Đọc báo in
Tải ứng dụng
Hỏi đáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (kỳ 9)
2021-03-16 10:29:16

Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 và Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11.1.2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND đối với từng loại đơn vị hành chính.

Câu 39: Trường hợp số dân dùng để tính số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị hành chính còn dư thì có được làm tròn số không?

  Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019 và Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14 ngày 11.1.2021 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã quy định cụ thể nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND đối với từng loại đơn vị hành chính: tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; xã, phường, thị trấn căn cứ vào dân số, đặc điểm (miền núi, vùng cao, hải đảo) và số lượng đơn vị hành chính trực thuộc. Chẳng hạn:

- Tỉnh miền núi, vùng cao có từ 500.000 dân trở xuống được bầu 50 đại biểu; có trên 500.000 dân thì cứ thêm 50.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 75 đại biểu.

- Huyện không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 25 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có từ 80.000 dân trở xuống được bầu 30 đại biểu; có trên 80.000 dân thì cứ thêm 15.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 35 đại biểu.

- Phường có từ 10.000 dân trở xuống được bầu 21 đại biểu; phường có trên 10 nghìn dân thì cứ thêm 5.000 dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá 30 đại biểu.

Thực hiện đúng các quy định nêu trên thì nếu số lượng dân tăng thêm (so với mức chuẩn đầu tiên) ở 01 đơn vị hành chính đáp ứng đủ điều kiện để bầu thêm 01 đại biểu thì mới được tính thêm 01 đại biểu vào tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở đơn vị hành chính đó (tức là không có việc chia bình quân và làm tròn số). Ví dụ: tại phường X có tổng số dân là 14.000 người thì số đại biểu Hội đồng nhân dân phường được bầu vẫn chỉ là 21 đại biểu bởi số dân tăng thêm so với tiêu chuẩn 10.000 dân chỉ có 4.000 người (thấp hơn mức 5000 dân để được tăng thêm 01 đại biểu theo quy định của Luật). Tại tỉnh Y có dân số là 1.541.829 người (tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2020), căn cứ theo quy định của Luật sẽ được bầu 50 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ứng với 500.000 dân đầu tiên và thêm 20 đại biểu ứng với 1.000.000 dân tiếp theo (50.000 người x 20 lần); số dân còn lại là 41.829 người ít hơn 50.000 người, chưa đủ để bầu thêm 01 đại biểu nên không được tính nữa. Như vậy, tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Y nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 70 đại biểu.

Câu 40: Việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như thế nào?

Căn cứ vào số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu, nguyên tắc về việc bảo đảm số dư khi lập danh sách người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại khoản 3 Điều 58 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, sau khi thống nhất ý kiến với Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Uỷ ban nhân dân cùng cấp, dự kiến cụ thể cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính cấp mình.

Việc dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi đơn vị hành chính phải bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, minh bạch; coi trọng chất lượng, lựa chọn đại biểu là những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức, uy tín, trí tuệ; đồng thời bảo đảm cơ cấu hợp lý trong các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan nhà nước ở cấp mình và các đơn vị hành chính cấp dưới (đối với cấp tỉnh, cấp huyện), các thôn, tổ dân phố (đối với cấp xã), đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn; có đại diện của các thành phần xã hội, nghề nghiệp, tôn giáo, độ tuổi và đáp ứng các yêu cầu sau đây:

- Bảo đảm có ít nhất là 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử là khoảng 30% tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Bảo đảm tỷ lệ hợp lý người trong danh sách chính thức những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người dân tộc thiểu số, phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân số của từng địa phương. Quan tâm đến những dân tộc thiểu số trong nhiều khóa chưa có người tham gia vào hoạt động của Hội đồng nhân dân.

- Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là người ngoài Đảng không thấp hơn 10% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Phấn đấu đạt tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là đại biểu trẻ tuổi (dưới 40 tuổi) không thấp hơn 15% tổng số người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

- Phấn đấu đạt tỷ lệ từ 30% trở lên đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 tái cử đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 ở từng cấp.

- Giảm tỷ lệ người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước so với nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Câu 41: Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính nhiệm kỳ 2021-2026 được thực hiện như thế nào?

Việc xác định số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách ở từng đơn vị hành chính được căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2019, Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội về Tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể như sau:

- Đối với cấp tỉnh, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người, trừ Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. 

Đối với Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 03 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Uỷ viên ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 04 người.

Đối với thành phố Đà Nẵng, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân thành phố tối đa là 03 người.

- Đối với cấp huyện, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Trưởng ban, Phó Trưởng ban ở mỗi Ban của Hội đồng nhân dân tối đa là 02 người.

- Đối với cấp xã, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân là 01 người.

Câu 42: Trách nhiệm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm thực hiện việc dự kiến và phân bổ số lượng đại biểu Quốc hội được bầu; xác định cơ cấu, thành phần những người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội; hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tổ chức giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, bảo đảm cho việc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Câu 43: Trách nhiệm của Chính phủ đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện công tác bầu cử theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm kinh phí, hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí tổ chức bầu cử, bảo đảm công tác thông tin, tuyên truyền, an ninh, an toàn và các điều kiện cần thiết khác phục vụ cuộc bầu cử.

Câu 44: Trách nhiệm của Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp  đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được quy định như thế nào?

Theo quy định tại khoản 7 Điều 4 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, Thường trực Hội đồng nhân dân có trách nhiệm dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân của cấp mình. Thường trực Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát, kiểm tra và thực hiện công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Câu 45: Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

 Uỷ ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân, Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Riêng Uỷ ban nhân dân cấp xã còn có thêm một số trách nhiệm khác như xác định khu vực bỏ phiếu và trình Uỷ ban nhân dân cấp huyện phê chuẩn; đối với các đơn vị hành chính cấp huyện không chia thành đơn vị hành chính cấp xã thì việc xác định khu vực bỏ phiếu do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quyết định (khoản 4 Điều 11 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân). Uỷ ban nhân dân cấp xã lập danh sách cử tri theo khu vực bỏ phiếu; đối với những nơi không có đơn vị hành chính cấp xã thì Uỷ ban nhân dân cấp huyện lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và tổ chức triển khai công tác bầu cử theo quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho cuộc bầu cử.

Câu 46: Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được quy định như thế nào?

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp, tham gia cùng Uỷ ban nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương.

Theo Hội đồng Bầu cử Quốc gia

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan