Đọc báo in
Tải ứng dụng
Bất cập hệ thống thoát nước đường giao thông
2022-08-22 00:11:11

Những năm qua, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tình trạng ngập cục bộ tại nhiều tuyến đường vẫn thường xuyên diễn ra, làm ảnh hưởng chất lượng mặt đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Đường 785 đoạn qua ấp Tân Xuân, xã Tân Phú (huyện Tân Châu) bị ngập và ứ đọng thời gian dài sau mưa.

 

Đầu tư đường, nhưng thiếu hệ thống thoát nước

Từ đầu năm đến nay, tuyến đường 785 từ thành phố Tây Ninh đến thị trấn huyện Tân Châu xuất hiện nhiều điểm bị ứ đọng nước cục bộ, gây khó khăn cho người điều khiển phương tiện giao thông.

Theo người dân địa phương, tình trạng ngập úng cục bộ sau những cơn mưa lớn diễn ra từ nhiều năm qua. Trước đây, khi mới được đầu tư và đưa vào sử dụng, mặt đường thường cao hơn mặt bằng xung quanh nên nước mưa dễ dàng thoát tự nhiên. Những năm gần đây, người dân đổ đất san lấp mặt bằng xây dựng nhà ở, kinh doanh... bằng hoặc cao hơn mặt đường, khiến nước mưa không có đường thoát nên ứ đọng, gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng chất lượng mặt đường.

Ông Lê Minh Châu, ngụ ấp Tân Xuân, xã Tân Phú, huyện Tân Châu cho biết, tuyến đường 785 từ khi đưa vào khai thác, sử dụng đã không có hệ thống thoát nước, nên khi có mưa to là nước đọng thành vũng từ trong lề ra đến giữa đường. Nhiều điểm ứ đọng nước đến hai, ba ngày mới rút hết.

Người tham gia giao thông khi đi qua những đoạn này thường phải giảm tốc độ, di chuyển chậm để tránh nước văng trúng những người đi gần. Cũng có trường hợp, một số xe tải, container “chạy ẩu” làm nước bắn tung toé, tạt vào tận nền nhà dân, ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình. Những người điều khiển xe máy phải chạy lấn vào làn đường xe ô tô, thậm chí là chạy vào đường ngược chiều để né vũng nước, rất nguy hiểm, rất dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Còn theo phản ánh của người dân xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), tuyến đường 782 đoạn từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu Bến Sắn hiện xuất hiện nhiều điểm hư hỏng do mặt đường thường xuyên ứ đọng nước.

Ông Nguyễn Văn Thắng, ngụ ấp 2, xã Bàu Đồn cho biết, mỗi khi trời mưa là khu vực trước cổng Trường THCS Bàu Đồn bị ngập nặng, nước ứ đọng vài ba ngày mới rút hết, khiến cho việc đi lại của người dân và các em học sinh hết sức khó khăn. Theo ông Thắng, trước đây, đoạn đường này có cống thoát nước nhưng chỉ được một đoạn ngắn, từ khi thi công dự án nâng cấp đường 782-784, khu vực ngã ba được đổ cao nên mỗi khi mưa lớn, nước đổ dồn về đây, hệ thống thoát nước không còn phát huy tác dụng vì bị bồi lắng.

Theo bà Lê Thị Thơ, ngụ ấp 6, xã Bàu Đồn, do không có hệ thống thoát nước hai bên đường nên đoạn đường này (từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu Bến Sắn) có nhiều điểm ứ đọng nước sau những cơn mưa lớn, cùng lưu lượng phương tiện có tải trọng lớn như xe container, xe tải di chuyển trên tuyến đường này rất nhiều khiến cho mặt đường nhanh chóng xuống cấp, hư hỏng, nhiều “ổ gà, ổ voi” xuất hiện, gây nguy hiểm cho người đi đường.

Đã có một số trường hợp tai nạn giao thông xảy ra do xe máy sụp hố trên đường, người dân địa phương thuê người giặm vá nhưng do lượng xe lưu thông nhiều (xe container, xe tải) nên chỉ sau vài ngày, mặt đường lại tiếp tục bong tróc. Trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh, huyện vừa qua, cử tri địa phương đề nghị ngành chức năng sớm đầu tư nâng cấp, sửa chữa tuyến đường này, bảo đảm an toàn cho người dân lưu thông.

Hệ thống thoát nước bị bồi lắng, hư hỏng, chậm tiêu thoát nước

Trong đợt tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp vừa qua, người dân sống dọc theo tuyến quốc lộ 22 đoạn đi qua địa bàn Tây Ninh đã phản ánh tình trạng ngập nước cục bộ tại nhiều đoạn trên tuyến đường này. Trong đó, cử tri phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng cho biết, đoạn quốc lộ 22 từ ngã tư Suối Sâu đến khu vực ngã ba Cây Me (trụ sở Agribank Trảng Bàng) thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn, mặc dù hai bên lề đường có hệ thống cống thoát nước. Bên cạnh đó, tình trạng nắp mương thoát nước tại các giao lộ thường xuyên hư hỏng, không bảo đảm an toàn giao thông.

Chị Nguyễn Thị Yến, ngụ khu phố Gia Tân, phường Gia Lộc cho biết, những tháng gần đây, thời tiết khu vực này thường xuyên xảy ra mưa lớn vào buổi chiều gây ngập úng cục bộ, nhiều đoạn nước ngập tới nửa bánh xe lại đúng vào thời điểm tan ca của công nhân, người lao động, đặc biệt, lúc có xe tải chạy qua tạo thành sóng mạnh, quật ngã người đi xe máy.

Chỉ tay vào những nắp mương bị vỡ tại khu vực ngã tư An Bình (khu phố An Bình, phường An Tịnh), bà Oanh, chủ cửa hàng kinh doanh gần đó cho hay chỉ trong tuần vừa qua, bà đã chứng kiến ba, bốn trường hợp xe máy té ngã tại ngã tư này do chạy nhầm vào chỗ nắp mương hư hỏng.

Theo bà Oanh, tình trạng nắp mương thoát nước tại ngã tư này hư hỏng là thường xuyên. Ngành chức năng cũng nhiều lần thay mới nắp mương nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là tiếp tục hư hỏng. “Buổi chiều còn trông thấy nắp mương bình thường, lành lặn, đến khuya nghe tiếng xe container chạy qua rầm rầm thì sáng ra là thấy nắp mương bể tan nát, một số nắp thì lún một đầu xuống mương, đầu còn lại chĩa lên giống như đặt chông. Ai điều khiển xe mà thiếu quan sát, tông vô là té ngã”- bà Oanh lắc đầu nói.

Còn theo nhiều người dân tại thị trấn Gò Dầu, đoạn quốc lộ 22A từ ngã ba vào cảng Thanh Phước đến vòng xoay trung tâm huyện và đoạn trước cổng siêu thị Co.opmart Gò Dầu cũng là những điểm thường xuyên ngập cục bộ khi có mưa lớn, gây ảnh hưởng đến giao thông và đời sống người dân. Trong đó, khu vực gần vòng xoay trung tâm huyện, mặt đường trũng vào giữa, trong làn đường dành cho xe ô tô nên nhiều xe lấn vào làn đường xe 2 bánh, hoặc xe chạy vào vũng nước làm nước văng tung toé, ướt người đi đường.

Đường 782, khu vực trước cổng Trường THCS Bàu Đồn bị ngập sau mưa vì hệ thống thoát nước bất cập.

Phải đầu tư đồng bộ hệ thống thoát nước đường giao thông của địa phương

Ông Trần Thông Trực- Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, nhằm hoàn chỉnh hệ thống giao thông phục vụ phát triển đô thị, thị xã Trảng Bàng đã từng bước đầu tư hoàn thiện hệ thống đường giao thông, trong đó các tuyến đường, nhất là đường nội thị khi được nâng cấp đều có xây dựng hệ thống thoát nước, tỷ lệ đạt khoảng 90%, bảo đảm khả năng tiêu thoát nước.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Trảng Bàng còn có khoảng 15,3km đường thuộc quốc lộ 22 (đường Xuyên Á), tuyến đường này do Tổng cục Đường bộ quản lý. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống tiêu thoát nước của tuyến đường này đoạn qua thị xã Trảng Bàng còn nhiều bất cập, mương thoát nước chỉ làm từng đoạn, chưa thông suốt, ít được nạo vét nên thường xuyên bồi lắng, hạn chế dòng chảy, nắp mương thường xuyên hư hỏng, nhất là tại các giao lộ nhiều phương tiện qua lại, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Do đó, UBND Thị xã giao cho Phòng Quản lý đô thị thường xuyên kiểm tra, kịp thời có biện pháp xử lý tạm thời bảo đảm an toàn giao thông. Đồng thời, kiến nghị đơn vị quản lý để có biện pháp sửa chữa, hoặc bổ sung xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng nhu cầu thực tế.

Còn theo ông Lê Thanh Hải- Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Dầu, trên địa bàn huyện có hai tuyến đường lớn đi qua là tuyến quốc lộ 22A (đường Xuyên Á); quốc lộ 22B do Tổng cục Đường bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý; đường liên tuyến 782-784 do Sở Giao thông vận tải quản lý và hệ thống các tuyến đường huyện, đường giao thông nông thôn do địa phương quản lý, việc tiêu thoát nước các tuyến đường này bảo đảm tốt, không có tình trạng ứ đọng và ngập cục bộ.

Thời gian qua, tình trạng ngập cục bộ, nước mưa ứ đọng gây ảnh hưởng đến giao thông chủ yếu diễn ra trên hai tuyến quốc lộ và đường 782 đoạn từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu Bến Sắn. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, mương, cống thoát nước trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện quản lý vẫn còn một vài vị trí có nắp đan bị hư hỏng, sụp lún do các phương tiện tải trọng nặng lưu thông qua lại và đậu, đỗ ven đường gây ra; một số vị trí bị ngập cục bộ vào mùa mưa do bị bồi lắng, tắc nghẽn.

UBND huyện đã kiến nghị với đơn vị quản lý hai tuyến quốc lộ có phương án bổ sung hệ thống thoát nước những đoạn bị thiếu, thường xuyên nạo vét đoạn bị bồi lắng và thay đổi kết cấu mương hở tại các giao lộ thành cống kín có sức chịu tải cao hơn. Đối với tuyến đường 782 đoạn từ ngã ba Bàu Đồn đến cầu Bến Sắn, huyện đang phối hợp với Sở Giao thông Vận tải kiểm tra thực tế để có phương án khắc phục, bảo đảm an toàn giao thông.

Nguyên An

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh