Đọc báo in
Tải ứng dụng
Không đo huyết áp khi khám bệnh, rất nguy hiểm cho bệnh nhi
2015-05-12 12:00:00

Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc - Chủ nhiệm Bộ môn Nhi - Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1, “Phần lớn việc tăng huyết áp (HA) ở trẻ đều có bệnh lý đi kèm, nếu bác sĩ không đo HA khi thăm khám, sẽ bỏ sót và không phát hiện được bệnh. Chính vì vậy, quy định bắt buộc, trẻ em trên ba tuổi, mỗi lần khám bệnh phải được đo HA. Nhưng hiện nay, rất ít phòng mạch tư và bác sĩ ở bệnh viện công thực hiện quy định này…

10-1.jpg
Bệnh nhi được đo huyết áp kịp thời sẽ giảm thiểu rủi ro tính mạng.
 
Bỏ sót nhiều bệnh lý chết người
 
Bệnh nhi T.B.N. (12 tuổi) vào cấp cứu tại BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng nhức đầu, chảy máu cam, mệt mỏi, đỏ mặt và có mức huyết áp 180/83mmHg. Sau khi bác sĩ (BS) cho dùng các thuốc hạ HA khẩn, HA trở về bình thường nhưng bệnh nhi lại có hiện tượng bệnh ở mắt. Thăm khám, BS phát hiện N. bị viêm vi cầu thận cấp. May là bệnh được phát hiện sớm, nếu để kéo dài sẽ gặp nguy hiểm.
 
Bệnh nhi V.T.H. (9 tuổi) đến BV Nhi Đồng 1 trong tình trạng co giật, mờ mắt, buồn nôn, chóng mặt. Các BS chẩn đoán H. bị viêm cầu thận cấp nhưng do không phát hiện sớm bệnh nên đã bị biến chứng suy tim cấp. Trước đó 15 ngày, bệnh nhi bị mệt, chán ăn, hay bị đau bụng, được gia đình đưa đi khám nhưng BS không phát hiện được bệnh, cho đến khi đưa đến BV Nhi Đồng 1 cấp cứu và phát hiện tăng HA.
 
Khi được chuyển đến một BV tại TP.HCM, N.T.L. (14 tuổi, ở Trà Vinh) đã trong tình trạng sốt 420C, khó thở, người tím tái, lên cơn co giật và suy hô hấp. L. tử vong sau sáu giờ nhập viện. Người nhà kể, trước đó L. bị sốt và khó thở, nhưng BS ở địa phương cho biết em bị cảm sốt kèm rối loạn tiêu hóa nên chỉ cho thuốc uống. Bệnh ngày càng nặng, bệnh nhi được chuyển lên BV tuyến trên thì các BS phát hiện bệnh nhi bị viêm não, nhưng đã muộn.
 
Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, tăng HA ở trẻ em có hai dạng: thứ phát (có nguyên nhân) và nguyên phát (không có nguyên nhân). Trong đó, có 80% trường hợp là thứ phát với nguyên nhân thường gặp nhất là bệnh lý ở thận như viêm vi cầu thận cấp, hội chứng thận hư, hẹp động mạch thận…
 
Những nguyên nhân khác ít gặp hơn là các bệnh hoặc tật ở mạch máu (hẹp eo động mạch chủ, dò động tĩnh mạch, viêm mạch máu…); bệnh lý nội tiết (tăng sinh tuyến thượng thận...); hoặc các bệnh lý thần kinh như u não, viêm não, áp xe não. Tăng HA nguyên phát ít gặp ở trẻ, thường xảy ra đối với nhóm trẻ béo phì, rối loạn giấc ngủ, thường xuyên bị căng thẳng trong cuộc sống, tiền sử gia đình có người bị bệnh lý tim mạch, cao huyết áp…
 
Cũng theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, phần lớn tăng HA ở trẻ đều có bệnh lý đi kèm, nếu BS không đo HA khi thăm khám, sẽ bỏ sót và không phát hiện được bệnh. Khi tăng HA diễn tiến lâu ngày, sẽ gây biến chứng lên nhiều cơ quan như giảm thị lực, suy thận, suy tim, tai biến mạch máu não, bệnh não do tăng HA… Bởi thế mới có quy định, trẻ em trên ba tuổi, mỗi lần khám bệnh phải được đo HA.
 
Với trẻ dưới ba tuổi, nếu có tiền sử sinh non, nhẹ cân, có bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc mắc phải bệnh thận hoặc các dị dạng đường niệu, trẻ có ghép tạng, bệnh ác tính hoặc được ghép tủy, trẻ dùng thuốc có nguy cơ làm tăng HA, trẻ mắc những bệnh nặng phải nằm viện… thì có chỉ định bắt buộc phải đo HA.
 
Tuy nhiên, các phòng mạch tư mà người viết tìm đến gần như không thực hiện đo HA khi thăm khám cho trẻ.
 
Chiều ngày 5/5, quan sát tại một phòng mạch nhi trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5), chúng tôi thấy có rất nhiều phụ huynh và bệnh nhi đang ngồi chờ đến khám bệnh trong trạng thái ho, sốt… nhưng BS “mười ca như một”, đều dùng đèn pin soi họng và đặt ống nghe kiểm tra vùng phổi, rồi kết luận cháu bị viêm họng và cho uống thuốc một tuần.
 
Trong suốt buổi khám, chúng tôi đếm được có khoảng 20 ca nhưng vị BS này không hề đo HA cho bất kỳ trẻ nào. Tại các phòng mạch nhi khác, trình tự khám bệnh cũng tương tự.
 
Không chỉ các phòng mạch tư mà ngay tại các khoa khám bệnh ở các BV công cũng ít khi đo HA khi thăm khám cho trẻ.
 
Bác sĩ ngại đo huyết áp!
 
“Hàng ngày, tại các khoa khám bệnh nhi có hàng ngàn lượt bệnh nhi đến khám. Mỗi BS trung bình khám 100 bệnh nhi/buổi. Tính ra mỗi bệnh nhi chỉ được khám trong vòng 2,5 phút, trong khi đó, để đo HA ít nhất phải mất 5 phút. Cho nên, việc đo HA khi khám cho trẻ nằm ngoài khả năng của BS và điều dưỡng, trừ khi giảm tải được số lượng bệnh nhi đến khám”, một BS cho biết.
 
Nhưng, đó chỉ là lý do dễ thấy. Sâu xa hơn, theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, việc đo HA cho trẻ em phải sử dụng dụng cụ đạt chuẩn phù hợp với kích thước cánh tay của trẻ.
 
Nếu không, kết quả sẽ không chính xác. Hiện dụng cụ đo HA cho trẻ chỉ được trang bị tại các BV nhi, nhưng lại phải sử dụng máy đo với túi hơi không đúng kích cỡ, được lắp ráp với những thiết bị kỹ thuật có xuất xứ khác nhau.
 
PGS-TS-BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc chuyên môn BV tim Tâm Đức - cho biết: "Mức HA bình thường của trẻ thay đổi theo từng lứa tuổi, trạng thái tâm lý, các hoạt động khác nhau.
 
HA có xu hướng tăng dần theo thời gian, nên mức HA nào được xem là tăng cũng thay đổi theo từng lứa tuổi và cần phải qua nhiều lần thăm khám mới có thể khẳng định trẻ có tăng HA hay không. Nếu chỉ đo HA một lần hoặc dùng các dụng cụ không đạt chuẩn, sẽ dễ dẫn đến chẩn đoán quá đà, không đúng HA thật sự của trẻ".
 
Còn một thực tế khác là việc đo HA cho trẻ rất khó, vì trẻ thường không chịu ngồi yên mà cử động, quấy khóc… trong khi việc đo HA cho trẻ chủ yếu vẫn bằng ống nghe (ở các nước thường dùng HA kế điện tử khi đo HA cho trẻ dưới ba tuổi), khiến nhân viên y tế ngại thực hiện.
 
Một chuyên gia về trang thiết bị y tế thông tin thêm, một bộ HA kế đạt chuẩn có giá khá cao, khoảng vài trăm triệu, cho nên một số phòng khám và BV đành xài đồ Trung Quốc, chất lượng không chuẩn.
 
Chính vì những lý do trên mà các nhân viên y tế thường bỏ qua việc đo HA cho trẻ. PGS Phạm Nguyễn Vinh nhìn nhận: đội ngũ nhân viên y tế hiện nay có trình độ không đồng đều, vẫn còn xem nhẹ việc chẩn đoán tăng HA khi thực hiện khám bệnh cho trẻ, do đó cần mở các lớp tập huấn liên tục mỗi năm về tăng HA ở trẻ em để ôn lại kiến thức, nâng cao kỹ thuật đo HA và phổ biến kỹ thuật mới.
 
Ngoài giảm tải lượng bệnh nhi đến khám, các BV cũng cần phải trang bị thêm dụng cụ đo HA đạt chuẩn để nhân viên y tế thực hiện đo HA cho trẻ; ngành y tế cũng cần phải xiết chặt công tác quản lý để đảm bảo các phòng khám, các BV phải đo HA khi khám bệnh cho trẻ.
 
“Người nhà khi thấy trẻ có các biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mắt kém, động kinh, yếu chi, mặt đỏ bừng… cần nghĩ ngay đến trường hợp có thể trẻ bị tăng HA và cần đưa tới BV càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và điều trị kịp thời” - PGS Phạm Nguyễn Vinh cảnh báo.
 
Nguồn Phụ nữ TP.HCM
Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh