Đọc báo in
Tải ứng dụng
Có thật sự “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời”
2021-05-17 23:31:21

Không ít người lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi mua những lô đất này với ý định “đầu tư” kiếm lời, đã không thể bán cho ai, mà cũng chẳng canh tác được gì… nên không khó bắt gặp những mảnh đất nông nghiệp đã phân lô, cỏ mọc um tùm chẳng khác gì đất “chết”.

Khu đất có diện tích lớn tại xã Tân Bình, thành phố Tây Ninh bị “xẻ thịt” nhiều năm đến nay vẫn để cỏ mọc, không có nhà ở, không canh tác được gì.

Không thể phủ nhận một điều, sự phát triển kinh tế - xã hội đầy năng động của Tây Ninh thời gian qua, bước đầu đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn. Song song đó, tốc độ đô thị hoá ngày càng nhanh, khiến giá đất không chỉ ở khu vực thành thị, mà cả ở nông thôn cũng tăng vọt, dẫn đến việc đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, để lại những hệ luỵ không hề nhỏ.

Ðầu tư kiếm lời hay tự gây khổ

Như bài báo trước đã phản ánh, lợi dụng kẽ hở về quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đất nông nghiệp, “đầu nậu” đất kéo về các xã nông thôn vùng sâu, xa ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hầu hết đều chọn những mảnh đất lớn, có sẵn đường nông thôn, sau đó bỏ một số vốn, vận động người dân kiến nghị chính quyền địa phương cho phép nâng cấp đường. Khi có đường, “đầu nậu” phân lô bán, thu về một khoản lợi béo bở.

Không ít người lâm vào cảnh dở khóc, dở cười khi mua những lô đất này với ý định “đầu tư” kiếm lời, đã không thể bán cho ai, mà cũng chẳng canh tác được gì… nên không khó bắt gặp những mảnh đất nông nghiệp đã phân lô, cỏ mọc um tùm chẳng khác gì đất “chết”.

Chị N.M, ngụ thị xã Hoà Thành ấm ức chia sẻ, cách đây vài năm chị dành dụm được hơn 200 triệu đồng. Thấy trên mạng xã hội Facebook rao bán phần đất có diện tích hơn 200m2 (trong đó có 20m2 thổ cư) với giá “vừa túi tiền” tại xã Tân Phú, huyện Tân Châu, chị liên hệ và được “cò đất” khuyên nên mua, “để đó” chừng một năm là có lãi.

Khi “cò” đưa đi coi, dù mảnh đất nằm ở cuối con đường nhưng chị thấy có nhiều thửa được tách, phía trước có con đường 4m, nên quyết định “đầu tư” chờ sinh lợi. Ðến nay đã hơn 4 năm, chị M kêu bán lại bằng giá gốc như đã mua trước đây, vẫn không ai thèm ngó ngàng.

Chị điện thoại cho tay “cò” dẫn chị đi mua đất khi trước, nhờ bán giùm. Anh ta hứa giúp chị, nhưng bán được hay không thì “hên xui”. Cũng có người có nhu cầu mua đất cất nhà ở thật sự, xem đất xong đều vẫy tay chào tạm biệt, một đi không trở lại, do “có đường mà không có điện, rồi chỉ có 20m2 thổ cư, làm sao cất nhà (!?)”. Khu đất này, cũng đã có nhiều người mua, nhưng rồi “để đó miết”, thành đất hoang.

Trước đây, việc tách thửa đất khá dễ dàng, nhiều “đầu nậu” đã đến địa phương “oanh tạc”. Không ít diện tích đất nông nghiệp lớn, trồng mãng cầu khá hiệu quả, bị “xẻ thịt” thành những thửa nhỏ. Không biết “cò” lời ngon, tiếng ngọt thế nào, khá nhiều người đến mua đất.

