Đọc báo in
Tải ứng dụng
Ngày xuân lên động Kim Quang (tiếp theo và hết)
2022-02-15 22:59:42

Kim Quang không chỉ là truyền thống của quân dân Toà Thánh năm xưa, thị xã Hoà Thành hôm nay. Kim Quang còn có Phật. Chính xác hơn là bàn thờ Phật. Bàn thờ có hẳn một pho đầu tượng đá cổ, nghe nói đã có từ trước khi là căn cứ Huyện uỷ.

Ngoài cửa động

Không đợi tới tết, hay lễ hội Kim Quang 14 tháng Giêng, ngay những ngày tháng Chạp đã có từng nhóm người lên viếng động Kim Quang. Ngày 14 tháng Chạp, một trong những nhóm ấy có một gia đình 4 người, tay xách nách mang những túi đồ và hoa quả phẩm, đến từ An Điền, Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Người phụ nữ tuổi trung niên vui chuyện kể: “Chúng em ở ngay bên sông Sài Gòn, cùng quê hương “tam giác sắt” với Trảng Bàng”.

Hỏi, sao lại là động Kim Quang, chứ không phải là điện Bà hay chùa Phật? Chị trả lời: Đâu mà chẳng là núi Bà hở anh. Với lại, chúng em lên viếng động đã quen rồi, từ hàng chục năm nay. Thấy khách lễ mễ xách đồ, người phụ trách quản lý di tích đang quét sạch lối đi lên đến đỡ giúp xách đồ cho du khách.

Con đường lên động từ dưới chân ngôi nhà truyền thống cũng không có đoạn nào dốc đứng, mà thoai thoải dễ đi. Từ đây vào động chỉ khoảng 500 mét. Đoạn đầu, đá như trải đều bằng bặn, như gọi mời, như đãi khách đường xa.

Trên đầu là những tàn cây duối sum suê rủ xuống một màu xanh ngọc trong veo huyền hoặc. Ôi chà! Đã lên đây bao lần, mà lần này mới phát hiện cả một khoảnh rừng cây duối cổ. So với những cây duối cổ ở thành bảo Long Giang, hay chùa Bàu Tượng (Bến Cầu) thì duối chân núi Bà cũng có tuổi mấy trăm năm.

Một bên đường, vườn chuối nhà ai cũng xoè từng tấm lá mỡ màng xanh dưới trời hứng nắng. Vậy mới hiểu vì sao đoàn khách đi chưa đầy trăm mét đã dừng chân nghỉ mệt. Như để lắng nghe tiếng xôn xao của đá núi, cây rừng…

Khách quen còn thế, huống hồ khách lạ! Ai đến lần đầu chắc không ngờ ngay sau rừng duối, đường lên Kim Quang còn mở ra những cảnh quan tráng lệ, lạ lùng hơn. Cũng là đá, nhưng ở đoạn giữa này toàn những tảng đá dẹp như hình thù “đá đĩa”. Nhưng mà mỗi tảng cũng có diện tích như nền một ngôi nhà tình nghĩa.

Đá đĩa khổng lồ dàn trải, gối lên nhau nhô nhấp nhẹ nhàng. Giữa đá, lại trồi lên toàn những thân cây xoài cổ thụ, lớn độ 2 vòng tay người lớn. Thân cành nâu đỏ óng mượt biểu lộ cây vẫn còn sung sức.

Cành lá sum suê, xoè bốn phía làm nên một cái dù che vĩ đại cỡ vài trăm mét vuông, che rợp những khối đá bằng bặn, cứ như sắp đặt đợi người đến sẽ dừng chân. Người biết chuyện Kim Quang chiến đấu năm xưa hẳn sẽ hỏi đá núi cây rừng: Có phải các bạn đã tận mắt thấy chiến sĩ Kim Quang chiến đấu?

Tới đoạn sau cùng, chỉ còn khoảng trăm mét cuối, bạn mới hiểu vì sao động Kim Quang được chọn. Và trên thực tế đã trở thành căn cứ “bất khả xâm phạm” của Huyện uỷ Toà Thánh năm xưa. Con đường bỗng nhiên thắt nhỏ lại, bên cạnh một khối đá hình trứng lớn, cao như một lô cốt ở bên đường.

Từ đây trở vào, toàn đá tảng lớn chất chồng chênh vênh, hiểm hóc. Đường vào bị cắt ngang bởi một khe đá hẹp, sâu hun hút, khiến người ta buộc phải làm cầu cho du khách đi qua. Qua cầu, vẫn lô xô cây và đá, có cả dây leo nên khung cảnh trở nên kỳ bí hoang sơ. Leo lên, xốc tới và ngoảnh lại, đã thấy cây cầu ở hút sâu bên dưới, giữa màu xanh hoang hoải ngập tràn loang nắng.

Cũng trên một tảng đá lớn hình trứng đứng chắn ngoài cửa động, người Hoà Thành đã tạc ngay lên mặt đá một khối hình trang sách mở ra, ghi rằng: Lịch sử động Kim Quang. Đọc lên một câu đã thấy vọng vang: “Ôi Kim Quang, nơi đón nhận chủ trương chỉ đạo của Đảng, đưa ánh sáng cách mạng đến với đồng bào các tôn giáo, dân tộc nhất là giáo dân đạo Cao Đài, nơi sung trận của lực lượng vũ trang, cùng với đồng bào lương giáo đã góp nhiều công của cho sự nghiệp “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào…”.

Người dân lên cúng trên động.

Thế là tới động Kim Quang rồi đấy! Ngay sau đá bia là vòm hang mở ra, sáng ánh mặt trời phía Đông chiếu rọi. Lòng hang được mở rộng ra về phía bên phải, trần đá thấp dần nhưng vẫn đủ cao cho từng tốp tượng cán bộ chiến sĩ Kim Quang đang làm việc.

Tốp vây quanh sa bàn trận đánh. Góc trong cùng có vẻ là hai chiến sĩ thông tin đang liên lạc với bên ngoài. Cửa động phía trái lại có một khối đá lớn nhoài ra, như tấm lá chắn đạn bom cho động chính. Ngày nay đã được tạc nên một đài Tổ quốc ghi công.

Dưới bia, là một chú rùa đá đang bò ra, cõng tấm bia theo một kiểu thức dân gian truyền thống. Chếch xa phía ngoài, lại đá nhô lên để tượng một nữ chiến sĩ đứng trên cao quan sát. Trước mặt chị bây giờ, không chỉ là cây, đá điệp trùng, hiểm hóc… mà còn những cabin cáp treo trôi mải miết, ngược xuôi.

Tốp người lên viếng động đã dỡ bịch túi ra, thận trọng xếp đặt từng đĩa lễ vật dâng lên trên mỗi bàn thờ “Chiến sĩ trận vong”. Nhang, đèn hoa trái đủ đầy. Vài đĩa quýt vàng ươm còn được đặt trên những chiếc bàn mô hình bên nhóm tượng.

Cũng có một ban thờ Phật, với đủ tượng thờ, lư hương và mâm đĩa, bình bông… bát ngát hương hoa. Ngắm tượng cô du kích như đang nhen lửa nấu dưới vài chiếc nồi đất; lại nhớ đến câu thơ của bài thơ đã trích: “Kim Quang ơi hỡi Kim Quang/ Chon von động núi hiên ngang một thời/ Đá ba hòn vẫn đen thui/ Có còn tro nóng từ hồi chiến tranh…” (Kim Quang, thơ NQV). Ngày xuân Nhâm Dần (2022) lên núi; thấy rõ là không chỉ là tro vẫn nóng, mà ngọn lửa cách mạng Kim Quang vẫn phần phật cháy trong tâm người đang sống.

Kim Quang không chỉ là truyền thống của quân dân Toà Thánh năm xưa, thị xã Hoà Thành hôm nay. Kim Quang còn có Phật. Chính xác hơn là bàn thờ Phật. Bàn thờ có hẳn một pho đầu tượng đá cổ, nghe nói đã có từ trước khi là căn cứ Huyện uỷ.

Có một sự tương đồng giữa đầu tượng Phật Kim Quang với pho tượng Phật cổ ở chùa Thiền Lâm - Gò Kén (nay cũng thuộc phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành). Theo nghiên cứu của Lê Hoàng Quốc, trong bài viết về pho tượng này tại sách Tây Ninh Đất và Người (Nxb Thanh niên, 2020) thì có thể tượng: “thuộc giai đoạn Óc-eo Nam bộ. Điểm dễ nhận thấy nhất của bức tượng là tóc xoăn tròn, một trong những đặc điểm của loại hình mang phong cách Phnom Da- phong cách tượng sớm nhất ở Nam bộ và Campuchia…”.

Ban thờ Phật đặt trên cao, gần sát trần hang. Ai đó đã gắn đầu tượng đá cổ vào một tảng đá núi làm thân. Vẫn mái tóc xoăn tròn, giữ nguyên từ khoảng hơn 1.000 năm trước; ánh mắt đức Phật đăm đăm nhìn xuống bao dung. Ở đây vẫn còn một chuyện linh thiêng khác.

Đấy là tại ngôi miếu nhỏ nằm dưới gốc cây sung cổ thụ trên lối vào cửa động. Câu chuyện này được người quản lý bảo vệ di tích hiện nay kể lại. Đấy là vào thời Ban Quản lý di tích núi Bà Đen còn thuộc Sở Văn hoá, Thể thao & Du lịch, năm ấy anh Quốc Anh làm trưởng ban.

Chuyện rằng miếu thờ một chiến sĩ bảo vệ động Kim Quang đã hy sinh. Anh tên là Võ Chiến Nhật Quang, hy sinh năm 25 tuổi. Nơi anh ngã xuống chính là nơi đồng đội đặt ngôi miếu nhỏ. Biết câu chuyện, Ban Quản lý khắc tên anh lên tấm đá đen, đặt vào miếu thay bài vị để thờ.

Một lần, chị quét dọn vệ sinh, lau rửa tấm đá thì bỗng nhiên chị ôm chặt lấy tấm đá bia, chạy ào xuống khu nhà truyền thống, nơi anh Quốc Anh đang ngồi đó. Câu chuyện được chị phụ nữ nói ra bằng giọng đàn ông, là bia đã ghi sai một chữ. Đấy là chữ Nhật (chứ không phải là chữ Nhựt được khắc trên bia).

Tấm bia sau đó được khắc lại, và vẫn còn tới bây giờ, ngoài cửa động Kim Quang. Đang là mùa xuân, cây sung già vẫn trĩu trịt đỏ tươi nhiều chùm trái chín. Như hoa trái suốt bốn mùa dâng lên trước miếu và các ban thờ trong động núi Kim Quang.

Trần Vũ

Tin liên quan