Đọc báo in
Tải ứng dụng
Doanh nghiệp hào hứng với chuyển đổi số
2022-09-12 00:17:43

Theo số liệu trên, Tây Ninh thuộc những tỉnh có hạ tầng viễn thông ở mức khá so với mức trung bình của cả nước. Hạ tầng viễn thông là một phần của hạ tầng số, theo kết quả xếp hạng chỉ số DTI năm 2021, tỉnh Tây Ninh xếp thứ 29/63 trên cả nước.

Nhân viên Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh làm việc tại Trung tâm điều hành

Theo số liệu đánh giá của Cục Tin học hoá - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Tây Ninh có 70,65% dân số trưởng thành có điện thoại thông minh (835.000 dân số trưởng thành); tỷ lệ hộ gia đình có người sử dụng điện thoại thông minh là 100% (329.898 hộ gia đình); tỷ lệ hộ gia đình có kết nối internet băng rộng cáp quang chiếm 80,21% (264.607 hộ gia đình); 100% ấp/khu phố phủ sóng di động.

Từng bước triển khai chuyển đổi số

Theo số liệu trên, Tây Ninh thuộc những tỉnh có hạ tầng viễn thông ở mức khá so với mức trung bình của cả nước. Hạ tầng viễn thông là một phần của hạ tầng số, theo kết quả xếp hạng chỉ số DTI năm 2021, tỉnh Tây Ninh xếp thứ 29/63 trên cả nước.

Ông Nguyễn Trung Hiếu- Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: “Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều đóng góp trong chuyển đổi số như tự nghiên cứu, phát triển các nền tảng, giải pháp và chủ động liên hệ với Sở TT&TT, các ngành, địa phương giới thiệu các nền tảng, giải pháp chuyển đổi số; hỗ trợ chi phí, nhân lực cho các ngành, địa phương triển khai thí điểm các nền tảng, giải pháp số để có sự lựa chọn phù hợp; thường xuyên mở rộng, nâng cấp hạ tầng viễn thông (vùng phủ sóng di động, hạ tầng internet băng rộng); cập nhật, chuyển đổi công nghệ hiện đại đáp ứng khả năng phát triển hạ tầng số, phục vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí thực hiện các chương trình công ích nhằm mục tiêu phát triển xã hội số và đang triển khai hệ thống Wifi công cộng miễn phí để hỗ trợ, thúc đẩy người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số của tỉnh”.

Thời gian qua, nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, sát sao của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình chuyển đổi số tỉnh, VNPT Tây Ninh thường xuyên phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai hàng loạt giải pháp nhằm hỗ trợ chính quyền và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó, VNPT tập trung xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền trên địa bàn tỉnh; đầu tư hạ tầng mạng băng rộng, di động bảo đảm kết nối internet ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các dịch vụ. Hiện nay, hạ tầng mạng viễn thông của VNPT Tây Ninh đã phủ rộng 94 xã, phường, thị trấn, đáp ứng nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của người dân, doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

Đối với mạng internet băng rộng cáp quang, 100% xã, phường, thị trấn đã được quang hoá; đối với mạng di động Vinaphone, bảo đảm 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng 4G, đáp ứng nhu cầu sử dụng internet trên mạng di động.

Theo ông Nguyễn Công Danh- Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Tây Ninh, đơn vị tập trung từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành cho các cơ quan chính quyền, như: triển khai Trục liên thông dữ liệu của tỉnh, hệ thống này có thể kết nối dữ liệu của các ngành, giúp cho quá trình chuyển đổi số trong tỉnh được thực hiện nhanh chóng.

Triển khai thành công hệ thống giám sát chỉ đạo điều hành đô thị thông minh (IOC), hệ thống này đang được UBND tỉnh vận hành, khai thác sử dụng, nhằm giúp các đơn vị liên quan có thể nắm bắt toàn bộ tình hình cũng như chất lượng phục vụ người dân của lĩnh vực mà ngành đang quản lý. Triển khai hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh hỗ trợ công tác báo cáo chuyên môn của các sở, ngành và Văn phòng UBND tỉnh, hệ thống liên thông được với hệ thống báo cáo quốc gia.

Ngoài ra, VNPT Tây Ninh còn cung cấp các giải pháp cho ngành Y tế và Giáo dục của tỉnh, như: triển khai hệ thống phần mềm bệnh viện VNPT-HIS cho Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng và 100% bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh; các giải pháp quản lý giáo dục thông minh vnEdu tại các trường công lập, ngoài công lập trên địa bàn tỉnh. Các bộ giải pháp này giúp việc quản lý giáo dục trong tỉnh được thuận tiện hơn, đặc biệt tăng khả năng kết nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh, nâng cao chất lượng giảng dạy tại các trường được triển khai.

Ông Danh cho biết thêm: “Thời gian qua, VNPT Tây Ninh đã triển khai thành công nhiều hệ thống công nghệ thông tin tại Tây Ninh, trong đó, có thể kể đến một số hệ thống như: giải pháp hoá đơn điện tử hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi từ sử dụng hoá đơn giấy sang hoá đơn điện tử; giải pháp ký số điện tử trên nhiều ứng dụng, hệ thống như bảo hiểm xã hội điện tử, thuế điện tử…

Bên cạnh đó, VNPT còn có giải pháp ký số SmartCA có thể tích hợp ký số trên ứng dụng di động, hợp đồng điện tử, các dạng hồ sơ số khác. Giải pháp quản trị doanh nghiệp hỗ trợ công tác quản trị, điều hành kinh doanh của doanh nghiệp, kết hợp với các dịch vụ nêu ở trên góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp được nhanh hơn. Đơn vị còn tích cực đẩy mạnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt (VNPT Money) cho ngành Y tế và Giáo dục của tỉnh”.

Trung tâm điều hành Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh.

Phát triển hạ tầng, ứng dụng phục vụ chuyển đổi số

Tại Công ty cổ phần Cấp thoát nước Tây Ninh, việc chuyển đổi số đã được áp dụng trên nhiều mặt: công tác quản lý khách hàng, ghi thu chỉ số đồng hồ, quản lý vận hành hệ thống xử lý và mạng lưới… Ông Vũ Đình Thung- Phó Giám đốc Công ty cho biết: “Từ năm 2010, Công ty đã triển khai phần mềm CRM để quản lý khách hàng. Năm 2017, công tác ghi chỉ số nước được áp dụng công nghệ ghi thu tại chỗ, in thông báo và giao ngay cho khách hàng thông qua thiết bị in và điện thoại di động được cài đặt chương trình hỗ trợ. Từ năm 2018, một bước chuyển mới trong công tác hoá đơn và khai báo thuế được áp dụng thông qua hoá đơn điện tử”.

Công nghệ số còn được áp dụng vào công tác chăm sóc khách hàng trong việc gửi tin zalo, SMS thông báo tiền nước, tin nhắn nhắc nợ, tin nhắn thanh toán thành công cũng như các tin nhắn thông báo về kế hoạch ngừng nước cục bộ phục vụ công tác sửa chữa hệ thống. Gần đây nhất, từ tháng 4.2022, Công ty ứng dụng thanh toán tiền nước không dùng tiền mặt trên toàn bộ địa bàn phục vụ và bước đầu nhận được nhiều kết quả đáng khích lệ - tháng 7.2022 đạt tỷ lệ 81,78%, Công ty đang tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa tỷ lệ này.

“Việc chuyển đổi số không chỉ dừng lại trong lĩnh vực kinh doanh mà còn cả trong công tác sản xuất và quản lý hệ thống. Cụ thể là việc áp dụng hệ thống Scada trong việc quản lý chất lượng nước tại tất cả các khâu từ nước thô cho đến khi bơm ra mạng lưới. Trên hệ thống đường ống, tại một số điểm bất lợi, Công ty đã cho lắp đặt sensor theo dõi áp lực để theo dõi áp lực phục vụ trên hệ thống và kịp thời điều chỉnh khi cần thiết. Không chỉ vậy, việc quản lý tài sản mạng lưới còn được cập nhật thường xuyên lên hệ thống bản đồ MyMaps”- ông Thung nói.

Về hiệu quả mang lại, ngoài việc dễ quản lý tài chính và tra cứu hồ sơ, hoá đơn, việc áp dụng hoá đơn điện tử giúp khách hàng thuận lợi hơn trong kiểm soát chi trả hoá đơn tiền nước hằng tháng. Song song đó, hệ thống hoá đơn điện tử cũng được kết nối với Cục Thuế tỉnh, giúp cho việc khai báo thuế được thực hiện một cách đơn giản, dễ dàng hơn. Có thể nói, từ khi áp dụng hoá đơn điện tử, Công ty tiết kiệm được chi phí và nhân lực thực hiện, giúp cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn, giảm thủ tục hành chính và thời gian thực hiện công tác báo cáo thuế với cơ quan chức năng.

Việc áp dụng chương trình quản lý khách hàng, tin nhắn thông báo cũng như tiếp nhận thông tin khách hàng qua kênh Zalo official của công ty giúp công tác chăm sóc và quản lý khách hàng ngày càng tốt hơn, giải quyết các thắc mắc và kiến nghị của khách hàng được kịp thời và nhanh chóng. Hệ thống Scada và các sensor theo dõi áp lực giúp Công ty quản lý hệ thống tốt hơn, bám sát nhu cầu dùng nước của người dân để kịp thời điều chỉnh, nâng cao chất lượng cũng như áp lực hệ thống, giúp việc phục vụ khách hàng được tối ưu.

TRÚC LY

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh