Đọc báo in
Tải ứng dụng
Cẩn trọng với những thủ đoạn lừa đảo qua mạng
2021-09-17 10:28:30

Lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các hoạt động mua sắm trực tuyến gia tăng, nhiều đối tượng tội phạm đã thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng trục lợi bất chính.

Tin nhắn thoả thuận giao dịch giữa chị T và chủ facebook D.M.

Lừa đảo qua hình thức đặt cọc

Các đối tượng xấu đã lừa đảo người mua bằng việc đăng thông tin bán các sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường trên trang facebook, zalo; đồng thời nhận vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng. Lấy lý do tránh tình trạng khách huỷ đơn cũng như bảo đảm giữ giá tốt nhất của đơn hàng đó, các đối tượng không ngừng thúc giục, yêu cầu người mua phải chuyển khoản đặt cọc trước. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền cọc của khách, các đối tượng cắt liên lạc, không giao hàng theo như thỏa thuận ban đầu.

Chị N.T.T.T (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, ngày 26.8, tài khoản facebook D.M đăng tải các bài viết có nội dung chuyên cung cấp các loại trái cây vườn số lượng lớn, giá tại vườn, không qua trung gian. Chị T đã liên hệ đặt 300kg cam với giá 15.000 đồng/kg.

Người bán đồng ý và yêu cầu chị T chuyển khoản tiền cọc trước 500.000 đồng, khi nào nhận hàng đủ sẽ thanh toán phần còn lại. “Do có nhu cần mua cam về bán trong mùa dịch Covid-19, tôi đã trao đổi qua điện thoại với người bán, nhận thấy giọng nói của người này rất nhẹ nhàng, chân thực, đáng tin nên tôi đồng ý chuyển tiền cọc. Đối tượng còn hẹn 9 giờ sáng hôm sau sẽ giao 300 kg cam đến nhà cho tôi”, chị T cho hay.

Tuy nhiên, chờ mãi không thấy hàng gửi về, chị gọi lại số điện thoại của người này nhưng không được, lúc này chị T mới biết mình bị lừa. “Bức xúc trước những thủ đoạn kinh doanh gian dối nêu trên, tôi đã liên hệ với tài khoản D.M yêu cầu trả hàng đúng như cam kết nhưng đều không nhận được hồi đáp.

Ngay sau đó, người này đã chặn tài khoản facebook và số điện thoại của tôi. Tôi đã đăng lên các hội nhóm buôn bán trên facebook để cảnh báo mọi người thì phát hiện không ít người mua hàng của tài khoản D.M cũng bị lừa giống tôi. Mọi người nên rút kinh nghiệm khi mua hàng phải “tiền trao cháo múc””, chị T chia sẻ.

 

Giả mạo trang web

Thời gian qua, xuất hiện thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tri ân khách hàng hoặc thông báo trúng thưởng qua các trang web giả mạo, khiến không ít người dùng bị “sập bẫy”.

Trước đó, ông H.V.V (ngụ xã Trí Bình, huyện Châu Thành) bị kẻ xấu đánh cắp tài khoản zalo. Đối tượng dùng zalo của ông V gửi tin nhắn đến cho người thân, bạn bè và đồng nghiệp với nội dung Vietcombank tặng 500.000 đồng vào tài khoản miễn phí áp dụng dành cho khách hàng đang sử dụng ứng dụng Vietcombank digibank, kèm theo một đường link lạ.

“Nhiều người bạn đã gọi điện cho tôi hỏi rõ sự việc, lúc này tôi mới biết tài khoản zalo của mình đã bị lấy cắp. Ngay lập tức, tôi liên hệ với tổng đài zalo để lấy lại tài khoản, đồng thời thông báo đến mọi người không truy cập vào đường link lạ nói trên, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra”, ông V nói.

Chị V.T.N (ngụ TP.Tây Ninh) chia sẻ, ngày 7.8, chị có nhận được tin nhắn giả mạo từ @s.h.o.p.e.e..vn..5 với nội dung “Chúc mừng chủ tài khoảng Shopee takt8989 bạn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt 200.000.000VNĐ từ vòng quay thưởng Shopee tri ân khách hàng 8.8 nhanh tay liên kết ngay tài khoản ngân hàng của bạn với Shoppe để nhận tiền về tài khoản ngân hàng, nhấn vào https://ibank-shopee.vn/ chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền Shoppe”.

“Sau khi nhận được tin nhắn, mình có liên hệ với Shopee, được biết đây là hình thức lừa đảo của các đối tượng xấu. Nếu nhấp vào đường link trang web trên, người dùng được yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP. Lúc này, các đối tượng sẽ đăng nhập trực tiếp trên trang web chính thức của hệ thống ngân hàng để chiếm quyền sử dụng tài khoản và chiếm đoạt tiền của bạn”, chị T.N cho biết.

Chị N nhận được tin nhắn giả mạo thông báo trúng thưởng từ @s.h.o.p.e.e..vn..5.

Hành vi lừa đảo có thể bị phạt tù chung thân

Luật sư Phan Văn Vĩnh, Đoàn Luật sư Tây Ninh cho biết, dưới góc độ pháp lý, lừa đảo qua mạng được xếp vào một trong các hành vi dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác. Với trường hợp lừa đảo qua mạng, thủ đoạn gian dối thường là những câu chuyện bịa đặt được đăng tải trên mạng, giả mạo người có chức vụ, quyền hạn… với mục đích khiến người bị lừa tin tưởng, giao tài sản hoặc các phương tiện, công cụ dẫn tới bị chiếm đoạt tài sản.

Tùy theo tính chất và mức độ, hành vi lừa đảo qua mạng có thể bị xử lý hành chính từ 1-2 triệu đồng theo khoản 1, Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12.11.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự; an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

Ngoài ra, hành vi lừa đảo cũng có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (theo khoản 1, Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015) nếu tài sản chiếm đoạt trị giá từ 2 đến dưới 50 triệu đồng, hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản; gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an ninh; tài sản bị lừa đảo là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đã bị kết án về một trong các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản, sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người phạm tội này có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm nếu phạm tội có tổ chức; có tính chuyên nghiệp; chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng. Có thể bị phạt tù 7 -15 năm nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai dịch bệnh. Cao nhất từ 12 – 50 năm hoặc chung thân nếu chiếm đoạt tài sản giá trị 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng chiến tranh, khẩn cấp...

Luật sư Vĩnh chia sẻ thêm, thông thường tội phạm sử dụng công nghệ thông tin hoặc mạng xã hội để lừa đảo không chỉ hoạt động đơn lẻ, mà còn có sự giúp sức của nhiều người và có tổ chức. Trong đó, có hành vi cung cấp (bán) thông tin cá nhân của người bị hại cho kẻ lừa đảo. Trong trường hợp đó, Điều 84 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 3.2.2021 quy định hành vi cung cấp thông tin cá nhân của người khác, có thể bị phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng.

“Để tránh trở thành nạn nhân của các hành vi lừa đảo trực tuyến, người dân nên đăng nhập và liên hệ với những trang web quen thuộc, đáng tin. Trường hợp gặp trang mạng lạ, không rõ nguồn gốc người dùng cần hỏi ý kiến người quen; cảnh giác, không cung cấp bất cứ thông tin cá nhân nào (số CCCD/CMND, tài khoản ngân hàng…).

Nếu mua hàng qua mạng, người dân không nên chuyển tiền trước trong bất kỳ trường hợp nào; cảnh giác với thủ đoạn dọa hết hàng, hàng sẽ tăng giá… để buộc người dùng chuyển tiền trước (một phần, hoặc hết…). Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan Công an để xử lý”, luật sư Vĩnh nói.

Thiên Di

Tin liên quan