Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, vận động hội viên
2024-08-16 06:15:01

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân trong năm 2024 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Công tác tuyên truyền, vận động nông dân là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội Nông dân.

Những năm qua, công tác tuyên truyền của các cấp Hội Nông dân tỉnh Tây Ninh đã đổi mới về nội dung và hình thức, giúp nông dân nâng cao nhận thức trên nhiều lĩnh vực; nắm bắt và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhất là những vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Mô hình nuôi dê thương phẩm của gia đình ông Trại mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội Nông dân trong năm 2024 là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và xây dựng tổ chức Hội các cấp, xem đây là nhiệm vụ quan trọng được tổ chức thực hiện thường xuyên, liên tục trên các mặt: chính trị tư tưởng, tổ chức và hành động, góp phần khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, lao động sáng tạo của nông dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bà Lê Thị Ngọc Yến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Phương thức tuyên truyền của chúng tôi đã có nhiều đổi mới. Trong đó, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội. Các tổ chức Hội đã tạo tài khoản trên các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo để chia sẻ những sự kiện, những hoạt động của Hội, đặc biệt là những gương tiêu biểu trong các tập thể ở cơ sở, trong các mô hình, những hội viên tiêu biểu trong lao động sản xuất”.

Các cấp Hội quan tâm phối hợp với ngành chuyên môn tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đất đai, thổ nhưỡng của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Đơn cử như Hội Nông dân huyện Tân Biên, thời gian qua, Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện các chính sách của Đảng, chủ trương của Nhà nước, các mô hình hay, cách làm sáng tạo của nông dân trong và ngoài tỉnh. Hội còn chủ động phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, toạ đàm để tuyên truyền, vận động, phổ biến thông tin, kiến thức khoa học kỹ thuật đến với hội viên, nông dân.

Nhiều mô hình nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bà Phan Thị Tố Nga - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tân Biên cho biết, qua công tác tuyên truyền đến từng cán bộ, hội viên, nông dân đã góp phần giúp cho mỗi hội viên, nông dân nâng cao kiến thức áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình trồng trọt, chăn nuôi, qua đó, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của gia đình; cung cấp cho thị trường nhiều sản phẩm nông nghiệp an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng.

Hiện nay, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” là một phong trào thi đua lớn, trọng tâm do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Do đó, công tác tuyên truyền xây dựng phong trào luôn được các cấp Hội Nông dân trong tỉnh xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, phải đi trước một bước và được triển khai với những nội dung, cách thức cụ thể nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Đa phần người nông dân tại Tây Ninh nhận thức việc xây dựng và phát triển kinh tế trên chính quê hương mình là hướng đi đúng đắn, bền vững. Họ đã từng bước trở thành những nông dân thế hệ mới dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn triển khai những mô hình mới, cách làm sáng tạo vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Phạm Văn Trại, ngụ ấp Tân Đông 2, xã Tân Lập, huyện Tân Biên hơn một năm trước được sự hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Tân Biên đã triển khai mô hình chăn nuôi dê thương phẩm với số lượng lớn. Nhờ ông  nắm vững kỹ thuật chăm sóc, đàn dê của gia đình phát triển tốt, không bệnh, đạt chất lượng.

“Thời gian đầu vì gia đình chưa có kinh nghiệm nên việc chăn nuôi còn nhiều khó khăn. Sau một thời gian học hỏi kinh nghiệm từ những người nuôi trước và được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, gia đình đã chăm sóc đàn dê đạt được những kết quả rất khả quan. Tôi nuôi 100 con dê đẻ, vừa rồi bán được gần một trăm triệu đồng” - ông Trại chia sẻ.

Với tinh thần “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới  - Phát triển”, thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền để xây dựng tổ chức hội vững mạnh; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các chi, tổ hội; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt theo hướng thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, Hội chú trọng tổ chức sinh hoạt chi, tổ hội theo chuyên đề cũng như đa dạng hoá các hình thức tập hợp, thu hút và kết nạp hội viên… Qua đó, khơi dậy khát vọng, phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới và góp phần xây dựng, phát triển tổ chức Hội Nông dân ngày càng vững mạnh.

Vũ Nguyệt

Tin liên quan