Đọc báo in
Tải ứng dụng
Giấc mơ của Thuý
2024-06-02 02:30:01

Thuý theo ba mẹ lên Nông trường cao su Suối Ngần. Ban đầu nó thích thú, hăm hở chờ cuộc đổi dời này, vì lời kể của thằng Thịnh, một học sinh lớp 5, từng đi dự kỳ thi học sinh giỏi toán toàn tỉnh với Thúy.

- Nhà tôi ở gần nông trường cao su. Buổi chiều nghỉ học, chạy chơi dưới tàng cao su khoái lắm.

- Vậy bạn đi học bằng gì? Ba mẹ chở xe honda hay tự chạy xe đạp?

- Đi bộ thôi! Làm sao chạy được xe đạp. Từ nhà mình tới lớp phải qua một trảng cỏ, tới một con suối, qua một động mả, rồi một con suối nữa. Đi học buổi sớm mai, phải rủ nhau cả đám bảy, tám đứa cho khỏi sợ.

Thuý rùng mình. Lội suối qua trảng thì nó có thể đi được, nhưng qua động mả thì ớn quá. Vậy mà lần này nó náo nức khi biết tin gia đình sẽ chuyển lên nông trường cao su. Ba nói nghề chạy xe ôm cực lắm, thu nhập thất thường. Lên nông trường, cả ba mẹ sẽ xin vô làm công nhân cạo mủ. Nghe nói lương công nhân cạo mủ giỏi tháng cũng năm, bảy triệu, cuối năm còn được thưởng nữa.

Công việc của ba mẹ rất thuận lợi. Mẹ ưng nhất là môi trường ở đây trong lành, mát mẻ, không bụi bặm, ô nhiễm như ở thị xã. Một điều rất quan trọng mà người lớn không lường trước, là việc học hành của Thuý. Xung quanh nông trường chỉ có duy nhất một Trường tiểu học Suối Ngần, mà con đường tới lớp thì y chang lời kể của thằng Thịnh. Ba động viên nó:

- Con gái ráng hết năm nay đi. Năm tới lên lớp sáu, sẽ chuyển về trường cấp 2 cạnh nông trường, gần lắm.

Tất nhiên là sẽ như vậy, nhưng trước mắt là chín tháng trời, Thuý phải vượt qua quãng đường kinh hoàng kia. Cứ nghĩ đến cái động mả to uỳnh nằm bên đường, nó thấy ớn lạnh sống lưng. Chuyện lo lắng mãi, rồi cũng tới. Bữa nay Thuý xốc ba lô sách vở trên vai, băn khoăn trước nhà. Ba cười nói:

- Các bạn đang chờ kìa!

Thuý nắm chặt quai ba lô, bước dứt khoát về phía các bạn. Thằng Thịnh cười thân thiện, ánh mắt như muốn đỡ chiếc ba lô nặng trên vai người bạn mới.

- Đi nghen!

Cả bọn vừa đi vừa nhìn về phía sau, nơi Thuý và Thịnh bước chầm chậm.

- Lẹ chân lên chút! Không lúc qua động mả sẽ gặp lão khùng đó.

Thuý thấy chân cẳng quýnh quíu lại. Sao lại có lão khùng nào ở đây? Thằng Thịnh tỉnh bơ.

- Không sao đâu! Có lão khùng hay ngủ trong động mả, trưa trật mới dậy đi xin ăn. Lúc mình đi học qua lão còn ngủ khì.

Từ lúc đó, trong bụng Thuý thấy thấp thỏm lo lắng. Hết quãng đường đất âm u chạy giữa hai vạt cao su là tới trảng cỏ dài. Bầu trời ở đây có vẻ quang đãng hơn, tít trên cao còn sót lại một vài ngôi sao nhỏ, thấp thoáng trong những đám mây dậy sớm. Trảng cỏ rất nhiều... cỏ, nhiều nhất là đám cỏ đuôi chồn, chúng nhảy nhót hai bên lối đi nhỏ, nghịch ngợm quệt sương ướt lên ống quần đám học trò. Xa hơn nữa là đám cỏ Mỹ, cao nghềnh ngàng, gật gù buồn ngủ. Cũng có vài vạt cây mọc lúp xúp, hình như lấp ló vài bông hoa tim tím. Thuý vô tình nắm chặt tay áo thằng Thịnh, đi nép sát vào nó. Chợt nó giật mình, hét toáng, khi bóng một con vật lạ đen thui vỗ phành phạch bay lên. Bọn bạn cười toang toác, lại thêm những cánh đen phành phạch vút lên.

