Đọc báo in
Tải ứng dụng
Bác sĩ sức khoẻ tâm thần cảnh báo về chứng 'nghiện' Pokemon Go
2016-08-12 07:31:00

“Cơn sốt” trò chơi Pokemon Go vẫn chưa dừng lại mặc dù một số quốc gia trên thế giới đã cấm trò chơi này bởi lo ngại nhiều hệ lụy cho xã hội. Ở khía cạnh sức khỏe, ThS. Lê Thị Thu Hà, Khoa Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (BV Bạch Mai) đã đưa ra nhiều cảnh báo.

Theo ThS. Hà, Pokemon Go cùng với nhiều trò chơi trực tuyến khác (hay còn gọi là chơi game) là những trò chơi sử dụng hình ảnh nên rất dễ gây nghiện nếu chúng ta thường xuyên tiếp xúc với chúng. Pokemon Go là một ví dụ mới nhất cho điều này, ra đường rất dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bạn trẻ “cắm mặt” vào điện thoại để săn lùng những con Pokemon ảo. Đây là điều đáng lo ngại không chỉ cho bản thân người chơi mà cả những người xung quanh bởi họ quá mê mẩn với trò chơi mà có thể xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Đối tượng chơi Pokemon Go phần lớn là giới trẻ độ tuổi dưới 25 tuổi. Theo ThS. Hà, khi nghiện chơi bất cứ thứ gì cũng gây hại sức khỏe và ảnh hưởng không nhỏ đến sự hình thành và phát triển nhân cách.

Trong quá trình điều trị, ThS. Hà đã từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhân nghiện game là người trẻ tuổi, trong đó có rất đông các bạn sinh viên vì quá phụ thuộc vào các trò chơi trên thế giới ảo mà có bạn đã rơi vào trạng thái trầm cảm, không trò chuyện tiếp xúc với ai khiến gia đình lo lắng, thậm chí có những trường hợp bị đuổi học, hoặc trộm cắp tiền tiêu xài, chơi game. “Cày game” ban đêm nhiều khiến người chơi sút cân, cơ thể uể oải, mệt mỏi không thèm quan tâm đến thế giới xung quanh, từ đó mất dần các mối quan hệ gia đình bạn bè… Đây là những hậu quả nhãn tiền nếu các bậc phụ huynh không có cách quản lý tốt con em mình.

ThS. Hà cảnh báo, càng cấm con trẻ sẽ càng tìm mọi cách để chơi, kể cả chơi lén lút, cha mẹ càng khó kiểm soát. Vì thế, thay vì cấm, cha mẹ hãy giải thích cho con hiểu rõ, cho con đường đi hơn là chặn đường các con. Nếu hàng ngày thấy con chơi liên tục 2 tiếng đồng hồ liền mà không có mục đích rõ ràng thì hãy cẩn thận bởi rất có thể trẻ đang dần nghiện một trò chơi nào đó. Cha mẹ hãy sắp xếp và phân lịch cụ thể cho con học và chơi cùng con, mỗi tuần chỉ cho con chơi game vào thời gian nhất định chứ không nên cho trẻ dùng các thiết bị điện thoạt, ipad, máy tính một cách triền miên- nhất là trong xã hội bận rộn như hiện nay, không ít các bậc cha mẹ lại bỏ mặc con cái với điện thoại, ti vi, máy tính để con chơi trong im lặng.

Theo SKĐS

Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh