Đọc báo in
Tải ứng dụng
Để Tây Ninh trở thành nơi đáng đến và đáng sống
2021-02-13 08:02:15

Công nghệ có mặt ở mọi ngõ ngách đời sống và mang lại nhiều tiện ích, sự kết nối, chia sẻ. Đó là điện thoại thông minh, đô thị thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, thanh toán trực tuyến… Bắt nhịp với xu hướng này trong công tác quản lý nhà nước sẽ là chính quyền điều hành thông minh. Vấn đề này đã được Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 nhận diện và đưa ra định hướng trong nghị quyết: “Từng bước xây dựng kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền điện tử”.

Lãnh đạo tỉnh và Tập đoàn VNPT ấn nút khai trương Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh.

CÔNG NGHỆ GIÚP CHÍNH QUYỀN GẦN DÂN HƠN

Ngày 28.12.2020, UBND phường 3, thành phố Tây Ninh tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân từ Cổng thông tin hỏi đáp trực tuyến và hệ thống thông tin phản ánh hiện trường - 1022 Tây Ninh về việc quán cơm B.T chiếm dụng vỉa hè, lòng đường Hoàng Lê Kha để giữ xe.

Qua nội dung và hình ảnh thực tế người dân chụp gửi về, UBND phường chỉ đạo công chức chuyên môn kết hợp trưởng khu phố 7 kiểm tra, làm việc với chủ quán cơm. Cơ quan chức năng lập biên bản làm việc, yêu cầu chủ quán có phương án sắp xếp xe hợp lý, không được để trên lòng đường và sử dụng vỉa hè làm nơi đỗ xe, trả lại sự thông thoáng, bảo đảm an toàn giao thông. Cách xử lý nhanh chóng, thoả đáng của chính quyền phường 3 đã được đánh giá bằng một hình ảnh mặt cười trên ứng dụng 1022 Tây Ninh.

Đây chỉ là một trong hàng trăm phản ánh liên quan đến vấn đề dân sinh của người dân được tiếp nhận, giải quyết, trả lời kể từ khi hệ thống thông tin phản ánh hiện trường - 1022 Tây Ninh đi vào hoạt động.

Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối mạng internet, có cài đặt ứng dụng 1022 Tây Ninh, người dân có thể gửi phản ánh hiện trường ở mọi nơi, mọi lúc, kể cả những việc như đổ rác không đúng nơi quy định, cống thoát nước bị bật nắp, các hành vi mất an toàn giao thông...

Đặc biệt, ứng dụng còn có mục phản ánh về dịch bệnh rất hữu ích để người dân kịp thời báo cáo tới chính quyền những trường hợp từ vùng dịch hoặc nước ngoài về không khai báo y tế. Ngoài ứng dụng 1022 Tây Ninh trên thiết bị di động, hệ thống thông tin phản ánh hiện trường còn tiếp nhận qua website https://1022.tayninh.gov.vn, tổng đài Zalo 1022, fanpage 1022-TAYNINH trên facebook và tổng đài 0276.1022.

Hệ thống Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh

Hệ thống thông tin phản ánh hiện trường - 1022 Tây Ninh là một trong những chức năng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) vừa đưa vào vận hành từ ngày 3.7.2020. Giai đoạn đầu tỉnh khai thác, sử dụng hệ thống camera an ninh và giao thông, các hệ thống giám sát: an ninh thông tin, môi trường, mạng xã hội, giáo dục, y tế, dịch vụ hành chính công, hệ thống tra cứu thông tin đất đai, hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội và hệ thống du lịch thông minh.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, việc đưa vào vận hành IOC - một thành phần cơ bản của Trung tâm Giám sát, điều hành kinh tế, xã hội tập trung là quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh hướng tới xây dựng chính quyền số, xã hội số theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Trung tâm Giám sát, điều hành được coi như “bộ não số”, thu thập thông tin từ các hệ thống chuyên ngành, phục vụ công tác phân tích, xử lý dữ liệu, hiển thị trực quan, hỗ trợ lãnh đạo tỉnh trong chỉ đạo, điều hành. Dấu mốc quan trọng này đánh dấu bước đột phá của tỉnh trong ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng môi trường sống chất lượng, an toàn, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Chỉ cần có máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng, mọi người đều có thể thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4

Với nỗ lực rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và người dân, ngoài Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh còn có nhiều kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân như Cổng hành chính công tỉnh trên ứng dụng Zalo, kênh “Hỏi đáp trực tuyến” hay các fanpage của các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội trên mạng xã hội Facebook, Zalo. Các kênh này vừa tiếp nhận - trả lời phản ánh, kiến nghị của dân, vừa cung cấp thông tin chính thống đến người dân với tốc độ nhanh, diện rộng hơn so với những cách truyền thống trước đó.

ĐỔI MỚI TƯ DUY, PHONG CÁCH LÀM VIỆC

Cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) trong các cơ quan hành chính Nhà nước của tỉnh không còn xa lạ với phần mềm “Họp không giấy” và hình thức họp trực tuyến thay thế cho họp truyền thống. Các hội nghị do UBND tỉnh tổ chức, các kỳ họp HĐND tỉnh dần vắng bóng những những tập tài liệu được in sẵn phát cho các đại biểu dự. Thay vào đó, mỗi CB,CC,VC được cấp tài khoản truy cập vào phần mềm “Họp không giấy” để tải tài liệu.

Tương tự việc chuyển gửi thư mời, thông báo giữa các cơ quan Nhà nước và kể cả các cơ quan khối Đảng, đoàn thể của tỉnh cũng được thực hiện qua hệ thống mạng rất tiện lợi, tiết kiệm thời gian - nhất là chi phí in ấn. Đến nay, hệ thống Văn phòng điện tử của tỉnh được nâng cấp và kết nối trên trục liên thông văn bản quốc gia; 100% các văn bản điện tử được trao đổi và xử lý trên môi trường mạng, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý văn bản và chất lượng điều hành.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa tỉnh Tây Ninh và Bộ Thông tin và Truyền thông trong lĩnh vực thông tin và truyền thông giai đoạn 2020-2021

Đối với lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, với chiếc máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh kết nối mạng, họ có thể duyệt, ký số ban hành văn bản ở mọi lúc, mọi nơi. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ được tích hợp lên hệ thống văn phòng điện tử và triển khai cho 100% sở, ban, ngành, 100% UBND cấp huyện, cấp xã để giao dịch điện tử. UBND tỉnh đã phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ cấp hơn 2.000 chứng thư số cho các đơn vị, cá nhân thực hiện các giao dịch điện tử theo Nghị định 165/2018/NĐ-CP của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.

TĂNG TỐC DỊCH VỤ CÔNG TRỰC TUYẾN

Ông Trương Văn Hùng- Chánh Văn phòng UBND tỉnh cho biết, công tác CCHC của tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mục tiêu tỉnh đề ra trong Chương trình hành động thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X về CCHC giai đoạn 2016-2020 đạt và vượt. Đây là những kết quả rất khả quan, làm tiền đề cho tỉnh tiếp tục đẩy mạnh CCHC, tạo bước đột phá trong triển khai xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trong giai đoạn tiếp theo.

Một dấu mốc quan trọng công tác CCHC của tỉnh là việc đưa vào vận hành Trung tâm Hành chính công tỉnh từ tháng 3.2018. Các thủ tục hành chính (TTHC) được công bố toàn bộ quy trình nội bộ chi tiết và được số hoá trên phần mềm hệ thống Một cửa điện tử 3 cấp - điều mà trước đây chưa làm được.

Hằng năm, các sở, ban, ngành, địa phương rà soát, đánh giá, đơn giản hoá TTHC với nhiều phương án, sáng kiến đơn giản hoá thủ tục nhằm rút ngắn thời gian giải quyết, bỏ thành phần hồ sơ không cần thiết, quy định bổ sung thời gian thực hiện, mẫu hoá lại các mẫu đơn, tờ khai…

Đặc biệt, Tây Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trên cả nước triển khai việc nộp hồ sơ TTHC qua mạng xã hội Zalo và thí điểm nhiều sáng kiến như thí điểm chuyển giao toàn bộ nhóm TTHC liên quan đến đất đai đang thực hiện ở bộ phận Một cửa thuộc UBND thành phố Tây Ninh về thực hiện tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; thu hộ phí, lệ phí thông qua hệ thống Bưu điện; thu thuế trực tiếp tại Trung tâm Hành chính công…

Nhiều sáng kiến CCHC do các địa phương, các ngành thực hiện, như “Ngày không viết, ngày không hẹn”, quét mã QR để đăng nhập, lấy số thứ tự và đăng ký, tra cứu hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến, cấp thẻ căn cước công dân lưu động... được người dân đánh giá cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo thực hiện là nâng cao dịch vụ công mức độ 4, tiến tới tổ chức, cá nhân có thể nộp, nhận kết quả giải quyết TTHC mọi lúc, mọi nơi. Với quyết tâm này, cuối năm 2020, tỉnh đã công bố danh mục 1.818/1.877 TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại 3 cấp chính quyền (cấp tỉnh 1.432 thủ tục, cấp huyện 251 thủ tục và cấp xã 135 thủ tục), đạt tỷ lệ gần 97%.

Tại hội nghị sơ kết một năm vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG), Tây Ninh là một trong số ít địa phương được Văn phòng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao về việc đáp ứng yêu cầu kỹ thuật trong việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVCQG. Tính đến ngày 30.12.2020, Tây Ninh tích hợp, cung cấp trên Cổng DVCQG 682/1877 TTHC mức độ 4, đạt tỷ lệ 36,33% - hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2019-2020 theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Chính phủ đề ra.

Tỉnh cũng đã đồng bộ trạng thái giải quyết được 79.252 hồ sơ và là một trong 4 tỉnh thí điểm triển khai thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục đất đai trên Cổng DVCQG từ ngày 15.12.2020.

Thầy và trò Trường THPT Tây Ninh sử dụng điện thoại thông minh tra cứu thông tin liên quan đến bài học trong giờ học Lịch sử

Những kết quả này là cả một quá trình nỗ lực nhằm từng bước nâng cao các chỉ số cải cách hành chính của tỉnh, đặc biệt, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được cải thiện rõ nét. Năm 2019, Tây Ninh là 1 trong 15 tỉnh, thành có chỉ số PCI tốt nhất cả nước.

Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội nói chung và CCHC nói riêng đã góp phần xây dựng một nền hành chính tập trung, thống nhất, thông suốt, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; là “luồng gió mới” giúp thay đổi tư duy, phong cách làm việc ngày càng hiện đại, chuyên nghiệp của đội ngũ CB,CC,VC. Mục tiêu cuối cùng là mang lại ngày càng nhiều tiện lợi, nâng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, để Tây Ninh thực sự là nơi đáng đến và đáng sống.

Phương Thúy

Tin liên quan