Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đẹp nhưng... đau
2014-08-07 06:07:00

Có khoảng 70% nữ giới mắc bệnh dãn tĩnh mạch do mang giày cao gót, ngoài ra, tập luyện thể thao nhiều, không đúng cách có thể dẫn đến viêm xương khớp, thoát vị đĩa đệm…

Mang giày cao gót dễ bị dãn tĩnh mạch

PGS-TS-BS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM, cho biết: bệnh về mạch máu thường gặp nhất là suy và dãn tĩnh mạch chi dưới mạn tính. Có khoảng 70% nữ giới mắc bệnh dãn tĩnh mạch, nguyên nhân chủ yếu là do mang giày cao gót thường xuyên; đứng, ngồi nhiều, ít vận động, hoặc do béo phì, ăn ít chất xơ…

Phần nhiều phụ nữ không biết mình mắc bệnh, chỉ đến khi bệnh bột phát mạnh thì mới phát hoảng, điều này khiến cho việc chữa trị gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến hậu quả khó lường.

Khi máu ứ đọng trong lòng mạch lâu ngày dễ gây nên hiện tượng cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Nếu phát hiện không kịp thời cũng như xử lý không đúng, cục máu sẽ theo dòng máu chảy về tim và theo dòng máu này di chuyển đến các cơ quan nội tạng. Nếu gặp nơi mạch máu nhỏ, hoặc lòng động mạch hẹp dễ tắc nghẽn ở động mạch vành, sẽ gây nên hiện tượng nhồi máu cơ tim hoặc thiếu máu não, dẫn đến nguy cơ tử vong.

Theo BS Nguyễn Hoài Nam, thường vào ban đêm, nếu phát hiện các triệu chứng như nhức mỏi, tê, phù chân, vọp bẻ… thì không nên xem thường, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa ngay.

Đây là bệnh có thể phòng ngừa ở mức độ có thể. Cụ thể, phụ nữ nên hạn chế mang giày cao gót, tránh mặc quần áo chật, không để tăng cân, ngoài ra tăng cường luyện tập đi bộ mỗi ngày, đặc biệt không ngồi lâu hay đứng lâu, đồng thời bổ sung vitamin C và chất xơ… bên cạnh đó, thuốc tránh thai cũng gây hiện tượng này, vì thế, thay đổi phương pháp tránh thai là cách phòng bệnh hiệu quả.

Viêm xương khớp do tập thể thao nhiều

Luyện tập thể thao dù được khuyến khích nhằm tăng cường sức khỏe, cải thiện vóc dáng, nhưng các BS khoa xương khớp cho biết, việc rèn luyện một môn thể thao trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu gối, nhất là viêm xương khớp. Ngoài ra, tập đi tập lại một động tác mỗi ngày như chạy bộ, đạp xe trên máy, leo cầu thang… cũng có nguy cơ bào mòn lớp sụn.

Nghiên cứu gần đây của Đại học Ohio, Mỹ cho thấy, phụ nữ thường gặp rắc rối hơn với đầu gối so với nam giới từ ba-tám lần. Lý do này xuất phát từ đặc điểm sinh học giữa nam và nữ, theo đó hormone có thể làm khớp xương của phụ nữ dễ bị tổn thương hơn. Khi vào các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, cơ đầu gối của phụ nữ hoạt động không ổn định và diễn ra khác nhau, do đó, các khớp dễ bị tấn công hơn. Ngoài ra, khi chuyển động, cơ thể của phụ nữ khác nam giới, ví dụ khi nhảy tiếp đất, hai đầu gối của chúng ta chĩa về nhau dễ làm đứt dây chằng chéo trước giữ nhiệm vụ cố định đầu gối.

Đứt dây chằng thường dẫn đến viêm xương khớp sau 10 năm. Hơn 50% phụ nữ bị viêm xương khớp là do chấn thương này.

Một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến viêm xương khớp là lớp sụn đệm đầu gối bị tấn công. Do lớp trung gian này không có khả năng tự làm lành nên từ một vết thương nhỏ, có khả năng lớn dần theo thời gian. Đồng thời, lớp sụn cũng không có dây thần kinh nên chúng ta khó nhận biết cho tới khi tình trạng trở nặng.

Dù không thể tránh hoàn toàn viêm xương khớp do lớp sụn tự nhiên bị bào mòn trong quá trình vận động mạnh, lặp đi lặp lại, hoặc khi lớn tuổi, nhưng bạn vẫn có thể phòng ngừa bằng cách giảm khả năng rách dây chằng đầu gối. Tăng cân là nguyên nhân chính gây ra viêm xương khớp, bởi chỉ cần tăng khoảng 2-4kg, đầu gối cũng thêm sức ép không mong muốn. Thường xuyên mang giày cao cũng gia tăng sức nặng lên khớp xương.

Lưu ý, những cơn đau nhẹ hoặc vừa phải thỉnh thoảng gặp và sau đó hết khi tập thể dục là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu cảm giác đau đầu gối thường xuyên hơn vài tuần, đồng thời đã dùng thuốc chống viêm vẫn không giảm, bạn nên chườm nước đá và điều chỉnh chế độ tập luyện. Với triệu chứng bầm, sưng viêm - nhất là khi trời trở lạnh hoặc đầu gối không vững, bạn cần phải đi khám.

Bạn nên có chế độ tập luyện với bài tập aerobics hoặc đa dạng động tác giúp cơ thể kết nối và giữ thăng bằng. Những động tác nhảy và tập tạ vừa phải không chỉ gia tăng sức mạnh cho cơ bụng, mà còn giúp ổn định đầu gối, ngăn không để khớp gối va vào nhau khi tiếp đất.

Coi chừng thoát vị đĩa đệm do tập sai động tác

PGS-TS-BS Nguyễn Hữu Công - Bộ môn thần kinh ĐH Y dược TP.HCM cho biết: nhiều trường hợp đau lưng là do tập thể dục không đúng cách, trong đó 90% người đau vùng thắt lưng do thoát vị đĩa đệm. Do vòng xơ bao quanh đĩa đệm bị rách, chất nhầy sụn bên trong lòi ra nên gọi là thoát vị. Chỗ lòi ra đè ép vào các rễ thần kinh từ trong tủy sống chạy ra ngoài, gây đau lưng và lan xuống chân.

Thông thường, nếu bị đau nhẹ, cơn đau sẽ tự khỏi, tuy nhiên bạn phải tuân thủ nguyên tắc điều trị đầu tiên: không làm bất cứ việc gì, hạn chế đi đứng, tốt nhất chỉ cần nằm nghỉ ngơi từ hai-ba tuần.

Khi nằm, phải nằm trên một lớp ván cứng, có lót đệm mỏng để tránh cấn xương, không bắt buộc phải nằm nghiêng hay ngửa, chỉ cần nằm ở tư thế sao cho cảm thấy đỡ đau nhất, có thể xoay trở thoải mái mà không gây khó khăn. Nếu bệnh không khỏi, tùy vào giai đoạn bệnh, người đau có thể dùng kết hợp một số loại thuốc như kháng viêm giảm đau, dãn cơ nhằm làm dãn các cơ bắp ở thắt lưng, một số trường hợp nặng phải giải phẫu.

Sau khi khỏi bệnh, bạn cần hạn chế chơi những môn thể thao gây sức ép lên cột sống thắt lưng như tennis, đi hay chạy bộ; ngoài ra, tránh mang vác nặng, nhất là ở tư thế cúi gập lưng. Một số bộ môn có thể tập duy trì vì làm dãn cơ thắt lưng như bơi lội, tập thể lực ở tư thế nằm…

Theo PNO

Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh