, đã đưa chúng tôi đi khắp các trận địa trên núi…”. Để rồi thấy: “Gần 20 năm qua, chưa bao giờ, chưa có lúc nào địch hoàn toàn kiểm soát được núi Bà Đen…

Các chiến sĩ Liên đội 7- đơn vị anh hùng… đã bám trụ ở đây, mặc dù trên đỉnh núi có lính Mỹ “Anh cả đỏ”, dưới chân núi có lính Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”. Trên đỉnh núi chúng đánh cắt xuống, dưới chân núi chúng đánh hất lên, có lúc tới 150 xe tăng dàn hình vòng cung yểm trợ, và gần 100 khẩu pháo từ Dầu Tiếng, Tây Ninh, Chà Là, Trảng Lớn… bắn về chi viện. Có máy bay C130 trút hàng chục thùng chất độc hoá học xuống ngay trước cửa hang, có cả máy bay chiến lược B52 rải bom nát sườn núi, nhưng các chiến sĩ Liên đội 7 đã diệt hàng trăm tên Mỹ, hàng chục xe bọc thép; và chưa có một phút nào rời khỏi núi Bà Đen…”.

Và đây là các gương mặt chiến sĩ: “Chuyện cậu Hiền, một mình chống chọi với địch trong hang đá bốn bề là địch, tiếng nổ lựu đạn làm điếc đặc hai tai, nói không thành tiếng mà vẫn không hề nao núng; chuyện Trần Quang Thắng một mình bắn rơi tại chỗ 5 máy bay địch… chuyện cậu Lê khi lên núi Bà Đen mới là chiến sĩ, sau 9 năm đã là Chính trị viên đại đội, được thưởng huân chương về chiến công diệt máy bay lên thẳng và xe bọc thép của địch vẫn đang tiếp tục chiến đấu trên đỉnh núi này…”.

Liệu “cậu Lê” ở trên có phải là bác Ba Lê nay ở Khedol? Ngược ngọn gió đầu mùa đông se lạnh, tôi tìm tới bác. May mà tìm được nơi đây tấm ảnh tươi rói những nụ cười của những người chiến thắng. Đấy là ảnh chụp cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Trinh sát 47 anh hùng vừa giải phóng núi Bà Đen.

Người Tây Ninh trực tiếp tham gia đánh trận này còn có ai? Bác bảo:- còn anh Hoàng Thao, chỉ huy phó mặt trận, nhưng do di chứng hơn 1 tháng bom đạn bời bời, nên tai anh đã trở nên “điếc đặc”. Hai chiến sĩ nữa là Tư Thành và Út Trác nay cũng đã đau bệnh hoặc gia cảnh khó khăn.

May mà có cuốn lịch sử Tiểu đoàn Trinh sát 47 (NXB Chính trị quốc gia Sự thật năm 2014) ghi lại trận này: “Tiểu đoàn Trinh sát 47 Miền được lệnh của Bộ tư lệnh Miền quyết tâm tiêu diệt căn cứ địch tại Bà Đen, nhằm “bịt tai mắt” chúng, mở rộng địa bàn kiểm soát hướng tây bắc Sài Gòn, nghi binh đánh lạc hướng nhận địch của địch để chủ lực ta thực hành chiến dịch đánh chiếm Phước Long…

Tiểu đoàn trinh sát 47 được tăng cường 1 trung đội trinh sát kỹ thuật sóng cực ngắn, 1 đại đội đặc công, các phân đội hoả tiễn xách tay, súng máy cao xạ 12,7 mm và cụm trinh sát chiến dịch Liên đội 7 do đồng chí Huỳnh Long- Phó phòng Quân báo Miền trực tiếp chỉ huy chiến đấu… Sau 31 ngày đêm bị ta vây hãm đánh tiêu hao, đến 1 giờ sáng ngày 6.1.1975, quân địch bên trong căn cứ không chịu nổi sự vây ép, bị ta đánh tiêu hao nặng, cuối cùng phải bỏ căn cứ tháo chạy…”.

May nữa là bác Ba Lê còn giữ một bản chép tay của đồng đội, là bác Bạch Vân ghi lại từ tháng 11.2004. Trong đó bác mô tả căn cứ này là: “Có một đại đội bảo an đóng giữ. Được bảo vệ bằng một hệ thống nhiều tầng, nhiều lớp gồm: 18 lô cốt, 22 ngọn đèn pha cực sáng, từ 8 đến 12 lớp rào kẽm gai bùng nhùng, 1 hàng rào mái nhà với nhiều hầm hào trong tung thâm; có 3 bãi đáp trực thăng ở (phía bắc, đông, tây) căn cứ; 1 hồ chứa nước lớn để dự trữ cho lực lượng chiếm đóng.

Binh, hoả lực không nhiều, chủ yếu phòng thủ dựa vào địa hình hiểm trở trên cao và sự chi viện của phi pháo… Suốt 31 ngày đêm tiến công, bao vây cứ điểm núi Bà, Quân đoàn 3 nguỵ Sài Gòn đã tăng cường lực lượng đặc biệt, biệt kích dù được không quân và pháo binh yểm trợ tối đa cùng sự phối hợp của Tiểu khu Tây Ninh tiến hành phản kích liên tục…

Cũng 31 ngày đêm ấy ta đã chiến đấu kiên cường quyết tâm bám trụ, không cho một tên địch nào được tăng cường… Ta bắn rơi 17 máy bay phản lực và trực thăng. Bọn địch trong cứ điểm bị tiêu hao ngày càng nhiều… Không còn chịu đựng nổi ngày càng nhiều… không còn chịu nổi và đến 1 giờ sáng ngày 6.1.1975 địch bí mật tháo chạy…”.

Vào dịp đầu năm 2019, tôi đã theo đường cáp công vụ lên đỉnh núi Bà Đen. Vòng quanh đỉnh núi, đá vẫn ngổn ngang từng khối lớn chồng xếp lên nhau xám lạnh dưới rừng cây. Thú vị nhất là từ đây, ta có thể thấy thành phố Tây Ninh ngời trắng một góc trời, thấy Hoà Thành ửng màu đỏ tươi khu Toà thánh; thấy Dương Minh Châu mờ tỏ xa xa bên lòng hồ lênh loáng. Thấy cả pho tượng Phật Bà chùa Gò Kén như một búp ngón tay thon trắng trước miên man sông nước Vàm Cỏ Đông bàng bạc khói sương.

Chùa Bà, tháng 7.2019

Vậy là từ mùa xuân Canh Tý 2020 này, du khách từ muôn nơi về hội núi Bà Đen đã có thể theo đường cáp treo hiện đại mà lên đỉnh núi. Để thấy rộng, thấy xa một miền non nước Tây Ninh đẹp như tranh vẽ dưới trời. Cũng để thấy nơi đã vang lên chiến thắng núi Bà từ 45 năm trước. Mà nếu chưa thể, thì có thể đặt một cành hoa tươi dưới chân bệ tượng đài Người giữ núi Bà Đen ở ngay mặt đất, cạnh chùa Trung. Giữa xuân vui, có thể dành một phút ngậm ngùi nhớ đến hàng trăm chiến sĩ đã hy sinh để núi Bà Đen đến ngàn năm xanh mãi.

N.Q.V