“Ðể đó” suốt mấy năm, không thấy ai cất nhà do chi phí chuyển đổi mục đích từ đất lúa, đất vườn lên đất  thổ cư khá lớn; muốn trồng trọt cũng không được vì diện tích nhỏ. Thỉnh thoảng lại thấy mấy tấm bảng “bán đất” được thay mới.

Vị lãnh đạo xã này nhận định, chỉ có cánh “đầu nậu” là hưởng lợi, kế tiếp là “cò đất”, còn những người mua đất phân lô thì... lãnh đủ.

Khổ cho cả chính quyền ðịa phương

Tất nhiên, dù chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn nhận ra nguy cơ đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”, nhưng hồ sơ thủ tục “tách thửa” đúng quy định pháp luật, không thể không giải quyết. Khổ là, đầu nậu phân lô bán kiếm lời, chính quyền địa phương lại phải vất vả kiểm tra vì sợ nhiều người xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, nếu không xử lý kịp thời để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép.

Khi bài báo đầu tiên được phát hành, cũng có nhiều ý kiến phản biện cho rằng, do đất ở quá cao nên việc “xẻ thịt” đất nông nghiệp giúp cho người nghèo có thể mua đất cất nhà ở, dân cư phát triển… Chúng tôi đã đi khảo sát và tìm hiểu ở một số huyện và thành phố, thị xã. Những mảnh đất này đều có đường vào, nhưng lại không có điện.

Chưa kể, phần lớn đều xa khu dân cư. Mà đất nông nghiệp không nằm trong kế hoạch cho chuyển đổi mục đích sang đất ở, việc cất nhà càng khó hơn. Ðiển hình như một số khu đất tại khu phố Ninh Phúc, phường Ninh Thạnh, thành phố Tây Ninh, do không nằm trong kế hoạch chuyển lên đất ở đô thị, người mua không thể cất nhà, lén lút làm thì bị chính quyền địa phương xử lý, đành ngậm đắng nuốt cay, “để đó” chờ thời.

Không ít trường hợp người mua đất nông nghiệp cố tình cất nhà trái phép, thấy người dân khổ, chính quyền địa phương xử lý không quyết liệt. Hậu quả, những người có trách nhiệm bị kiểm điểm như vụ việc diễn ra tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu mà Báo Tây Ninh từng phản ánh.

Tình trạng đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” diễn ra nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua.

Một người dân mua đất nông nghiệp cất nhà chia sẻ, do xây dựng bất hợp pháp nên không được cấp số nhà, không cấp hộ khẩu, không vô được điện phải xài nhờ của người khác… Rồi khi cần vay vốn ngân hàng để làm ăn, đất nông nghiệp, diện tích không nhiều nên vay không được bao nhiêu. Ðất mua rồi, không biết bao giờ mới nằm trong kế hoạch cho chuyển mục đích lên đất ở. Ðến khi được chuyển đổi, không biết có đủ tiền để thực hiện nghĩa vụ tài chính hay không? Cái câu “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” của mấy tay “cò đất” chẳng qua là trò chiêu dụ.

Ðất nông nghiệp bị “xẻ thịt”- dù đúng quy định pháp luật, các địa phương không sai khi thực hiện thủ tục tách thửa, nhưng hệ luỵ về sau mới là chuyện đáng bàn. “Ðầu nậu” khuấy động vùng quê, gây ra tình trạng sốt đất, ảnh hưởng đến việc canh tác nông nghiệp của người dân, phá vỡ quy hoạch.

Có ý kiến cho rằng, cơ quan chức năng cần có giải pháp chấn chỉnh; chính quyền địa phương cần tăng cường công tác bảo đảm trật tự xây dựng- nhất là đối với những thửa đất nông nghiệp bị “xẻ thịt”. Ðiều quan trọng, các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Bản thân mỗi người dân cũng cần tìm hiểu “cặn kẽ” khi có ý định mua đất để họ không mắc bẫy “cò đất”, gây thiệt hại cho chính bản thân mình và gia đình về sau.

Thế Nhân

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh