Đọc báo in
Tải ứng dụng
Khó khăn trong quản lý và bảo vệ Rừng phòng hộ Dầu Tiếng
2020-01-01 08:49:50

Rừng phòng hộ Dầu Tiếng có tổng diện tích 33.754,28 ha (trong đó bao gồm 3.579,72 ha rừng sản xuất), trải dài trên 4 xã thuộc huyện Tân Châu và 1 xã thuộc huyện Dương Minh Châu.

Hiện tại trên địa bàn khu rừng có 3 dân tộc sinh sống, gồm dân tộc Kinh, Chăm và Khmer, với 1.900 hộ, 7.600 nhân khẩu, mật độ bình quân 26 người/km2.

Nhiều vụ vi phạm Luật

Các xã có rừng trên địa bàn quản lý của Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng hầu hết là xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, không có ranh mốc rõ ràng giữa đất lâm nghiệp và đất địa phương quản lý trên thực địa (chỉ quản lý trên bản đồ), có hàng trăm con đường dẫn vào rừng nên rất khó kiểm soát.

Bên cạnh đó, người dân sống bao quanh bìa rừng phần lớn nghèo, công việc chủ yếu là làm thuê mướn không ổn định, nên khi không có việc làm họ thường vào rừng để tìm kế sinh nhai, vì vậy nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị là hết sức nặng nề. Đây cũng là địa bàn trọng điểm về các trường hợp vi phạm lâm nghiệp của tỉnh.

Tuần tra bảo vệ rừng.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng (BQL rừng), với điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội như vậy, nên công tác quản lý và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn là tất yếu, đòi hỏi đơn vị phải tìm ra nhiều giải pháp để hạn chế tối đa việc vi phạm Luật, nhất là các hành vi phá rừng, lấn chiếm rừng, đốt rừng để làm rẫy; vào rừng để trộm cắp lâm sản…

Trong đó, tình trạng tái lấn chiếm đất rừng tự nhiên khoanh nuôi tái sinh để làm rẫy (chủ yếu là trồng mì) mang lại thu nhập rất cao (mỗi mùa vụ thu lợi khoảng 50 triệu/ha). Đây là một tồn tại mang tính chất lịch sử, diễn ra ngay từ khi mới thành lập Ban quản lý Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng tỉnh. Bên cạnh đó, bên trong rừng phòng hộ, đan xen rừng tự nhiên còn có rừng trồng (6.711 ha chiếm gần 30% diện tích), nên việc kiểm tra, giám sát người dân và phương tiện cơ giới vào rừng là rất khó. Để giải quyết cơ bản vấn đề này đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị của các địa phương, các ngành, các cấp có liên quan phải vào cuộc quyết liệt để xử lý.

Song song đó, dù tình trạng người dân vào rừng tự nhiên để trộm cắp lâm sản đã được kéo giảm đáng kể (trung bình những năm gần đây là 30% so với cùng kỳ năm trước) nhưng vẫn còn xảy ra, nhất là thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán. Các đối tượng rất manh động và hành vi rất tinh vi, thường sử dụng những dụng cụ như cưa điện để cưa trộm cây vì dùng loại này không gây ra tiếng động như cưa máy nên lực lượng bảo vệ rừng rất khó phát hiện. Mặt khác, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị còn mỏng, việc phát hiện hành vi vi phạm chưa kịp thời.

Tình trạng đốt rừng tại các khu vực trảng cỏ, rừng tái sinh vào cao điểm mùa khô xảy ra thường xuyên. Vào mùa khô, hàng năm người dân sống ven rừng thường lén lút vào rừng đốt trảng cỏ, đốt rừng tái sinh, để khi mùa mưa xuống thì họ lén trồng cây nông nghiệp ngắn ngày; đặc biệt, người dân thường lợi dụng và xúi giục trẻ em để thực hiện hành vi đốt rừng; do đó việc trực phòng và phòng cháy chữa cháy rừng là một nhiệm vụ trọng điểm trong suốt 6 tháng mùa khô.

Bên cạnh đó, việc phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị trú đóng trên rừng phòng hộ trong phát hiện hành vi vi phạm chưa kịp thời, xử lý vi phạm chưa nghiêm nên chưa đủ sức răn đe các đối tượng vi phạm. Hiện nay, trong BQL rừng phòng hộ có 2 Đồn Biên phòng và các chốt đóng dọc theo biên giới, ranh giới rừng cũng là ranh giới với nước bạn Campuchia, nên trong việc phối hợp tuần tra bảo vệ biên giới và tuần tra bảo vệ rừng còn chưa nhịp nhàng, hoạt động độc lập nên hiệu quả trong phối hợp chưa cao.

Đã xử lý được 219 ha đất rừng phòng hộ bị lấn chiếm

Theo BQL rừng, thời gian qua, đơn vị đã chủ động tham mưu cho Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn một số giải pháp để giải quyết.

Cụ thể, sau khi thống kê diện tích đất bị lấn chiếm từ nhiều năm trước, Sở NN&PTNT đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 10.7.2017 về kế hoạch xử lý cây trồng nông nghiệp trái quy định trên đất lâm nghiệp tại Khu rừng Văn hoá Lịch sử Chàng Riệc và Khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng và Quyết định số 223/QĐ-UBND tỉnh Tây Ninh ngày 28.1.2019 về Kế hoạch xử lý tài sản (cây trồng) trên đất khi thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trùng trên đất quy hoạch lâm nghiệp và các trường hợp có hợp đồng, giấy xác nhận cho trồng cây không đúng mục đích, sai quy hoạch.

Trong đó, áp dụng biện pháp xử lý đất lấn chiếm đến đâu, trồng rừng đến đó. Tính đến ngày 30.11.2019, đơn vị đã phối hợp xử lý được 219 ha (trong tổng số gần 1.200 ha đất) cây nông nghiệp để đưa vào trồng rừng theo đúng quy hoạch lâm nghiệp, và theo dự kiến sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2020.

Song song đó, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng tăng cường và xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát, kế hoạch phối hợp cùng các Đồn Biên phòng, Hạt Kiểm lâm và UBND các xã có rừng, thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra bảo vệ rừng nhằm ngăn chặn kịp thời nạn trộm cắp lâm sản, lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng, đốt rừng làm rẫy… nhất là trong xử lý cần nhanh chóng và triệt để, kiên quyết, biện pháp xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi vi phạm.

Lực lượng kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế phối hợp giữa BQL rừng với lực lượng dân quân tự vệ các xã có rừng trong công tác bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Tăng cường lực lượng cho các Đội quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, các Nhóm hộ bảo vệ rừng phải bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm mới phát sinh.

Phối hợp với UBND các xã có rừng tổ chức tuyên truyền phổ biến cho người dân hiểu lợi ích của rừng, tác hại của việc phá rừng, phổ biến Luật Lâm nghiệp cho người dân nắm được các hành vi vi phạm, mức xử phạt từ đó họ sẽ ý thức hơn về hành vi của mình.

Bên cạnh công tác tăng cường tuyên truyền vận động người dân tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng, kết hợp với xã tổ chức các buổi họp lấy ý kiến người dân về công tác trồng rừng, bảo vệ rừng; nắm bắt những khó khăn vướng mắc, tâm tư nguyện vọng của người dân trong việc trồng rừng, khuyến khích người dân đề ra các biện pháp giải quyết, cùng tìm ra loài cây trồng, mô hình trồng rừng hợp lý, phù hợp điều kiện tự nhiên, tăng năng suất, chất lượng rừng trồng, cải thiện đời sống nhân dân.

BQL rừng cũng đề xuất phối hợp với TAND cấp huyện xét xử lưu động đối với các hành vi vi phạm hình sự trong lĩnh vực lâm nghiệp...

Thế Nhân

Tin liên quan