Đọc báo in
Tải ứng dụng
Chủ động xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai và dịch bệnh
2021-06-04 22:17:08

Sáng 4.6, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức hội nghị trực tuyến phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021.

Ban chỉ đạo về Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh dự Hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành- Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị tại điểm cầu trung ương. Tại Tây Ninh, hội nghị do ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Mấy- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều hành.

Báo cáo với hội nghị, ông Trần Quang Hoài- Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, cho biết, năm 2020, cùng với đại dịch Covid-19, tình hình thiên tai trên thế giới và khu vực diễn ra hết sức phức tạp, làm 8.200 người chết, mất tích, tổng thiệt hại về kinh tế trên 210 tỷ USD.

Ông Trần Văn Chiến – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh.

Tại Việt Nam, năm 2020, thiên tai diễn ra dồn dập và khốc liệt, mang nhiều yếu tố dị thường, vượt mức lịch sử trên nhiều vùng miền cả nước. Cụ thể, trong năm 2020 đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 14 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới; 265 trận dông, lốc sét; 120 trận lũ quét, sạt lở đất; 90 trận động đất; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại đồng bằng sông Cửu Long.

Thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích (trong đó, do bão, áp thấp nhiệt đới: 25 người; mưa lũ, ngập lụt: 108 người; lũ quét, sạt lở đất: 132 người; lốc, sét, mưa đá: 54 người và do các nguyên nhân khác: 38 người); 3.429 nhà sập, 333.084 nhà bị hư hại, tốc mái; trên 198.000 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 52.000 con gia súc, 4,1 triệu con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Một nhà xưởng tại ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên bị cuốn bay trong một trận dông lốc đầu tháng 5.2021.

Tổng thiệt hại trên 39.962 tỷ đồng (trong đó: do lũ, ngập lụt: 18.406 tỷ đồng; lũ quét, sạt lở đất: 16.756 tỷ đồng; bão: 1.338 tỷ đồng; lốc, sét, mưa đá: 938 tỷ đồng; thiên tai khác: 2.524 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước xảy ra 53 trận động đất nhẹ, 105 trận mưa đá, dông lốc, 11 trận mưa lớn gây lũ cục bộ, và 21 vụ sạt lở bờ sông. Tính đến cuối tháng 5.2021, thiên tai làm 21 người chết, 29 người bị thương, trên 4.300 căn nhà bị sập, đổ, tốc mái, hư hỏng, hơn 3.200 ha lúa, hoa màu thiệt hại và 6.583m đường bị sạt lở, ước tính tổng thiệt hại về kinh tế hơn 119 tỷ đồng.

Bên cạnh những thiệt hại về vật chất, thiên tai còn làm ảnh hưởng môi trường sống, sức khoẻ, sản xuất và đời sống của nhân dân, cản trở giao thương, làm gián đoạn việc cung cấp dịch vụ thiết yếu tại nhiều khu vực.

Theo nhận định của cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, những tháng còn lại của năm 2021 sẽ có khoảng 12 đến 14 cơn bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện trong khu vực biển Đông, trong đó có từ 5 đến 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Một nhà xưởng tại ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên bị sập trong một trận dông lốc đầu tháng 5.2021.

Tình hình lũ trên các sông lớn tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến ở mức báo động 1 - báo động 2 và trên báo động 2. Riêng các sông ở Yên Bái, Ninh Bình và các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Thuận lũ có lúc sẽ ở mức báo động 2 - báo động 3.

Tình hình lũ đầu nguồn các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đạt mức báo động 1 đến báo động 2. Ngoài ra, tình hình mưa bão có thể gây lũ lớn, lũ quét; sạt lở đất có thể xuất hiện trên các sông, suối nhỏ và gây ngập úng một số thành phố, đô thị khu vực hạ lưu các sông.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các địa phương xây dựng kịch bản vừa phòng, chống dịch bệnh vừa ứng phó, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Nhà người dân tại khu dân cư ấp Tân Khai, xã Tân Lập, huyện Tân Biên bị tốc mái trong một trận dông lốc đầu tháng 5.2021.

Các cơ quan chức năng Trung ương nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thuỷ văn, ưu tiên đầu tư tranh thiết bị nhằm dự báo chính xác thời gian, địa điểm và cường độ thiên tai để kịp thời ứng phó.

Ưu tiên bố trí ngân sách đầu tư hệ thống đê chống sạt lở bảo vệ sản xuất và đào tạo chuyển đổi nghề cho người dân khu vực xung yếu.

Các địa phương tập trung công tác kiểm tra, rà soát thiệt hại và kịp thời giải ngân kinh phí khắc phục thiệt hại. Đồng thời, nhanh chóng hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khắc phục sản xuất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chủ động tổ chức xử lý linh hoạt các tình huống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ, phù hợp với từng thời điểm cụ thể trong điều kiện cả nước đang đối phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 37 vụ thiên tai (mưa lớn, lốc xoáy và sét), làm 4 người bị thương; 144 căn nhà, 4 trường học, 1 văn phòng ấp và 542 ha cây trồng bị ảnh hưởng; tổng thiệt hại 5,914 tỷ đồng; so với năm 2019, giảm: 83 vụ thiên tai; 10 người bị thương; 1.356 căn nhà bị hư hại; 1.817 ha cây trồng bị ảnh hưởng; thiệt hại về kinh tế giảm 26,48 tỷ đồng.

Minh Dương

Tin liên quan