Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Một số sự kiện trong ngày 20 tháng 1:
Thứ bảy: 09:34 ngày 21/01/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Rạng sáng ngày 20-1-1785, quân Xiêm tấn công quân Tây Sơn ở Mỹ Tho, Gia Định. Nguyễn Huệ dử quân địch lọt vào trận địa mai phục ở sông Rạch Gầm - Xoài Mút. Pháo binh Tây Sơn bất ngờ nhả đạn vào các thuyền chiến của địch.

Giữa lúc quân địch đang hốt hoảng, rối loạn thì quân thuỷ bộ của ta từ các vị trí mai phục xông ra tiêu diệt chúng. Toàn bộ chiến thuyền của địch bị đánh đắm. Gần 4 vạn quân Xiêm bị giết chết tại trận. Trận thắng Rạch Gầm - Xoài Mút do Nguyễn Huệ chỉ huy đã đập tan âm mưu can thiệp của quân xâm lược Xiêm và trừng trị đích đáng hành động bán nước của bọn Nguyễn Ánh.

 

 

* Ngày 20-1-1931, tại Sài Gòn, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị công vận Đông Dương do đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư chủ trì. Sau khi nghe báo cáo về Nghị quyết của Đại hội lần thứ V của Quốc tế Công hội đỏ, Hội nghị quyết định thành lập Ban công vận Trung ương do đồng chí Trần Phú làm trưởng ban. Hội nghị đã thảo luận về đường lối vận động công nhân và thông qua "Luận cương và nghị quyết" của hội nghị.
Việc thành lập Ban công vận Trung ương và những vǎn kiện nói trên thể hiện rõ sự quan tâm và đường lối đúng đắn của Đảng về công tác vận động công nhân Đông Dương.

 

* Ngày 20-1-1948, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra các sắc lệnh phong quân hàm cho các đồng chí lãnh đạo quân đội. Quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp; quân hàm Trung tướng cho đồng chí Nguyễn Bình; quân hàm thiếu tướng cho các đồng chí: Nguyễn Sơn, Vǎn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình... 
Việc phong quân hàm này đánh dấu sự trưởng thành của quân đội cách mạng Việt Nam.

 

* Nhà thơ Nguyễn Bính tên thật là Nguyễn Bính Thuyết, sinh nǎm 1919, quê ở Nam Định, mất ngày 20-1-1966. Thời kỳ đầu, ông làm nhiều thơ về tình yêu như các tập: Lỡ bước sang ngang, Mười hai bến nước, Bóng giai nhân... Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia kháng chiến ở Nam Bộ, rồi tập kết ra miền bắc, làm thơ về đấu tranh thống nhất đất nước như tập "Gửi người vợ miền Nam". Nhưng trước hết Nguyễn Bính vẫn là thi sĩ của đồng quê. Thơ của ông được nhiều người yêu thích đến mức thuộc lòng.

 

Thế giới

 

* Ngày 20-1-1981, tàu vũ trụ con thoi đầu tiên của Mỹ mang tên Côlômbia chở hai nhà du hành vũ trụ Young và Grouppen hạ cánh an toàn xuống đường bǎng dài 5 km trên một mặt hồ cạn ở bang Caliphoónia miền Tây nước Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt lịch sử của khoa học du hành vũ trụ.

 

* Anđrê Mari Ampe sinh ngày 20-1-1775, mất nǎm 1836 ở nước Pháp. 
Ông là một người có đầu óc bách khoa và tinh thần tự học, bất chấp bất hạnh. Ông đã trở thành giáo sư dạy triết học, vật lý học và toán học ở các trường đại học.
Là một nhà vật lí học và toán học nổi tiếng, Ampe còn là người đầu tiên đã đưa khái niệm dòng điện vào vật lí học, xây dựng được môn điện động lực học.
Người ta đã lấy tên ông - Ampe - đặt cho đơn vị cường độ dòng điện (viết tắt là A).

 

* Nadim Híchmét (Nazim Hikmet) - nhà thơ, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sinh ngày 20-1-1902. Ông là Uỷ viên Hội đồng Hoà bình thế giới, giải thưởng Lênin 1950. 
Từ nǎm 1917, ông đã có thơ in và lập tức bị chính phủ Thổ truy nã. Ông sang Liên Xô vào học đại học Phương Đông và tham gia Đảng Cộng sản Bônsêvích. Tập thơ nổi tiếng đầu tiên của ông là "Bài ca những người uống mặt trời". Sau đó ông về Thổ Nhĩ Kỳ vừa hoạt động vǎn học, vừa hoạt động cách mạng. Ông đã nhiều lần bị bắt nhưng vẫn sáng tác. Thơ ông có những biểu tượng cao cả, mạnh mẽ. Ông có các tập thơ "Những chân dung"; trường ca "Thư gửi Taranta", "Nhìn toàn cảnh nhân loại"; kịch "Người kỳ cục", "Lưỡi gươm Đamôclet" ... Ông mất ngày 3-4-1963.

Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh