Đọc báo in
Tải ứng dụng
Không để xảy ra những vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong dân
2021-11-26 00:34:35

Sáng 25.11, Tỉnh uỷ tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân năm 2021. Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ hội trường Tỉnh uỷ đến cấp huyện, xã.

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm; Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chủ trì hội nghị.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm kết luận hội nghị.

Mở đầu hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Theo đó, năm 2020, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổng hợp được 45 ý kiến, kiến nghị, phản ánh liên quan đến các lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nông nghiệp - nông thôn, an ninh trật tự; việc xây dựng Đảng và chính sách đối với cán bộ cơ sở…

Qua giám sát, hầu hết các nội dung kiến nghị, phản ánh của nhân dân được UBND tỉnh và các cơ quan chức năng xử lý, giải quyết, trả lời bằng văn bản. Năm 2021, Ban Dân vận Tỉnh uỷ tổng hợp được 52 ý kiến, kiến nghị. Đến nay, đã có 42 ý kiến được trả lời; 10 ý kiến đang chờ cơ quan chức năng trả lời.

Tại hội nghị, ông Trần Nuôi (Tân Châu) băn khoăn về số người nhiễm Covid-19 ngày càng tăng; giá cả nông sản bị ảnh hưởng do dịch bệnh. “Trong thời gian dịch diễn ra, có 4 loại cây trồng có giá cả tương đối ổn định là mì, lúa, sầu riêng, cao su. Còn lại các cây trồng đều bị ảnh hưởng, nhất là cây mãng cầu; và hiện nay giá vật tư nông nghiệp tăng cao, từ 70%-200%, nông dân sản xuất không có lợi nhuận”- ông Trần Nuôi phát biểu.

Hoà Thượng Thích Niệm Thới- Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đề nghị tỉnh tăng cường tuyên truyền cho người dân tuân thủ nguyên tắc 5K, không nên lơ là trong phòng, chống dịch.

Trả lời ý kiến các đại biểu về vấn đề nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, việc đi lại hạn chế nên ảnh hưởng đến giá cả nông sản, hiện nay, tình hình đã dần khôi phục.

Việc giá vật tư tăng cao, người đứng đầu ngành Nông nghiệp cho biết, không chỉ ở Tây Ninh mà diễn ra trên cả nước và toàn cầu, hiện chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Với vai trò quản lý nhà nước, ngành đã kiểm tra nhưng chưa phát hiện trường hợp găm hàng, tăng giá, đầu cơ.

Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp đã phát hiện và xử lý những trường hợp đưa phân bón kém chất lượng, phân bón giả bán ra thị trường. “Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân nên thay đổi cách sử dụng phân bón, tăng cường sử dụng phân chuồng, phân xanh; tiết kiệm phân hoá học bằng cách pha loãng phân vào nước để tưới; cày lấp dưới đất thay vì rải trên mặt đất.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang có chương trình để hướng dẫn người nông dân theo hướng VietGAP, GlobalGAP, bảo đảm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất an toàn, hiệu quả cao. Từ đó, nông sản dễ tiêu thụ hơn”- ông Nguyễn Đình Xuân cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho rằng, những băn khoăn của đại biểu về dịch bệnh, việc khó khăn khi trong sản xuất cũng là trăn trở của lãnh đạo cấp uỷ và chính quyền. Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao ngành Nông nghiệp xây dựng phương án, đề án tổng thể về hỗ trợ, định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp trong chuỗi giá trị liên kết, hướng tới tất cả các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh theo các tiêu chuẩn đáp ứng thị trường xuất khẩu, khắc phục tình trạng được mùa mất giá.

Về công tác phòng, chống dịch, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, việc thực hiện Chỉ thị 16 trước đây là giải pháp tình thế để cắt đứt chuỗi lây nhiễm, khi chưa có đủ vaccine tiêm ngừa. Nhưng việc thực hiện Chỉ thị 16 không thể kéo dài mãi vì ảnh hưởng rất lớn đến các yếu tố kinh tế xã hội, an ninh trật tự.

Do đó, Chính phủ đã quyết định chuyển sang trạng thái “bình thường mới” trong “điều kiện mới” với 4 điều kiện then chốt: nâng cao tỷ lệ vaccine cho người dân, hoàn thiện và nâng cao năng lực của hệ thống y tế; ý thức, trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch; giải pháp linh hoạt để thích ứng với từng cấp độ dịch.

“Mục tiêu hiện nay của chúng ta là phấn đấu giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Mặc dù tỷ lệ người nhiễm cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp. Điều này là nhờ độ phủ vaccine của Tây Ninh cao. Hiện nay, người dân được tiêm mũi 1 đạt 96%, mũi 2 đạt 82%. Tuy nhiên, chúng ta cũng không được lơ là, chủ quan đã tiêm vaccine mà không tuân thủ các quy tắc phòng, chống bệnh”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thanh Ngọc cũng chia sẻ, năm 2021, Tây Ninh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, tỷ lệ xuất khẩu tăng cao nhất, so với các năm (tăng 12%). Thu hút đầu tư nước ngoài được các doanh nghiệp ở Tây Ninh tiếp tục mở rộng đầu tư. Năm 2021, Tây Ninh được đánh giá là 12/63 tỉnh thành có tỷ lệ thu hút đầu tư nước ngoài cao. Đây là tín hiệu đáng mừng trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Kết luận buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm cho rằng các ý kiến đóng góp của đại biểu thể hiện tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, mong muốn cùng thực hiện tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, thực hiện nhiệm vụ của người dân trong tham gia xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng. Bí thư Tỉnh uỷ ghi nhận các ý kiến của đại biểu, cấp ủy, chính quyền sẽ phân tích, rút kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, điều hành nhằm thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm đề nghị lãnh đạo tỉnh, huyện và các ngành chức năng quan tâm hơn nữa công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị theo quy định. Việc giải quyết phải công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật và có văn bản thông báo kết quả, tiến độ giải quyết để người dân nắm; không để xảy ra những vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Ngọc Diêu

Tin liên quan