Đọc báo in
Tải ứng dụng
Làm gì để thay đổi ý thức người dân ?
2014-10-16 04:02:00

(BTNO) - Tai nạn giao thông (TNGT) là thảm hoạ gây ra nỗi đau thương mất mát lớn cho nhân dân và cũng là vấn đề nan giải mà cả nước ta đang phải đối mặt. Nhiều biện pháp bảo đảm ATGT đã được đưa ra, trong số đó quan trọng nhất là phải thay đổi nền tảng ý thức của người dân, xây dựng được văn hoá giao thông trong cộng đồng dân cư.

Tuyên truyền tại các quán rượu, bia

Trên khắp các tỉnh, thành của cả nước, bia, rượu chính là thủ phạm gây nên các TNGT từ nhẹ đến nặng, từ bị thương đến tử vong. Đây là hiện trạng khá phổ biến mà dường như chúng ta chưa thực sự giải quyết được triệt để. Có nơi, chính quyền địa phương đã bố trí CSGT đón lõng tại các quán bia rượu, tăng cường tuần tra, kiểm tra những người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu say rượu, xử phạt mạnh tay… Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình trạng người dân uống bia rượu xong vẫn điều khiển xe máy, ô tô còn diễn ra không ít.

Không cần nhìn đâu xa, cứ đứng trước những nhà hàng, quán ăn ở thành phố Tây Ninh thì sẽ thấy ngay tình trạng một số thực khách vô tư điều khiển xe máy, ô tô ra về khi trong người đã có hơi men.

Như vậy, sao chúng ta không nghĩ đến việc tổ chức tuyên truyền một cách khéo léo, tế nhị tại chính các quán bia rượu đó? Có lần tôi chứng kiến tại một quán nhậu, anh quản lý đến hỏi thực khách ăn có ngon miệng không, sau đó anh “nhắc vui” khách rằng không nên uống quá chén rồi tự lái xe, và nếu khách lỡ có “quá chén” thì quán sẵn sàng giữ giúp xe qua đêm không tính tiền và gọi taxi đưa khách về nhà.

Hành động đó vừa giúp bảo đảm an toàn cho khách, vừa không làm mất đi thiện cảm của khách với quán.

Khẩu hiệu bấy lâu nay ta vẫn dùng là “Lái xe thì không uống rượu bia, đã uống rượu bia thì không lái xe” cần được đặt tại các quán bia rượu. Cùng với treo khẩu hiệu, nên trích dẫn Luật Giao thông để nhắc nhở người uống rượu bia. Tuy rằng cách làm này ít nhiều có tổn hại đến người kinh doanh quán bia, rượu nhưng dù sao họ cũng phải chung tay góp sức cho sự an toàn của cả xã hội. Sau một thời gian, nên có khen thưởng cho những chủ quán hợp tác tốt.

Tuyên truyền qua mạng xã hội

Internet và mạng xã hội đã trở thành một sinh hoạt không thể thiếu trong xã hội ngày nay, nhất là với giới trẻ, những người được coi là năng động, sáng tạo nhưng “khó” tuyên truyền theo những khuôn khổ quy định. Trong khi đó thực trạng hiện nay cho thấy, trong số những người tham gia vào các vụ tai nạn thì giới trẻ, thanh niên luôn chiếm tỷ lệ cao.

Hiện có khoảng 4,2 triệu người dùng mạng xã hội facebook tại Việt Nam, đây là kênh lan truyền thông tin với tốc độ chóng mặt. Thử tưởng tượng nếu có một lời kêu gọi đầy sức thuyết phục về ATGT như hạn chế uống bia, rượu được đăng lên một trang facebook nào đó là ngay lập tức nó sẽ được truyền đi theo cấp số nhân dựa trên cơ chế “bạn bè”, tức là chỉ cần nguồn thông tin được đăng trên “tường nhà” của ai đó là hầu hết bạn bè của người đó sẽ biết đến thông tin này.

Đây là một hình thức truyền tin và kết nối cộng đồng rất tốt. Sức mạnh của mạng xã hội thì ai cũng biết, vậy nên tận dụng nó để tạo ra một phong trào có ích cho đất nước như ATGT, qua đó giảm thiểu được TNGT từ ý thức của mỗi người. Cách làm này, ngay cả người đứng đầu Chính phủ ta cũng đã từng sử dụng và đem lại hiệu quả thấy rõ.

Thay đổi thói quen nhậu nhẹt của người dân trong các cuộc vui

Với một số người dân, những cuộc vui như lễ tết, cưới xin, hay thậm chí là giỗ chạp luôn là cơ hội để họ “nhậu tới bến”. Bộ phận này chỉ biết nhậu đến say rồi sau đó điều khiển xe máy, ô tô trên đường, là nguyên nhân gây ra các vụ tai nạn thảm khốc. Do đó chúng ta cần tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm làm giảm nguy cơ trực tiếp gây ra tai nạn giao thông từ các cuộc nhậu.

Đối với đám cưới, các cấp, ngành và chính quyền, đoàn thể trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, vận động người dân thực hiện lễ cưới theo mô hình văn hoá. Các đám cưới theo mô hình mới vừa tiết kiệm, vừa bảo đảm ATGT.

Nếu tiệc cưới là tiệc ngọt, hoặc chủ hôn không đãi rượu bia sẽ không có tình trạng khách dự lễ cưới dùng bia rượu, qua đó hạn chế được TNGT sau lễ cưới. Bên cạnh đó, nếu tận dụng những lễ cưới theo nếp sống mới để tuyên truyền về an toàn giao thông cho khách tham dự thì hiệu quả lan toả sẽ càng cao hơn.

Với các cuộc vui trong phạm vi gia đình, họ tộc, chính quyền nên tuyên truyền thông qua người đứng đầu gia đình, họ tộc để nhắc nhở con cháu không uống quá nhiều bia, rượu trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nếu có một tiếng nói đủ mạnh để các thành viên trong họ tộc nghe theo, tin rằng tình trạng lái xe khi say rượu sẽ giảm rất nhiều.

Bản thân người viết cũng đã không ít lần chứng kiến hiệu quả trong tiếng nói của những người có vai vế trong dòng họ ở các dịp gặp mặt, lễ tết có tác động rất lớn đến lớp thanh niên con cháu, khiến họ không dám uống quá nhiều bia, rượu.

Trong xã hội ngày nay, gia đình là tế bào của xã hội thì họ tộc là một mặt cắt không thể thiếu, một bản sắc, sự ràng buộc văn hoá trong sự phát triển của đất nước. Vì vậy chúng ta nên tận dụng cách làm này để kéo giảm tai nạn giao thông.

ĐINH THÀNH TRUNG

(Ban Kinh tế Trung ương,

Thuỵ Khuê, Tây Hồ, Hà Nội)

 

Từ khóa:
Tin liên quan