Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Giải quyết tình trạng giáo viên thừa, thiếu và "chéo tay"
Thứ tư: 22:37 ngày 18/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc đạt hơn 1,1 triệu người, trong đó mầm non: 294.673, tiểu học: 392.554, THCS 309.368, THPT 137.475 người. Đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng, đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, có lòng yêu nghề, có tinh thần trách nhiệm, tuy nhiên, về cơ cấu các cấp, bậc học thì lại vừa thừa, vừa thiếu.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT), tổng số giáo viên công lập ở một số môn, lĩnh vực dôi dư là 26.750 người (cụ thể: tiểu học 3.194, THCS dôi dư nhiều nhất 21.005 và THPT 2.551).

Một số tỉnh có số lượng dôi dư giáo viên cấp THCS như: Thái Bình 1.224, Phú Thọ 1.191, Thanh Hóa 2.188, Nghệ An 1.742, Quảng Nam 1.096. Ở chiều ngược lại, tính theo số môn học, lĩnh vực hoạt động tổng số giáo viên công lập còn thiếu là 45.058 người trong đó, mầm non 32.641, tiểu học 7.824, THCS 2.799, THPT 1.794.

Tình trạng vừa thừa, vừa thiếu giáo viên ngoài nguyên nhân khách quan như biến động dân số, di cư, đô thị hóa... khiến số lượng học sinh các bậc học thay đổi, còn có lý do từ việc thi tuyển viên chức ngành giáo dục không bảo đảm đúng quy định, thậm chí có dấu hiệu tiêu cực: Ký hợp đồng và chấm dứt hợp đồng lao động thiếu hợp lý với hàng loạt giáo viên; luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đánh giá giáo viên chưa thỏa đáng... gây nhiều bức xúc cho các thầy, cô giáo và xã hội như ở Thanh Hóa, Nghệ An, Cà Mau.

Nhiều giáo viên THCS và THPT dôi dư bị chuyển xuống dạy ở bậc học mầm non, tiểu học mà chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn đúng với cấp học, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Để giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các giáo viên dôi dư, các giáo viên bị chuyển dạy “chéo tay nghề”, không đúng chuyên môn, cần sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương liên quan, nhất là bảo đảm việc xét, thi và tuyển dụng giáo viên một cách công khai, nghiêm túc ở các địa phương; đánh giá đúng nhu cầu, năng lực trong tuyển dụng, luân chuyển giáo viên.

Đáng chú ý, về chuyên môn, nghiệp vụ, các địa phương cần rà soát số lượng giáo viên dôi dư trên địa bàn đang được điều chuyển dạy mầm non và tiểu học nhưng chưa được đào tạo đạt chuẩn để từ đó xác định nhu cầu và xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí, phối hợp các cơ sở đào tạo giáo viên triển khai đào tạo lại số giáo viên này đạt trình độ theo quy định.

Bộ GD và ĐT cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên xây dựng khung chương trình bồi dưỡng, đào tạo văn bằng hai cho những giáo viên THCS, THPT bị điều chuyển dạy mầm non, tiểu học để triển khai thống nhất và bảo đảm vừa học vừa thực hành nghề nghiệp tại các trường mầm non, tiểu học.

Các trường mầm non sắp xếp những giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đúng quy định làm giáo viên chính, còn giáo viên chuyển “chéo tay nghề” trợ giúp giáo viên chính nhằm từng bước hoàn thiện, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Chất lượng giáo viên quyết định chất lượng giáo dục. Bởi vậy, giải quyết tình trạng thừa, thiếu, mất cân đối giáo viên, cần có lộ trình thích hợp gắn với việc chuyển đổi chương trình, sách giáo khoa mới, điều kiện trường lớp, thiết bị kèm theo...

Đặc biệt, cần quan tâm sâu sát tới giáo viên, tăng cường năng lực đội ngũ quản lý, kỹ năng điều hành giáo dục địa phương. Ngành GD và ĐT cần phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương đẩy mạnh công tác quy hoạch trường lớp, gắn với quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên các cấp học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Tránh tình trạng buông lỏng, thiếu sâu sát, "nước đến chân mới nhảy" như thực tế đã diễn ra thời gian qua.

Nguồn Báo Nhân dân

Tin liên quan