Đọc báo in
Tải ứng dụng
Dây cáp viễn thông rối như mạng nhện
2022-05-08 22:52:25

Nhiều đoạn dây cáp kéo lâu ngày đã xuống cấp, tạo thành những “chiếc võng” treo lơ lửng, chực chờ rơi xuống đường.


Hệ thống dây cáp đan xen chằng chịt trên một tuyến đường thuộc khu phố 1, phường 3, TP. Tây Ninh.

Những năm qua, các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông không ngừng phát triển, mạng lưới rộng khắp các địa phương nhưng không theo quy hoạch, không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến việc các loại dây dẫn trên cột điện giăng mắc chằng chịt như “mạng nhện”, không chỉ gây mất mỹ quan mà còn làm cho hệ thống cột ngày càng quá tải, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, đe doạ đến an toàn lưới điện.

Bên cạnh đó, khi nâng cấp hạ tầng, chuyển đổi từ cáp đồng sang cáp quang, các doanh nghiệp viễn thông không thu hồi, loại bỏ các tuyến cáp cũ treo trên cột, làm ảnh hưởng đến công tác vận hành, nhiều đoạn lòng thòng, mắc võng sà xuống đường gây mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Rối như “mạng nhện”

Hiện nay, dọc theo các tuyến đường giao thông trong tỉnh, người đi đường không khó để bắt gặp một cột điện phải gồng mình cõng vài chục đường dây buộc chồng chéo lên nhau như mạng nhện khiến cho các tuyến phố vốn dĩ chật chội càng thêm rối mắt. Nhiều đoạn dây cáp kéo lâu ngày đã xuống cấp, tạo thành những “chiếc võng” treo lơ lửng, chực chờ rơi xuống đường.

Ông Đặng Văn Anh, ngụ khu phố 1, phường 3, TP. Tây Ninh cho biết, con hẻm nơi ông sống có hệ thống điện, dây cáp viễn thông quá chằng chịt, rối rắm, treo lơ lửng trên đầu người dân, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị và an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông, đặc biệt là mỗi khi trời mưa bão.

Còn theo bà Lâm Thị Hồng Hoa, cùng ngụ khu phố 1, phường 3, dọc theo tuyến đường Phạm Tung, nhiều đoạn dây cáp sà xuống đường, có đoạn dây luồn vào lan can, hàng rào nhà dân, cây cối ven đường, khiến người dân hết sức lo lắng, bởi ngoài nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, còn có thể xảy ra tình trạng chập cháy.

Là một nạn nhân đã từng bị dây cáp viễn thông gây tai nạn giao thông, anh Linh, ngụ khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc. Chiều mùng 4 Tết Nguyên đán Nhâm Dần- 2022 vừa qua, sau cơn mưa lớn kèm theo gió mạnh vào lúc 17 giờ làm tuyến cáp viễn thông dọc theo quốc lộ 22, đoạn qua nút giao cầu vượt đường Hồ Chí Minh thòng xuống. Do trời tối nên khi di chuyển đến đoạn này, anh Linh vướng vào dây cáp vắt ngang nên té xuống đường, bị trầy xước và hư hỏng xe máy.

Nhiều hộ dân ở dọc các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Trịnh Phong Đáng… thuộc thị xã Hoà Thành chia sẻ, những tuyến đường này có phương tiện lưu thông đông, nhiều hộ kinh doanh buôn bán nhưng dây cáp của các nhà mạng lại mắc chằng chịt ở trước nhà, có nơi dây cáp còn vắt qua mái nhà khiến người dân lo lắng. “Ngày thường còn đỡ, sợ nhất là những hôm mưa gió, không may chập cháy, người dân chúng tôi không biết kêu ai.

Việc treo biển hiệu buôn bán lên cũng bị dây cáp che mất, hay như những ngày lễ tết, muốn trang trí cửa nhà cho chỉn chu một chút cũng khó vì vướng víu các sợi dây cáp trước nhà. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng có giải pháp để dọn sạch hệ thống “rác” trên trời này, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân”- một hộ kinh doanh tạp hoá ở phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành chia sẻ thêm.

Theo quan sát của người viết, một trong những lý do khiến tình trạng cáp mạng internet, viễn thông trở nên lộn xộn là do hệ thống dây chỉ được treo một cách sơ sài, chồng chéo, thậm chí bạ đâu mắc đó cho xong; nhiều trường hợp dây cáp đứt thòng xuống đường một thời gian dài vẫn không có cơ quan nào đến thu gọn, người dân cũng chẳng biết kêu ai, đành tự ý cắt bớt dây, tránh xảy ra tai nạn đáng tiếc.

Bên cạnh đó, tình trạng nhiều loại dây cáp không còn sử dụng nhưng đơn vị quản lý vẫn để nguyên, được bó chung với dây mới. Hàng chục, thậm chí hàng trăm dây cáp cùng quấn trên một cây trụ mang đến cảm giác vô cùng rối rắm, trông như những mạng nhện hay tổ chim khổng lồ treo giữa khu dân cư.

Đường dây cáp viễn thông nằm vắt qua lan can nhà dân.

Khó xử lý triệt để?

Việc các loại dây cáp viễn thông treo không đúng quy định, không đúng yêu cầu kỹ thuật, chồng chéo lên nhau, không bảo đảm khoảng cách an toàn, không gắn biển nhận diện chủ sở hữu, biển báo độ cao… đã gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, vận hành, sửa chữa và khắc phục khi xảy ra sự cố. Trong khi đó, hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường đô thị nhỏ hẹp, mật độ nhà dân dày đặc, việc hạ ngầm hệ thống dây điện và cáp viễn thông tốn kém chi phí không ít, rất khó triển khai thực hiện.

Ông Lê Đức Hoà Bình- Phó Giám đốc Công ty Viễn thông Tây Ninh (VNPT Tây Ninh) cho biết, hiện nay, VNPT Tây Ninh có 2 loại hình dây cáp viễn thông, một là cáp ngầm trên đường 30.4, TP. Tây Ninh, trong thời gian tới sẽ thực hiện ngầm hoá dây cáp trên đường Cách Mạng Tháng Tám. Hằng năm, VNPT Tây Ninh tổ chức các đợt kiểm tra, thu hồi các tuyến cáp không còn hoạt động, thường xuyên phối hợp với Công ty Điện lực Tây Ninh kịp thời khắc phục những đoạn dây bị chùng, cột bị nghiêng và những sự cố để bảo đảm an toàn cho người dân.

Ông Phạm Ngô Hoàng Trang- Phó Giám đốc Công ty Điện lực Tây Ninh cho biết, trong những năm qua, do tốc độ phát triển mạnh mẽ của dịch vụ viễn thông, internet, truyền hình cáp… các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục mở rộng mạng lưới truyền dẫn, dẫn đến tình trạng số lượng cáp treo trên các cột điện tăng nhanh, các loại cáp này mắc chồng chéo, đan xen; thậm chí còn vắt qua sàn thao tác của TBA phân phối hoặc luồn qua cành cây; đa số cáp đều không có biển hiệu, nhận dạng tên nhà mạng.

Nhiều dây cáp dư thừa, không còn hoạt động không được thu hồi đã tạo ra nhiều bó rối trên cột điện, nhiều sợi cáp chưa được sắp xếp hợp lý, bị thòng sát xuống lòng đường, vỉa hè, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn về điện và là mối đe doạ về an toàn cho người tham gia giao thông.

Ông Trần Quốc Hùng- Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, trên địa bàn tỉnh có 5 doanh nghiệp viễn thông, truyền hình cáp có triển khai lắp đặt, treo cáp viễn thông trên trụ điện lực (riêng VNPT Tây Ninh có hệ thống trụ viễn thông riêng, chỉ một số ít tuyến sử dụng chung trụ điện lực).

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai lắp đặt hoặc sửa chữa hệ thống cáp viễn thông, một số đơn vị, tổ chức còn tuỳ tiện giăng mắc dây cáp vào trụ điện, không thu hồi dây không còn sử dụng gây ra tình trạng quá tải, làm mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông chưa thật sự quan tâm, chủ động trong công tác chỉnh trang, làm gọn hoặc ngầm hoá cáp viễn thông.

Từ năm 2013 đến nay, hằng năm, Sở phối hợp với Công ty Điện lực Tây Ninh, các đơn vị sở hữu hạ tầng cáp viễn thông chỉnh trang, làm gọn khoảng 226km cáp treo trên trụ điện lực với tổng kinh phí trên 11,3 tỷ đồng. Riêng năm 2021, đã chỉnh trang, làm gọn mạng cáp treo trên 35 tuyến đường với tổng chiều dài khoảng 46km, chi phí thực hiện khoảng 3 tỷ đồng.

Theo ông Hùng, nếu người dân phát hiện tình trạng dây cáp viễn thông gây mất an toàn và mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh, hãy gọi điện thoại đến tổng đài 1022; phản ánh thông tin trên Facebook 1022 Tây Ninh hoặc website: 1022.tayninh.gov.vn và ứng dụng Tây Ninh Smart.

Minh Dương

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh