Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - tầm nhìn vượt thời gian Bài 2: “Đào tạo các em thành công dân hữu ích cho Việt Nam”
Tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời - tầm nhìn vượt thời gian
Thứ hai: 10:50 ngày 21/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Vì nhiều lý do khác nhau, không ít nhà trường coi trọng điểm số, phụ huynh quan tâm đến “học bạ đẹp” và đã có những can thiệp đến thực học của con em.

Bằng những dẫn chứng không thể thuyết phục hơn, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội) khẳng định, tư tưởng giáo dục của Hồ Chủ tịch là di sản vô giá.

Trong thư gửi các học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Bác khẳng định nền giáo dục mới sẽ “đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (áo xanh) trong chuyến công tác tại Tây Ninh.

Tư duy vượt thời đại

Ngày 21.10.1964, nói chuyện với cán bộ, sinh viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội, Người chỉ rõ: “Dạy cũng như học phải chú trọng đến cả tài lẫn đức. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng. Nếu không có đạo đức cách mạng thì có tài cũng vô dụng”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc luyện tài rèn đức cho tất cả đối tượng. Đối với trẻ em, Bác căn dặn giáo viên phải giáo dục cho các cháu biết thế nào là đoàn kết, ham học, ham làm nhưng phải làm sao cho các cháu giữ được tính chất của trẻ con.

Phải làm sao cho trẻ em có kỷ luật nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải là khúm núm, đặt đâu ngồi đấy. Thông điệp của Bác để lại cho thế hệ trẻ là vẻ vang, vinh dự nhưng cũng là một trọng trách lớn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Người nói: “Giáo dục trong nhà trường chỉ là một phần, còn cần có sự giáo dục ngoài xã hội và trong gia đình để giúp cho việc giáo dục trong nhà trường được tốt hơn. Giáo dục trong nhà trường dù tốt mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn. Nếu nhà trường dạy tốt mà gia đình dạy ngược lại, sẽ có những ảnh hưởng không tốt tới trẻ em và kết quả cũng không tốt”. Người yêu cầu nhà trường phải liên hệ chặt chẽ với gia đình và xã hội.

“Người nhấn mạnh: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”. “Tôi liên tưởng điều này với tư tưởng giáo dục cho thế kỷ XXI của UNESCO, đến năm 1996 họ mới đề ra khẩu hiệu học suốt đời. Điều đó đã cho thấy tư duy, tầm nhìn vượt thời đại trong tư tưởng giáo dục của Người.

Người luôn xem phát triển giáo dục, nâng cao dân trí xã hội là một triết lý, một tư tưởng, một ước vọng. Giáp Tết Bính Tuất năm 1946, một số nhà báo nước ngoài hỏi Hồ Chí Minh về chức Chủ tịch Chính phủ, Người đã trả lời: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Người khẳng định: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hoá”” - GS.TS Nguyễn Văn Minh viết. Nhà giáo dục nổi tiếng của Ấn Độ Raja Roy Singh đã từng khẳng định: “Không một hệ thống giáo dục nào có thể vươn cao quá tầm những giáo viên làm việc cho nó”.

Nhìn nhận khách quan, cầu thị

GS.TS Nguyễn Văn Minh nhìn nhận, mặc dù đã có những thành quả nhất định, nhưng nhìn nhận một cách khách quan và cầu thị thì hệ thống giáo dục của chúng ta đang thiếu sự liên thông bền vững, đâu đó còn có sự cắt khúc, chồng chéo, thiếu nhất quán trong quản lý, còn có sự bất cập giữa chiến lược phát triển đất nước với việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp.

Cụ thể, giữa sự phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề, cao đẳng, đại học và cơ hội học tập suốt đời đang có những rào cản. Hệ thống đại học có những bước tiến nhất định nhưng chưa thực sự bền vững, chưa định hình giá trị đầy đủ, chưa được quản lý một cách đúng mức đang xuất hiện.