- Nhỏ này nhát quá! Mấy con chim đa đa chớ gì!

Thuý muốn tháo đôi dép mà không dám dừng bước. Không khí buổi sớm mai lành lạnh, lại thêm vài ngọn gió thổi từ cuối trảng cỏ tới, làm nó rùng mình. Những bụi cây rừng đã cao dần lên, cánh rừng từ từ đứng bật dậy.

Con suối hiện ra, vắt ngang lối mòn. Tiếng nước chảy róc rách, khe khẽ. Tới bờ, Thuý thấy con suối này hẹp chỉ mấy mét, nước tới ngang ống chân. Nó còn lúng túng với đôi vớ ướt, thì thằng Thịnh tới bên.

- Bạn có lội qua được không? Hay để mình cõng nha?

Thuý nóng bừng mặt. Trời ơi! Thằng bạn quỷ quái này. Tính cõng mình trên lưng để sáng nay cả trường biết hả. Thuý bụm miệng không nói, cúi xuống lột đôi vớ ra, rồi bắt chước mọi người xăn quần, thận trọng lội qua suối. Dòng nước lạnh buốt, châm nhay nháy lên làn da mỏng. Miệng nó bất chợt xuýt xoa. Lạnh quá! Lên khỏi suối, đi chừng nửa cây số, mấy đứa đi đầu quay lại, giơ tay xua xua ra hiệu im lặng. Thịnh kéo Thuý đi nhanh hơn, miệng thầm thì.

- Tới động mả rồi!

Bên trái lối đi đã nhấp nhô những ngôi mộ xây cất to, nhỏ, có cái dài thượt như chiếc giường, có cái rộng rãi, cao ráo với mái che như mái nhà. Thằng Thịnh bảo lão khùng thường ngủ đêm trong ngôi mộ lớn nhất của mẹ một đại gia buôn bán mủ cao su.  Bọn bạn học đi qua đây, từng bị một phen hú vía. Hôm đó cả bọn hứng chí đùa giỡn, nói cười ầm ĩ. Bỗng một người đàn ông tóc dài tới vai, mặt mũi loang lổ, chỉ vận độc chiếc quần rách, từ trong động mả đi ra.

Nhìn thấy con người ấy, cả bọn mạnh ai nấy chạy, mấy đứa con gái khóc ré lên. Lão khùng đuổi tới rìa động mả thì đứng lại, cười hăng hắc. Từ đó mỗi lần đi học qua, bọn thằng Thịnh nín khe, rón rén từng bước chân. Nghe kể về lão khùng, Thuý sợ quá, nó bỏ thằng Thịnh, chạy vượt lên len vào giữa đám học trò. Chiếc ba lô sau lưng sao nặng nề như có người níu lại. Thuý dùng hai tay xốc quai ba lô lên, nhưng vẫn nặng trĩu. Nó sắp hét lên vì sợ, thì nhớ tới lời dặn đừng làm ồn phá giấc ngủ của lão khùng, nên mím chặt môi lại. Đoạn đường đi qua động mả tưởng dài vô tận, cuối cùng cũng chấm dứt khi tiếng suối chảy róc rách ngay trước mặt. Bình minh rực rỡ phía sau lưng, nhuộm hồng lưng áo mấy đứa bạn đi trước. Lúc này Thuý mới cảm thấy ba lô của mình nhẹ hẳn. Nhìn lại sau lưng, nó mới hay nãy giờ con nhỏ ốm ròm, vì sợ mà tay níu lấy ba lô của Thuý.

- Em cũng ớn hả? Đi qua mỗi ngày mà chưa quen sao?

Con nhỏ lí nhí.

- Em cũng không biết nữa! Bữa nay tự nhiên sợ lão khùng chạy ra, vậy thôi.

Con suối thứ hai nông hơn, nước chỉ xăm xắp bàn chân. Qua khỏi suối, cả bọn gần như chui dưới vòm tán cây giống một cổng chào hẹp, ngẩng đầu lên là nhìn thấy màu đỏ tung bay của lá quốc kỳ trước sân trường.

 Thuý được xếp ngồi ở hàng bàn ghế thứ ba, từ dưới lên. Rất nhiều mái đầu quay ngang, nhìn xuống chỗ ngồi của người bạn mới. Thuý cố gắng mỉm cười, gật đầu làm quen với tất cả ánh mắt hướng về phía mình. Phòng học ở đây đơn giản quá, xây cất sơ sài và không có quạt máy, đèn điện như các phòng học dưới thị xã. Mấy đêm trước đó, mẹ thủ thỉ với Thuý:

- Trường lớp không được như dưới nhà mình cũ. Con gái đừng buồn nghe.

