Đọc báo in
Tải ứng dụng
Kiên quyết không để người đã uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông
2014-10-31 04:04:00

(BTNO) - Từ đầu năm đến giữa tháng 10. 2014, trên địa bàn huyện Gò Dầu đã xảy ra 19 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến 11 người chết, 10 người bị thương. Hầu hết các vụ tai nạn giao thông xảy ra là do người điều khiển xe mô tô gây ra. Thời gian xảy ra TNGT nhiều nhất là từ 12 giờ đến 22 giờ và vào các ngày nghỉ cuối tuần. Đáng lo ngại là phần lớn số vụ TNGT xảy ra do người điều khiển xe mô tô trong tình trạng sử dụng rượu, bia.

Một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa hai xe mô tô trên địa bàn huyện Gò Dầu.

NHIỀU VỤ TNGT DO NGƯỜI SAY RƯỢU ĐIỀU KHIỂN XE

Gần đây nhất là vào khoảng 21 giờ 30 phút ngày 28.9.2014, trên quốc lộ 22,  thuộc địa bàn ấp Trâm Vàng 3, xã Thanh Phước (Gò Dầu) xảy ra vụ TNGT làm một người chết. Vào thời điểm trên, anh Huỳnh Tấn Lộc (SN 1989, nhà ở xã Thạnh Đức) điều khiển xe mô tô đi từ hướng huyện Trảng Bàng về Gò Dầu, khi đến khu vực nêu trên thì va chạm với một xe mô tô, do anh Võ Văn Chấn (SN 1993, ngụ ấp Trâm Vàng 2, xã Thanh Phước) điều khiển đi ngược chiều.

TNGT đã làm anh Lộc chết tại hiện trường. Theo kết luận của ngành chức năng, nguyên nhân vụ tai nạn này do anh Chấn điều khiển xe mô tô trong tình trạng sử dụng rượu, bia và đi ngược chiều.

Khoảng 19 giờ 30 phút, ngày 10.8.2014, trên tỉnh lộ 782, thuộc địa bàn ấp Phước Đức B, xã Phước Đông xảy ra vụ TNGT giữa người đi xe mô tô với người đi bộ. Vào thời điểm trên, anh Lê Thanh Trí (SN 1986, ngụ ấp Phước Đức B) điều khiển xe mô tô từ hướng xã Phước Đông về xã Bàu Đồn, đến địa điểm trên đụng vào chị  Nguyễn Thị Thu Sương (SN 1980, ngụ xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng) đi bộ phía trước cùng chiều. Hậu quả làm chị Sương bị thương nặng và được đưa đi cấp cứu.

Nguyên nhân vụ TNGT này là do anh Trí điều khiển xe mô tô trong tình trạng say rượu không quan sát người đi bộ phía trước. Cũng trong ngày 10.8.2014, vào khoảng 15 giờ, anh Trần Hoài Nam (SN 1994, ngụ xã An Thạnh, Bến Cầu) điều khiển xe mô tô lưu thông trên đường liên xã từ hướng ngã ba xã Phước Thạnh về thị trấn Gò Dầu, đến địa phận ấp Phước Hội A (xã Phước Thạnh) thì lấn trái đụng vào xe mô tô do anh Trần Mộc Trí (SN 1979, ngụ thị trấn Gò Dầu) điều khiển đi hướng ngược lại, làm cho hai người bị thương rất nặng.

Sau đó anh Trí đã chết tại Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, còn anh Nam được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Củ Chi. Theo ngành chức năng, nguyên nhân vụ TNGT này do anh Trần Hoài Nam điều khiển xe mô tô trong tình trạng say rượu, đi không đúng phần đường (lấn trái).

Ngày 4.6.2014, anh Nguyễn Chí Cường (SN 1985- hộ khẩu thường trú xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) điều khiển xe ô tô đầu kéo đang kéo theo sơ-mi rơ-moóc chở hàng hoá từ thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) đến huyện Châu Thành- Tây Ninh.

Khoảng 21 giờ, khi đang đi trên quốc lộ 22 B, đến địa phận ấp Bàu Vừng, xã Phước Trạch thì anh Cường phát hiện ống hơi xe bị tuột, anh liền cho xe dừng lại trên làn đường xe mô tô để sửa chữa. Trong lúc anh Cường đang sửa ống hơi thì anh Trần Thanh Châu (SN 1992, ngụ xã Hiệp Thạnh) điều khiển xe mô tô chở phía sau anh Trần Văn Vàng (SN 1991, ngụ cùng địa phương với anh Châu) chạy từ hướng Gò Dầu về thành phố Tây Ninh đã đụng vào phía sau xe ô tô của anh Cường.

Hậu quả anh Châu chết tại chỗ, còn anh Vàng bị thương nặng. Theo ngành chức năng, nguyên nhân do xe ô tô đầu kéo dừng đỗ không đúng quy định, còn anh Châu và anh Vàng đã có uống rượu.

Lúc 19 giờ 45 phút, ngày 30.3.2014, trên đường liên xã thuộc ấp Bến Mương, xã Thạnh Đức xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe ô tô và xe mô tô. Vào thời điểm trên anh Diệp Văn Trường (SN 1982, ngụ xã Long Giang, Bến Cầu) điều khiển xe ô tô va chạm với xe mô tô do anh Nguyễn Thành Lập (SN 1982, ngụ xã Thạnh Đức, Gò Dầu) làm cho anh Lập bị chết. Nguyên nhân, theo ngành chức năng, là do anh Lập sử dụng rượu, bia vượt mức quy định, điều khiển xe mô tô đụng vào bên trái xe ô tô của anh Trường.

Các vụ TNGT nghiêm trọng nêu trên cho thấy hậu quả khó lường đối với những người điều khiển xe mô tô trong tình trạng sử dụng rượu, bia. Do không kiểm soát được bản thân mình, những người điều khiển xe mô tô trong  lúc say rượu có thể gây ra TNGT bất cứ lúc nào. Và TNGT cũng xảy ra ở bất cứ tuyến đường nào, từ quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ và kể cả đường ngõ, xóm nên người điều kiển xe mô tô trong tình trạng say rượu.

PHẢI KIÊN QUYẾT NGĂN CHẶN

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng như nói ở trên, nhiều nhất là do người điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng sử dụng rượu bia. Vì thế, muốn kéo giảm TNGT nhất thiết phải có biện pháp tích cực, hiệu quả nhằm ngăn chặn những người tham gia giao thông điều khiển phương tiện trong tình trạng đã sử dụng rượu bia.

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ Công an huyện Gò Dầu cho biết, hiện nay ý thức chấp hành Luật Giao thông của một bộ phận người dân còn thấp, nhất là những người hay uống rượu, bia. Có nhiều trường hợp người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông bị ngành chức năng nhắc nhở, xử phạt đến 2, 3 lần vẫn tái phạm.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền thời gian qua vẫn còn hạn chế và chưa có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành có liên quan, nhất là việc tuyên truyền đến đối tượng có thói quen uống rượu, bia. Để công tác tuyên truyền về Luật Giao thông và các văn bản có liên quan đến an toàn giao thông sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đi vào trong mỗi gia đình, ngoài lực lượng chính là ngành công an và giao thông, cần có sự phối hợp, hỗ trợ tích cực hơn nữa các ban ngành, đoàn thể có liên quan như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên...

Làm thế nào để mọi người trong mỗi gia đình đều có ý thức nhắc nhở nhau, mỗi khi ra đường phải đi đứng cẩn thận, nghiêm chỉnh chấp hành Luật Giao thông. Đặc biệt là nhắc nhở, khuyên răn, ngăn chặn không cho người thân tham gia giao thông trong tình trạng say rượu. Đối với các quán nhậu, ngành chức năng cần làm việc với các chủ quán không bán rượu, bia cho những người khách đến quán trong tình trạng đã say rượu. Đồng thời vận động các chủ quán khi thấy khách đã say xỉn thì gọi người thân đến đón về, hoặc gọi xe taxi đưa về, không để người say xỉn tự điều khiển phương tiện giao thông trên đường.

Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, ngành chức năng tăng huyện cường công tác tuần tra, kiểm soát; nhất là phải có biện pháp thật hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng người say rượu chạy xe gây tai nạn.

Đồng thời huy động các lực lượng địa phương xã, thị trấn phối hợp với cảnh sát giao thông tham gia tuần tra giao thông vào các ngày, giờ và trên những tuyến đường thường xảy ra tai nạn giao thông thuộc địa bàn huyện quản lý. Trong lúc tuần tra kiểm soát, các lực lượng chức năng cần kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm an toàn giao thông đối với những người có sử dụng rượu, bia như:  Chạy quá tốc độ, vượt không bảo đảm an toàn, qua đường thiếu quan sát, chạy ngược chiều...

N.H

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan