Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Campuchia trong chiến lược “Chuỗi Ngọc trai”
Chủ nhật: 14:47 ngày 20/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành yếu tố quan trọng, chi phối việc triển khai chính sách của Campuchia, Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để tăng cường mối quan hệ với Campuchia và hạn chế tác động của yếu tố Trung Quốc tại Campuchia đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Thuật ngữ “Chuỗi Ngọc trai” được sử dụng trong một báo cáo nội bộ của Bộ Quốc phòng Mỹ có tiêu đề "Năng lượng tương lai ở châu Á", sau đó, tờ The Washington Times đăng tải lại vào tháng 1.2005.

Báo cáo thể hiện sự quan ngại của Ấn Độ trước chiến lược phát triển của Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ nhì thế giới và là nước nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới. Nước này cũng nhập khẩu 15% lượng dầu từ Tây Phi, là khách hàng tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất của Sudan và đã ký các hợp đồng dài hạn để phát triển các mỏ dầu Iran. Do vậy, tuyến giao thông hàng hải Trung Quốc kéo dài đến Port Sudan đã trở thành một nguồn của cuộc xung đột đối với an ninh năng lượng trong tương lai của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp ông Hun Sen, khi còn giữ chức Thủ tướng Campuchia, tại Nhà khách Bang Điếu Ngư ở Bắc Kinh, thủ đô của Trung Quốc, ngày 10.2.2023.

Chiến lược “Chuỗi ngọc trai” được xây dựng nhằm hướng đến giải quyết vấn đề ưu tiên mang tính chiến lược của Trung Quốc là bảo đảm an toàn cho tàu chở dầu mỏ và khí đốt đến từ vịnh Ba Tư. Việc xây dựng chiến lược “Chuỗi Ngọc trai” còn được Trung Quốc nhắm đến việc bảo đảm khả năng kiểm soát Ấn Độ Dương, trong trường hợp đụng độ với một trong những đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của nó, cụ thể là Ấn Độ.

“Chuỗi Ngọc trai” này tạo cơ sở cho Trung Quốc vào vị trí kiểm tra và giám sát tất cả những tuyến đường biển quan trọng nhất ở châu Á cũng như thế giới; kiềm chế Nhật Bản và Hàn Quốc; đồng thời giành lợi thế tiếp cận trực tiếp các vị trí chiến lược quan trọng ở Thái Bình Dương so với Mỹ và Nga. “Chiến lược Chuỗi Ngọc trai” mô tả các biểu hiện ảnh hưởng địa chính trị đang gia tăng của Trung Quốc tăng thông qua các nỗ lực để tăng sự tiếp cận vào các cảng và sân bay, phát triển các mối quan hệ đặc biệt ngoại giao và hiện đại hoá lực lượng quân sự mà mở rộng từ biển Nam Trung Hoa thông qua eo biển Malacca, qua Ấn Độ Dương và đến vịnh Ba Tư

Thực tế, tháng 10.2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất với ASEAN về việc xây dựng "Con đường Tơ lụa trên biển" của thế kỷ 21. Quỹ Hợp tác Hàng hải Trung Quốc - ASEAN trị giá 3 tỷ Nhân dân tệ dành cho kinh tế hàng hải, môi trường, hải sản, cứu hộ và liên lạc trên biển là một trong những bước đi để khôi phục "Con đường Tơ lụa trên biển" này.

Tháng 9.2013, trong chuyến công du đến Indonesia, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh một “Cộng đồng Trung Quốc - ASEAN khắng khít với vận mệnh chung”, cùng với đó đề xuất “quan hệ đối tác hàng hải” trong nỗ lực nhằm xây dựng Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21. Đây là khởi điểm về mặt ý tưởng cho việc Trung Quốc đưa ra sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (tức là Một vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21) tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 tại Bắc Kinh với trọng tâm là kết nối một vùng không gian địa lý xuyên qua Âu-Á.

Campuchia có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Đông Nam Á, nằm án ngữ phía Tây và Tây Nam của Việt Nam, phía Đông của Thái Lan; giáp hạ nguồn lưu vực sông Mekong; vừa thông ra biển, vừa án ngữ đường thuỷ huyết mạch của khu vực Đông Nam Á lục địa; có cảng nước sâu Shihanoukville nằm trong đường hàng hải chiến lược từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương. Do vậy, Campuchia được coi là viên ngọc trai thứ hai trong “Chuỗi Ngọc trai” của Trung Quốc, nhằm kết nối đặc khu hành chính Hong Kong với Sudan qua Ấn Độ Dương và giúp Trung Quốc tiếp cận Vịnh Thái Lan, Biển Đông một cách thuận tiện nhất. Việc chi phối Campuchia mang lại cho Trung Quốc nhiều lợi ích về chính trị và quốc phòng, an ninh.

Mối quan hệ song phương giữa Campuchia và Trung Quốc đã trải qua một quá trình biến đổi đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua. Quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc dần được củng cố kể từ năm 1997, khi Trung Quốc đã phát triển mối quan hệ đặc biệt chặt chẽ với Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền. Từ đó đến nay, quan hệ giữa Trung Quốc và Campuchia ngày càng phát triển; hai bên luôn coi nhau là “người bạn số một” của mình. Tháng 11.2000, Chủ tịch Trung Quốc khi đó là ông Giang Trạch Dân đã có chuyến thăm chính thức tới Campuchia, hai bên đã ký kết “Tuyên bố chung Trung Quốc - Campuchia về hợp tác song phương”, xác định quan hệ hữu nghị truyền thống chặt chẽ và vững chắc hơn trong thế kỷ mới.

Tháng 4.2006, trong chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đến Campuchia, hai bên đã đưa ra “Công báo chung”, tuyên bố xây dựng “Quan hệ đối tác hợp tác toàn diện”. Tháng 12.2010, Thủ tướng Hun Sen thăm Trung Quốc chính thức thiết lập “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”. Trong năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm chính thức Campuchia từ ngày 30.3 đến ngày 2.4.2012. Đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc đến Campuchia kể từ năm 2000. Tháng 12.2012, Trung Quốc và Campuchia đã tuyên bố nâng tầm quan hệ trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện”, mở ra kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước thời đại Tập Cận Bình; nhất trí lấy năm 2013 là Năm hữu nghị Trung Quốc - Campuchia nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 10.2016, ông Tập Cận Bình thăm Campuchia. Trong khuôn khổ chuyến thăm, tổng cộng có 31 văn kiện hợp tác đã được ký kết giữa hai nước về một loạt các lĩnh vực bao gồm kinh tế, công nghệ, cơ sở hạ tầng, nạn buôn người, thuế, hàng hải. Trung Quốc cho rằng nước này đã đặt được nền tảng vững chắc trong quan hệ với Campuchia và quan hệ hai nước đang trong giai đoạn “hoàng kim”. Nếu như năm 1988, ông Hun Sen đã gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi tội lỗi” ở Campuchia thì 12 năm sau theo lời ông Hun Sen, Trung Quốc trở thành người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia.

Campuchia hy vọng kênh đào Phù Nam – Techo trị giá 1,7 tỷ USD (Trong đó, Campuchia 51% và Trung Quốc 49%), có thể thúc đẩy thương mại bằng cách kết nối với các cảng nước sâu dọc theo bờ biển Campuchia, giảm sự phụ thuộc vào Việt Nam.

Hiện nay, Trung Quốc là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Campuchia với tổng giá trị đầu tư đạt 5,3 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm 2017, Campuchia đã thu hút 1,4 tỷ USD đầu tư vào tài sản cố định từ Trung Quốc, tương đương 27% tổng giá trị đầu tư vào Campuchia. Theo thông tin từ Bộ Thương mại Campuchia, năm 2022, xuất khẩu của Campuchia sang Trung Quốc tăng 42% lên 424 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng khiêm tốn hơn - 16,7% lên 2,58 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại là 2,156 tỷ USD, Hiệp định thương mại tự do Campuchia- Trung Quốc (CCFTA), được phê chuẩn vào năm ngoái, dự kiến ​​sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD vào những năm tiếp theo

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch thương mại quốc tế trị giá 27 tỷ USD của Campuchia trong nửa đầu của năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024. Con số trên chiếm 53% tỷ trọng đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), đánh giá kinh tế Campuchia sẽ tăng trưởng 6.5% trong năm 2024. Tỷ lệ nợ công/GDP của Campuchia ở mức trung bình 37% GDP (khoảng 8.8 tỷ USD) và hiện đang ở mức thấp nhất trong số các quốc gia đang phát triển tại châu Á. Tỷ lệ này được kỳ vọng đạt đỉnh 38.1% vào năm 2028 và lùi lại mức gần 37% vào năm 2030. Trung Quốc vẫn tiếp tục là “chủ nợ” lớn nhất, chiếm tỉ trọng hơn 40% nợ công.

Hiện nay, các ngân hàng Trung Quốc tích cực đàm phán với các ngân hàng Campuchia tăng sử dụng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong thanh toán chuyển khoản nhằm dần tạo chỗ đứng vững chắc trong nền kinh tế Campuchia đang bị đồng USD thống lĩnh. Quan hệ kinh tế giữa hai nước phát triển mạnh phục vụ đắc lực cho các ý đồ của Trung Quốc đối với Campuchia. Việc Trung Quốc viện trợ cho Campuchia xây dựng cơ sở hạ tầng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư, kinh doanh, chiếm lĩnh thị trường và đưa lao động Trung Quốc vào làm việc tại Campuchia; từng bước biến Campuchia thành nơi cung cấp nguyên liệu thô và tiêu dùng hàng hoá Trung Quốc thông qua đầu tư phát triển hệ thống đường sắt và đường xuyên Á tại Campuchia, Lào và Myanmar để thâm nhập mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc vào ASEAN.

Trong bối cảnh Trung Quốc trở thành yếu tố quan trọng, chi phối việc triển khai chính sách của Campuchia, Việt Nam cần có các biện pháp phù hợp để tăng cường mối quan hệ với Campuchia và hạn chế tác động của yếu tố Trung Quốc tại Campuchia đến lợi ích quốc gia của Việt Nam.

Theo đó, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường hơn nữa quan hệ với Campuchia trên tất cả các lĩnh vực nhất là chính trị, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng và an ninh; đẩy mạnh hợp tác bảo đảm an ninh biên giới chung trên đất liền và trên biển với Campuchia; thường xuyên thúc đẩy quan hệ hợp tác về đảm bảo an ninh biên giới giữa các địa phương giáp biên, tạo mối gắn bó giữa hai bên; chủ động thúc đẩy và sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên bộ Việt Nam - Campuchia. Đồng thời, Việt Nam cần chủ động đóng góp, nâng cao chất lượng các cơ chế đa phương, nhất là ASEAN. Việc tăng cường các cơ chế hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung sẽ góp phần gia tăng sức ép đối với những quốc gia thành viên có xu hướng chính sách “nhất biên đảo” với các yếu tố bên ngoài.

Trần Long

Tin liên quan