Thuý đã nắm chặt tay mẹ.

- Con biết rồi mẹ! Các bạn ở đây học được, con cũng học được.

Nhưng bữa nay ngồi trong lớp, mới thấy không phải vậy. Xung quanh lớp là dãy cửa sổ dài, trống trơn. Bên ngoài, ngay sát lớp là cây rừng. Những bông hoa dại màu tím, màu xanh rung rinh, rung rinh. Những cánh bướm đủ màu chập chờn bay lên, đáp xuống, có cánh bướm còn bay lạc vào lớp học, chấp chới va phải tấm bảng đen, rồi loạng choạng tìm lối bay ra. Khung cảnh bên ngoài làm Thuý không thể tập trung theo dõi bài học. Mắt nó cứ dõi theo những cánh bướm tung tăng. Rồi chợt nó lo lắng thót ruột khi nghĩ tới quãng đường về nhà.

Tối đó, Thuý ngồi bên bàn học mà tâm trí cứ vẩn vơ dọc lối mòn tới trường. Ba tới ngồi cạnh nó, âu yếm vuốt tóc con gái.

- Sao. Học ở trường mới có thoải mái không cưng?

- Dạ... cũng thường thôi ba! Chỉ có quãng đường đi tới trường là cực lắm. Ước gì được đổ bê tông. Hay là mình góp tiền làm đường đi ba?

Ba nó xoa cằm, cười.

- Hai cây số đường rừng, tiền đâu mà làm cho xuể. Có chăng trúng số.

Ờ há! Thuý vỗ tay cười. Biết đâu mình trúng số. Dưới phố, ra đường là đụng người bán vé số. Trên này thì ít lắm, có một hai người gì đó. Bữa trước Thuý có gặp họ ở quán hủ tiếu kế vườn cao su. Nhưng mình không có tiền. Mỗi tờ vé số giá mười ngàn đồng. Mà mỗi ngày Thuý chỉ được mẹ cho năm ngàn ăn sáng. Có cách rồi, ráng nhịn ăn sáng hai ngày là mua được một tấm. Ngày thứ nhất, nó liếc mắt đi qua quán hủ tiếu, lòng vui rộn rã. Ngày thứ hai, nó phải nhắm mắt, bịt mũi lại khi mùi hành mỡ, nước dùng bay ra ngào ngạt, trong bao tử đau xót, cồn cào. Bữa cơm trưa, nó ăn vội vàng suýt nghẹn tắc. Ăn xong, Thuý uống vội ly nước lạnh, chạy ù ra quán hủ tiếu. Thấy nó ngơ ngơ trước quán, bà Ba mập chủ quán hỏi.

- Mua hủ tiếu hả con? Giờ này mới hết, chờ tới chiều được hông?

Nó lắc đầu, ngồi xuống gốc cây điều cổ thụ.

- Con nhỏ này kỳ! Không mua hủ tiếu thì ngồi đây chi?

- Dạ, con chờ mua... vé số mà bà Ba.

Bà Ba Mập cười rổn rảng.

- Mèn đét ơi! Ông Mười ròm bán vé số đi vô nông trường rồi. Con nít mà cũng ham số hả. Nè! Tao sang lại cho một tấm. Chiều có trúng số, kéo ba mẹ bây ra quán tao ăn tối nghen.

Bà Ba mới mua hai tấm vé, thấy con nhỏ ham quá thì tội nghiệp. Bà còn vui ra mặt vì thu lại được mười ngàn. Vé số sớm mua chiều ném bỏ, đã thấy ai trúng số ở chốn heo hút này bao giờ. Tại ông Mười năn nỉ quá bà mới mua phụ. Thuý về nhà, giấu tấm vé tuốt trong đáy ba lô sách.  Mẹ mà biết nó nhịn ăn sáng mua vé số, bị đòn không chừng.

Buổi sáng, Thuý đang rửa mặt, chuẩn bị đi học. Tụi thằng Thịnh chắc cũng sắp tới. Cót két... cót két... Tiếng nhông, sên xe đạp kẽo kẹt, nhưng gấp gáp. Thuý giật thót người vì tiếng người la hét ngoài ngõ.

- Con Thuý đâu! Con Thuý có nhà không? Ôi trời ơi! Thuý ơi là con ơi...

Nó hoảng hốt nhìn ra ngõ. Là bà Ba Mập bán hủ tiếu. Mình có lỗi gì với bả đây? Nó còn đứng ngẩn ra tự hỏi, thì bà Ba đã vụt chiếc xe mini kềnh ra sân, nhào tới.

- Cục cưng ơi! Thần tài của dì ơi! Trúng rồi con ơi.

Nó càng không hiểu chuyện xuôi ngược gì hết.

- Bà Ba kiếm con có chuyện chi không?

- Chuyện thằng tía mày chớ chuyện gì. Trúng số rồi...

Bà Ba vừa thở vừa kể, tấm thân toàn mỡ của bà rung rung theo từng lời nói.

- Mẹ họ con khỉ cụt đuôi. Hồi hôm tao đâu có dò đài xổ số. Cứ tưởng như mọi bữa, sáng mua, chiều vụt. Ai dè sáng nay ông Mười ròm tới báo tao vô hai tấm an ủi. Há há há! Vô mánh chớ an ủi con mẹ gì. Một trăm triệu đó con. Cái vía mày thiệt hay, tới mua vé làm tao trúng theo. Tấm vé đâu rồi? Kêu ba con về đi lãnh cùng dì đi con.

Ba mẹ nó đi làm về, mừng quýnh quáng quên cả nấu cơm. Nhưng rồi cả hai người té ngửa khi con nhỏ một mực đòi đem tiền trúng số để làm đường tới trường. Ba nó tôn trọng ý kiến con gái, nhưng nói rành rẽ cho nó hay.

- Con tính đi. Hai cây số lận. Một trăm triệu làm sao cho đủ. Có chăng xây được hai cây cầu bê tông nhỏ. Hay là cho mẹ làm vốn buôn bán đi.

Mẹ gạt phăng.

- Để đó cho nó! Con mình có tâm làm thiện, phải mừng chớ tiếc gì một trăm triệu.

Khi biết cô học trò nhỏ dành tiền trúng số góp làm đường cho các bạn đi học, mọi người trong nông trường mới bừng tỉnh, nhớ tới đoạn đường gian nan mà con em họ thường ngày vẫn đi. Một ban quản lý sửa chữa đường được thành lập, mỗi nhà đóng góp tiền bạc tuỳ theo hoàn cảnh. Chỉ nửa tháng sau, hai cây cầu mới được bắc qua suối, lối mòn đã được máy ủi ban phẳng, rộng rãi. Bọn trẻ đi học có thể chở nhau bằng xe đạp tới lớp. Thuý cũng được ba mẹ mua cho chiếc xe đạp mới hiệu “mạc-tin”, giá những một triệu rưỡi. Thầy cô trong trường mỗi ngày đều chào đón Thuý ở sân trường với nụ cười thương mến. Các bạn nhìn nó bằng ánh mắt biết ơn.

Thuý vươn vai trên giường, cố chống lại cơn buồn ngủ nướng. Nó vùng dậy, chuẩn bị đến trường. Chiếc xe đạp mini cũ màu tím dựng ở ngoài hàng ba. Nó lẩn thẩn đi tìm chiếc xe mới. Chiều qua đi học về còn dựng trong phòng mà. Ba đang sửa soạn xe máy ngoài sân, quay lại trả lời câu hỏi của Thuý.

- Sao con! Xe đạp dựng đằng kia mà.

- Không, chiếc xe mới của con đâu?

- Xe nào?

- Xe “mạc-tin” ba mới mua cho con đó.

Ba mỉm cười.

- Nhỏ này ngủ mơ quá! Tiền đâu mua xe “mạc-tin”?

Thuý suýt khóc vì lời nói của ba. Không phải nó mới trúng số sao? Thôi, nếu ba mẹ tiếc tiền, lấy lại xe thì cũng được. Nó sẽ đi bộ cùng thằng Thịnh. Nhà thằng Thịnh nghèo, đã mua được xe đạp đâu. Thuý khoác ba lô, phụng phịu bước ra ngõ. Ủa! Sao không thấy thằng Thịnh đâu. Trước nhà, con đường tấp nập xe cộ. Bà Năm xôi bắp gồng gánh đi qua, cất tiền rao. “Ai xôi bắp...hô..ô..ng”.

Trời đất! Đây là ngôi nhà dưới thị xã mà. Không lẽ mình nằm mơ?!

P.P.Q

Tin liên quan