Trong đó, không thể không nhắc đến yếu tố kinh doanh và lợi nhuận được đề cao của một số trường. Cần nhấn mạnh rằng, đối với hệ thống giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng trên thế giới, sự phát triển mang tính tự thân trước yêu cầu phát triển của đất nước họ và của thời đại được diễn ra một cách tự nhiên. Sau đó người ta đúc rút ra các giá trị, các tiêu chuẩn, tiêu chí và đó là một trong các cơ sở định hướng phát triển tiếp theo. Đây chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Đối với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, xuất hiện tình trạng nóng vội phải đuổi kịp, tư tưởng “đi tắt, đón đầu” xuất hiện không đúng lúc, rồi liều lĩnh chi phối, can thiệp các “giá trị”, các “tiêu chuẩn, tiêu chí” bằng nhiều cách khác nhau hòng đạt được một số thứ hạng “ảo” đã tạo ra nguy cơ cho phát triển giáo dục.

Cách làm này đã ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đối với giáo dục đất nước. Tình trạng “sính bằng cấp” ngày càng trở nên trầm trọng. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến “học giả bằng giả”, thậm chí “học giả bằng thật”.

Trình độ chuyên môn và năng lực thực tiễn là rất cần thiết, nhưng có những vị trí đặt yêu cầu bằng cấp như một tiêu chí ưu tiên khiến một số người “bằng mọi giá” để đạt được bằng cấp. Tình trạng bất cập trong công tác tuyển dụng, đề bạt vẫn còn; tình trạng gian lận, quay cóp trong thi cử vẫn diễn ra; nạn đạo văn, sao chép nhức nhối vẫn còn khá phổ biến- thậm chí xảy ra ở cả đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, làm méo mó hình mẫu đạo đức trong học thuật.

Học sinh huyện Tân Biên thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đồi 82.

Một điều đáng quan ngại, người ta ngại nói trực diện đó là, đâu đó xuất hiện tư tưởng kinh doanh giáo dục, coi giáo dục như là mảnh đất màu mỡ để kinh doanh. Trong thời kỳ hội nhập, việc các trường quốc tế, các trường có yếu tố quốc tế, các chương trình quốc tế có mặt ở Việt Nam đã góp phần thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà. Nhưng bên cạnh đó, tồn tại các trường “không ống khói”, nghĩa là các ngành đào tạo không yêu cầu về trang thiết bị, hạ tầng mà chỉ cần một số nhân lực và cơ sở vật chất tối thiểu.

Việc tự chủ, nhất là tự chủ tài chính của các trường đại học đã tạo nên áp lực và dẫn đến chất lượng đào tạo có nơi bị xem nhẹ, chỉ chú trọng số lượng nhằm tăng nguồn thu từ học phí khiến các chuẩn mực chất lượng bị ảnh hưởng. Giáo dục phổ thông đạt một số thành tựu đáng mừng, nhưng “căn bệnh” thành tích cũng chưa thể nói là đã nhẹ đi. Vì nhiều lý do khác nhau, không ít nhà trường coi trọng điểm số, phụ huynh quan tâm đến “học bạ đẹp” và đã có những can thiệp đến thực học của con em. Điều đó khiến tình hình giáo dục có nơi, có lúc quay theo một cái guồng lệch chuẩn quỹ đạo mong muốn.

Đến nay, việc dạy, học, kiểm tra đánh giá đã có những cải thiện, nhưng vẫn còn tình trạng áp đặt “năng lực, phẩm chất” thay vì hướng dẫn, tổ chức để học sinh tự hình thành. Tóm lại, một bức tranh giáo dục xuyên suốt từ mầm non đến đại học đã có những điểm sáng, nhưng các mảng màu khác nhau vẫn đang còn và cần cải thiện nhiều hơn nữa.

Rõ ràng, quyết tâm chính trị cần phải được nhận thức đầy đủ, toàn diện từ cấp độ vĩ mô đến cơ sở, đến từng con người cụ thể; phải có kế hoạch, giải pháp triển khai, có sơ kết, rút kinh nghiệm và chỉ ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm một cách nghiêm túc để tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn. Thành tích là đáng ghi nhận, nhưng nếu không nhìn trực diện vào các hạn chế, yếu kém thì khó tiến bộ. Khi chưa cải thiện về thu nhập, về môi trường và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thì khó nói đến nâng cao chất lượng giáo dục.

Việt Đông

(Còn tiếp)

Tin liên quan