Đọc báo in
Tải ứng dụng
Áo phao bảo vệ cho ai ?
2014-10-20 10:33:00

(BTNO) - Thiết nghĩ cần phải có cách tuyên truyền sâu rộng cho mọi người hiểu rõ mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ là bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, an toàn cho gia đình và người thân. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý để răn đe giáo dục các chủ tàu thuyền và những người không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ, kể cả những người sinh sống, làm ăn trên sông nước.

Tàu thuyền chở hành khách qua sông nhưng không có ai mặc áo phao.

Tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên đường bộ và đường thuỷ thời gian gần đây tuy có giảm, nhưng vẫn đang có chiều hướng diễn biến phức tạp. Về giao thông đường thuỷ trên địa bàn tỉnh, đầu năm nay đã xảy ra một vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng, làm chết tới 4 người. Điều đó cho thấy việc bảo đảm an toàn cho nhân dân lưu thông đi lại, sản xuất kinh doanh bằng đường thuỷ vẫn chưa thực hiện một cách quyết liệt, công tác kiểm tra kiểm soát giao thông đường thuỷ có lúc, có nơi chưa được thường xuyên, liên tục và hiệu quả chưa cao, nhất là việc kiểm tra trang bị cứu hộ trên các phương tiện thuỷ như áo phao.

Luật Giao thông đường thuỷ quy định: “Các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên sông nước và biển hồ phải trang bị đầy đủ phao phòng hộ. Mọi người trên tàu, thuyền đều phải mặc áo phao”. Thực tế cho thấy, thời gian qua việc thực hiện quy định này chưa được nghiêm ngặt, do vậy đã xảy ra những vụ tai nạn giao thông đường thuỷ làm một số người dân bị chết đuối.

Hiện nay đang là mùa mưa bão, thời tiết thường xuyên có mưa to, gió lớn và nước sông dâng cao chảy xiết, tai nạn có thể xảy ra. Trong khi đó ở một số bến sông, người lái đò và hành khách qua sông đều không mặc áo phao. Bên cạnh đó còn có một số gia đình cả vợ chồng, con cái đều ở trên thuyền, sinh sống bằng nghề chài lưới, quanh năm lênh đênh trên sông, hồ, nhưng trên thuyền không hề có phao cứu sinh và áo phao phòng hộ.

Một cán bộ địa phương vùng sông nước khẳng định với chúng tôi: “Ở các bến đò thuộc địa bàn xã tôi tàu thuyền chở khách qua sông đều được trang bị đầy đủ áo phao”. Có trang bị đầy đủ nhưng vấn đề quan trọng hơn là người lái tàu thuyền và hành khách có mặc áo phao khi tàu thuyền lưu thông trên sông hay không? Để tìm lời đáp cho câu hỏi này chúng tôi đã lên đường đến bến đò Cửu Long, trên sông Sài Gòn, đầu nguồn hồ Dầu Tiếng.

Khi cách bến đò khoảng 300 mét chúng tôi thấy một tấm biển khá lớn được dựng bên đường có ghi rõ: “Để đảm bảo an toàn, hành khách qua sông phải chấp hành mặc áo phao”. Tới bến đò, chúng tôi thấy đoạn sông khá rộng, ước khoảng trên 250 mét. Phía bên này sông nơi chúng tôi đang đứng thuộc địa phận xã Tân Thành; còn phía bên kia sông là địa phận xã Tân Hoà, huyện Tân Châu.

Điều băn khoăn của chúng tôi đã có câu trả lời: Trên một con thuyền sang sông, cả vợ chồng anh lái thuyền lẫn các hành khách trên thuyền đều không ai mặc áo phao. Nhận thấy có một số áo phao treo lơ lửng ở bên cạnh thuyền, tôi hỏi anh lái thuyền: “Thuyền chạy trên sông sao anh không yêu cầu hành khách mặc áo phao để đảm bảo an toàn?”. Anh lái thuyền trả lời rất tự nhiên: “Bến đò này chưa xảy ra tai nạn bao giờ! Mà có đưa áo phao người ta cũng không mặc”.

Tiếp tục đi tìm hiểu, chúng tôi chạy xe mô tô rong ruổi trên con đường dài khoảng trên 10km để đến bến đò Suối Chiêm, thuộc xã Tân Thành. Từ con đường cấp phối sỏi đỏ rẽ vào bến đò Suối Chiêm là con đường đất hẹp và lầy lội rất khó đi. Phía bên kia sông là xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu. Người dân ở đây cho biết bến đò này rất thưa khách, muốn qua sông phải chờ đợi hơn 1 giờ đồng hồ, có đủ khách đò mới qua.

Đoạn sông nơi bến đò này đã bắt đầu đổ vào hồ Dầu Tiếng nên mặt sông rất rộng, ước khoảng trên 400 mét. Chúng tôi chờ đợi khá lâu mới thấy có thuyền máy ở bờ bên kia chở khách qua sông. Trên thuyền có 3 hành khách, và cả ông lái thuyền và hành khách đều không ai mặc áo phao.

Đi dọc theo bờ hồ Dầu Tiếng thấy một chiếc thuyền có mái che cặp sát bờ hồ, chúng tôi liền đến gần chiếc thuyền và nói với ông chủ thuyền: “Tôi muốn chụp mấy kiểu ảnh về thuyền chài trên hồ nước Dầu Tiếng để làm kỷ niệm”.

Ông chủ thuyền vui vẻ mời lên thuyền và kể cho chúng tôi nghe về cuộc sống của gia đình ông, quanh năm bươn chải với nghề chài lưới trên sông hồ. Ông cho biết đời ông nội, đời cha rồi đến đời của ông đều lấy thuyền làm nhà, lấy sông nước làm nơi làm ăn, sinh sống. Vợ chồng ông có hai người con, người con gái lớn đã đi lấy chồng, trên thuyền chỉ có vợ chồng ông và người con trai 15 tuổi. Vừa nghe ông chủ thuyền nói chuyện tôi vừa quan sát để xem trên thuyền có vật tôi muốn tìm hay không.

Quả thật trên chiếc thuyền, cũng là cái nhà của gia đình này, không hề có áo phao và cũng không có trang bị gì để cứu mạng nếu chẳng may có tai nạn xảy ra khi giông bão bất ngờ. Tôi hỏi ông: Nếu có mưa to gió lớn thì gia đình chống đỡ bằng cách nào? Chủ thuyền cho biết, trong nhà có ông và người con trai biết bơi lội, còn bà vợ ông không biết bơi, nếu có mưa to gió lớn thì phải nhanh chóng lái thuyền vào bờ tìm nơi neo đậu trú ẩn. Tôi hỏi sao ông không sắm mấy cái phao để cho mọi người mặc sẽ an toàn hơn. Ông cười nói xưa nay chưa xài cái đó bao giờ...

Thấy tôi chăm chăm nhìn ra mặt hồ nơi có một cái gì đó giống như một căn nhà nổi lên trên mặt nước, cách bờ hồ khoảng hơn 200 mét, ông chủ thuyền nói: “Đó là nhà của vợ chồng cô Bảy bà con với tôi, các chú muốn ra đó chụp hình thì tôi kêu con tôi lấy xuồng chở các chú đi”.

Đến nơi chúng tôi càng ngạc nhiên hơn khi thấy trên hồ nước mênh mông một căn nhà lẻ loi đơn độc và mong manh nổi lên. Phía dưới căn nhà có khoảng 12 cái thùng phuy để làm phao nổi. Những chiếc thùng phuy được ghép vào nhau, cột chặt với dàn cây bạch đàn, căn nhà phía trên dài khoảng 6 mét, rộng khoảng 3 mét, cột kèo cũng được dựng bằng cây bạch đàn, mái nhà và xung quanh vách được lợp và quây bằng những tấm bạt nhựa.

Những cây gỗ nhỏ giằng nẹp trên mái và xung quanh nhà rất đơn giản, sơ sài. Chủ nhà, chị Nguyễn Thị Diên cho biết, gia đình chị có 7 người, chồng chị và đứa con trai lớn hằng ngày dùng thuyền đi đánh bắt cá, cô con dâu mới về bên ngoại để sinh cháu, ở nhà chỉ có chị và 3 đứa con nhỏ.

Gia đình chị Diên quanh năm sống trên sông nước nhưng cũng không có lấy một chiếc áo phao. Tôi nói với chị, mùa mưa bão, căn nhà của chị gió không thổi bay thì cũng đổ sập, có thể chị không sợ nhưng còn mấy cháu nhỏ sẽ gặp nguy hiểm. Chị Diên nói: “Biết làm sao được, ban ngày còn đỡ, ban đêm có khi mưa bão làm căn nhà chao đảo, mấy đứa nhỏ sợ kêu khóc, nhưng… cùng lắm thì bỏ nhà xuống thuyền chạy vào bờ”. Nghe chị Diên nói chúng tôi chỉ còn biết… lắc đầu ngao ngán, vì rõ ràng mẹ con chị đang sống chung với mối nguy hiểm quá sức tưởng tượng.

Để bảo đảm an toàn cho nhân dân, chính quyền và ngành chức năng đã có hẳn một chương trình trang bị áo phao cho người dân vùng sông nước. Thế nhưng người dân lại chưa có ý thức tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng áo phao khi đi lại, sinh sống trên mặt nước. Và như thế cũng có nghĩa là họ chưa chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thuỷ.

Vì thế, thiết nghĩ cần phải có cách tuyên truyền sâu rộng cho mọi người hiểu rõ mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ là bảo vệ an toàn tính mạng của bản thân, an toàn cho gia đình và người thân. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cần thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý để răn đe giáo dục các chủ tàu thuyền và những người không mặc áo phao khi tham gia giao thông đường thuỷ, kể cả những người sinh sống, làm ăn trên sông nước.

CÔNG HUÂN

Từ khóa:
Tin liên quan