Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đại biểu chất vấn lãnh đạo các sở, ngành
2022-07-20 15:29:34

Sáng 20.7, HĐND tỉnh thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn lãnh đạo các sở, ngành đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, giáo dục và đào tạo. Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phần chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn (NT&PTNT) do Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Xuân trả lời. Nội dung tập trung đánh giá thực trạng, giải pháp phát huy hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp thời gian qua; công tác quản lý và khai thác hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh; tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng kém chất lượng trong bối cảnh giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, giải pháp khắc phục tình trạng trên. Có 9 lượt đại biểu đặt câu hỏi về các nội dung trên cho Giám đốc Sở NN&PTNT và các sở, ngành liên quan.

Qua phần chất vấn và trả lời chất vấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị ngành NN&PTNT sớm rà soát, tham mưu UBND tỉnh sơ kết việc thực hiện các chính sách nông nghiệp trong thời gian qua. Qua đó, để xác định rõ hạn chế bất cập, đánh giá kết quả thực hiện chính sách, những bất cập trong quy trình, thủ tục tiếp cận chính sách để tham mưu tỉnh điều chỉnh, bổ sung chính sách phù hợp với thực tế, đúng thẩm quyền của địa phương.  

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Về quản lý chất lượng giống, vật tư nông nghiệp, ông Nguyễn Thành Tâm đề nghị ngành NN&PTNT có các biện pháp quản lý chất lượng ngay từ nguồn cung ứng; tăng cường kiểm tra các đại lý phân phối trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm đại lý, doanh nghiệp sai phạm; công khai danh sách đơn vị vi phạm cũng như điểm bán giống cây trồng, vật nuôi, vật tư nông nghiệp chất lượng tốt. UBND tỉnh chỉ đạo phối hợp liên ngành trong kiểm tra, xử lý tình trạng mua bán vật tư nông nghiệp, giống cây trồng vật nuôi.

Đối với công tác quản lý thuỷ lợi, ngành NN&PTNT cần phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm hành lang an toàn các công trình thuỷ lợi; đề nghị cơ quan điều tiết tưới - tiêu đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và điều kiện sản xuất của từng vùng gắn với thực tế chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Rà soát tổng thể hệ thống thuỷ lợi trên địa bàn, quy hoạch của ngành để điều chỉnh quy hoạch hệ thống thuỷ lợi.

Đối với tiêu thụ nông sản, ngành tăng cường liên kết sản xuất theo chuỗi, xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; phối hợp các ngành liên quan phát triển sàn thương mại điện tử giúp nông dân có kênh tiêu thụ nông sản hiệu quả gắn với xu hướng chuyển đổi số.

Phần chất vấn các nội dung thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường (TN&MT) do Giám đốc Sở TN&MT Kiều Công Minh trả lời, nội dung về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thu gom, xử lý rác thải, nước thải; những bất cập trong việc thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực đất đai.

Ông Kiều Công Minh - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn.

Kết luận về nội dung chất vấn, trả lời chất vấn lĩnh vực này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đề nghị ngành TN&MT tiếp thu ý kiến, phản ánh, kiến nghị của đại biểu để triển khai các biện pháp quản lý nhà nước khắc phục hạn chế thuộc lĩnh vực của ngành.

Về môi trường, ngành TN&MT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hoặc cam kết tự xử lý rác thải đúng quy định, xử phạt nghiêm hành vi vứt rác bừa bãi.

Rà soát các mô hình thu gom vận chuyển, xử lý rác thải, lựa chọn những mô hình hiệu quả nhân rộng ở các địa phương; xã hội hoá hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, phải xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm nhưng chậm khắc phục.

Ngành TN&MT phối hợp các ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng tiếp nhận và xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh, xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom, xử lý rác thải đô thị đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Về TTHC lĩnh vực đất đai, ngành TN&MT cần kiểm soát chặt việc ban hành mới, sửa đổi bổ sung các TTHC đất đai đúng quy định của pháp luật; tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện bảo đảm công khai, minh bạch; chấn chỉnh, xử lý nghiêm cán bộ, công chức chưa thực hiện đúng trách nhiệm trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC đất đai, có hành vi nhũng nhiều, phiền hà người dân.

Đại biểu Trần Thị Ngọc Trinh đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở TN&MT.

Bên cạnh đó, phối hợp với UBND cấp huyện có cơ chế kiểm soát việc giải quyết hồ sơ đất đai, chấn chỉnh tình trạng hồ sơ trễ hạn, tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng và khắc phục những hạn chế trong cập nhật, chỉnh lý hồ sơ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt là phối hợp các ngành liên quan để thực hiện liên thông dữ liệu; tăng cường tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trực tuyến; chấn chỉnh tình trạng kết thúc hồ sơ TTHC đất đai trên phần mềm điện tử không đúng với thực tế giải quyết.

Phần chất vấn các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo do ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở trả lời, nội dung về triển khai, lựa chọn, dạy và học chương trình sách giáo khoa (SGK) mới; việc thực hiện dạy bơi phòng chống đuối nước và kỹ năng an toàn cho học sinh; thực trạng và giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Kết luận nội dung này, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục quan tâm tới việc thực hiện quy trình, thủ tục lựa chọn SGK đúng quy định hướng dẫn của Bộ, bảo đảm tính công khai, minh bạch và phát huy vai trò, trách nhiệm của giáo viên giảng dạy tại cơ sở.

Thực hiện sắp xếp các cơ sở vật chất để bảo đảm yêu cầu giảng dạy theo chương trình và SGK mới; tập huấn nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đội ngũ giáo viên. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc khai thác, sử dụng các cơ sở vật chất, trang thiết bị đầu tư để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư và đáp ứng được yêu cầu của chương trình SGK mới, tránh tình trạng đầu tư nhưng không sử dụng, gây lãng phí.

Ông Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn.

Trong quá trình triển khai chương trình giáo dục, SGK mới, đề nghị ngành GD&ĐT tiếp tục theo dõi, đánh giá kết quả, hiệu quả của việc triển khai trên địa bàn tỉnh để tham mưu UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

Về tình trạng thiếu giáo viên, trước mắt thực hiện các biện pháp tạm thời điều chuyển, bồi dưỡng để khắc phục trước một số bộ môn đang thiếu, phục vụ cho chương trình SGK hiện nay.

Về lâu dài, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị ngành Giáo dục khẩn trương triển khai các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, trong đó: về chính sách đối với đội ngũ giáo viên, nhất là chính sách đối với giáo viên vùng sâu vùng xa; có định hướng đào tạo đội ngũ giáo viên; thực hiện cơ chế tuyển dụng giáo viên trên địa bàn tỉnh bảo đảm linh hoạt, kịp thời đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.

Đối với công tác phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, đặc biệt là phòng chống đuối nước, ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống tai nạn thương tích trong phụ huynh, học sinh; khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất, đội ngũ đã được tập huấn để thực hiện công tác dạy bơi; tạo các sân chơi bổ ích, lành mạnh cho trẻ em.

Ngành GD&ĐT phối hợp với ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong đào tạo, huấn luyện bơi cũng như huấn luyện các biện pháp phòng chống tai nạn thương tích, tránh tình trạng triển khai nhiều chương trình, tốn nhiều chi phí nhưng kết quả đạt được không cao.

Phương Thuý – Trúc Ly

Tin liên quan