Đọc báo in
Tải ứng dụng
Đừng đùa với rượu thuốc
2014-12-18 06:16:00

Nhiều loại thuốc ngâm rượu bày bán ở các chợ vùng cao quảng cáo là có tác dụng giải độc, nhuận tràng như củ "Hà sin cô”, chữa bệnh trĩ như "hoa chuối đất”… mùa này được nhiều người mua về. Những dược liệu tốt nếu chế biến, ngâm rượu sai cách, hậu họa sẽ liền kề.

2014-352-14-a1-1.jpg

Rượu táo mèo.
 
Hơn một tháng trước ở thôn Tùng Lâu 2, thị trấn Mường Khương tỉnh Lào Cai đã xảy ra vụ ngộ độc rượu 4 người trong đó có 1 người tử vong do uống rượu ngâm rễ cây, tiếng địa phương gọi là cây sảm hóa (có tác dụng chữa đau lưng).
 
Một số trường hợp trước đó do uống rượu ngâm củ ấu tàu 2 người ngộ độc tử vong ở xã Yên Hoa (Nà Hang, Tuyên Quang) hay vụ 4 người ở Yên Bình, Yên Bái cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch do uống rượu ngâm này. 6 người ở thị trấn Trùng Khánh (Cao Bằng) uống rượu ngâm "cây thuốc” không rõ cây gì đã bị trúng độc khiến 1 người tử vong trên đường đưa đến bệnh viện...
 
Thực ra trong các loại rễ, lá, củ quả của cây rừng, có nhiều loại chứa độc tố tự nhiên. Như củ Ấu tàu, là rễ củ của cây Ô đầu được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A vì có chứa chất aconitin nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong "tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận. 
 
Theo TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thì tuyệt đối không nên uống rượu pha chế, rượu ngâm với lá, rễ cây độc, phủ tạng động vật không rõ độc tính, mật cá hay những rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân. 
 
Mới đây nhất ngày 8 và 9-12, BV đa khoa Khu vực Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) đã cấp cứu hai bệnh nhân chết lâm sàng, sau đó đều tử vong do ngộ độc nặng, trước đó đã uống rượu ngâm bằng rễ, lá cây rừng, nghi là ngộ độc cây lá ngón dẫn tới suy đa phủ tạng. 
 
Ngay khi mỗi vụ việc thảm họa xảy ra do ngộ độc "rượu thuốc ngâm”, cơ quan y tế đều gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ngộ độc rượu ngâm, mong muốn các ngành chức năng cần sớm kiểm tra và có kết luận tác dụng của các loại, hoa, củ được dùng ngâm rượu để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, nhất là ở vùng cao.
 
Ngay cả rượu thường uống quá nhiều (quá 30ml/ngày đối với rượu mạnh và 700ml/ngày đối với bia) cũng có nguy cơ ngộ độc hoặc xơ gan, viêm loét dạ dày, mất trí nhớ... 
 
Song tình hình chưa được cải thiện. Nhiều người vẫn có sở thích mua rễ ba kích và đinh lăng từ những người bán dạo, vài trăm ngàn đồng một kg về ngâm rượu, mà không biết mình có thể bị lừa khi đó chỉ là củ cây rừng dại.
 
Cây gì cũng ngâm, rượu gì cũng uống là thói quen của nhiều người do thiếu hiểu biết. "Việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có bài, có sự chỉ định của các nhà đông y” - TS. Phạm Duệ Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai nói. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định, theo liều lượng nhất định mới khoa học, tác dụng.
Nguồn Đại Đoàn Kết
Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh