Đọc báo in
Tải ứng dụng
Nhà báo phải làm gì để giải “nọc độc thông tin”?
2021-06-21 00:47:03

Vấn đề đặt ra đối với những người làm báo nói chung, hệ thống báo Ðảng nói riêng, là làm gì, làm như thế nào để có thể góp phần vào việc “vạch mặt chỉ tên” và qua đó “giải nọc độc thông tin”?

Nhà báo Hữu Thọ trong lần đến thăm và trò chuyện với Báo Tây Ninh ngày 20.4.2011. Ảnh: Ðặng Hoàng Thái

Trong lịch sử báo chí của thế giới, không riêng gì Việt Nam, chưa bao giờ thông tin lại phong phú như bây giờ. Sự xuất hiện của báo điện tử và mạng xã hội khiến cho dòng chảy thông tin trở nên dễ dàng hơn, bởi tính chất toàn cầu, không biên giới. Kể từ đây, ba loại hình báo chí truyền thống gồm báo in, đài phát thanh và truyền hình, tuy vẫn tồn tại, phát triển, nhưng không còn độc quyền thông tin như trước đó.

Tận dụng, nói đúng hơn, lợi dụng sự phát triển của công nghệ và nền tảng mạng xã hội, không ít người - xuất phát từ nhiều động cơ, nguyên nhân khác nhau, lúc âm thầm, khi ào ạt, cấp tập đưa ra những thông tin sai sự thật hoặc thông tin chỉ đúng một phần. Ðây chính là chiêu trò xuyên tạc, bóp méo và ở cấp độ cao hơn: bịa đặt thông tin hết sức trắng trợn.

Tình trạng như vừa nêu đặc biệt xuất hiện nhiều trong thời gian qua - nhất là mỗi khi trong nước, trong đời sống xã hội diễn ra sự kiện chính trị quan trọng hoặc có thiên tai, dịch bệnh. Do đã đề cập nhiều lần, xin phép không liệt kê, không nhắc lại từng sự việc cụ thể.

Vấn đề đặt ra đối với những người làm báo nói chung, hệ thống báo Ðảng nói riêng, là làm gì, làm như thế nào để có thể góp phần vào việc “vạch mặt chỉ tên” và qua đó “giải nọc độc thông tin”?

Từ rất lâu, có quan niệm, người làm báo chỉ là người đưa tin. Ðiều này không sai, chức năng chính của báo chí là đưa tin. Nhưng chỉ đưa tin thôi là chưa đủ. Trên thế giới không một tờ báo nào chỉ đưa tin một cách thuần tuý.

Một thời gian dài, có nhiều ý kiến cả trong và ngoài nước nói rằng, chỉ có báo chí cách mạng mới đặt nặng tính tuyên truyền, còn báo chí phương Tây đơn thuần chỉ thông tin. Ðây thực ra là một ngộ nhận tai hại. Báo chí phương Tây - kể cả Mỹ - xứ sở được coi là tự do báo chí hàng đầu thế giới, những người làm báo ở đây, qua bài viết, họ vẫn thực hiện nghệ thuật tuyên truyền. Vấn đề ở chỗ, nghệ thuật tuyên truyền như thế nào và tuyên truyền cho ai.

Lúc còn tại thế, nhà báo Hữu Thọ, người từng làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân và cao hơn nữa, đứng đầu cơ quan phụ trách báo chí, tư tưởng của Ðảng đã có lần phát biểu về nghề báo rằng, một bài báo, nếu viết xong ai đọc cũng hài lòng thì đó là một bài báo thất bại.

Ông còn nhấn mạnh vai trò của nhà báo, đại ý, nhà báo cũng là công dân, vì thế, người dân mong chờ có tiếng nói của nhà báo trong tác phẩm. Ý ông muốn nói, là nhà báo, anh phải nói lên tiếng nói của mình chứ không chỉ cầm cái máy ghi âm ghi lại lời ông bà đó nói thế này thế nọ rồi về chép lại là xong.

Khó có thể thống kê chính xác nhưng cứ nhìn vào mặt báo thì không khó để nhận ra, phần lớn nội dung đăng trên báo mới chỉ dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin. Ðiều này giải thích vì sao, trên báo chí chính thống ngày càng thưa thớt, thậm chí vắng bóng những bài viết chuyên sâu, có tính chiến đấu.

Trước khi nhận trọng trách của đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng là người làm báo. Trong một dịp gặp gỡ với “đồng nghiệp cũ”, ông lưu ý những người làm báo rằng, đưa tin, viết bài phải cân nhắc. Bài viết cần có tính định hướng chứ không phải quăng lên đó ai hiểu sao thì hiểu.

Tìm hiểu lịch sử, chúng ta biết rằng, sự rối loạn, sau đó dẫn đến sụp đổ của hàng loạt nước ở Ðông Âu có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đến từ báo chí. Tại thời điểm năm 1988, tức trước khi Liên Xô sụp đổ chỉ hai năm, một quan chức cấp cao, từng phụ trách mảng báo chí, tư tưởng của nhà nước Xô Viết phát biểu rằng, các ấn phẩm xuất bản đến tay bạn đọc, đặc biệt là đến với lực lượng vũ trang Xô Viết chứa nhiều “vi trùng”. Ông còn nói thêm, hàng chục triệu quân tinh nhuệ của Ðức không thắng nổi quân đội Xô Viết, nhưng ấn phẩm chứa “vi trùng” là một trong những nguyên nhân làm đội quân này mất phương hướng…

Bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật, thậm chí bịa đặt, đối với những người làm báo chính thống khó hay dễ?

Câu trả lời là không dễ nhưng cũng không phải quá khó đến mức không làm được. Khó là vì, có không ít cây bút “trên tuyến đầu chống đối chế độ” xuất thân là những nhà báo chuyên nghiệp. Những người khác, dù không làm báo chuyên nghiệp nhưng trước khi theo “chủ nghĩa xét lại” họ từng đảm trách một vị trí nào đó trong hệ thống, có người từng là chuyên gia đầu ngành thuộc một lĩnh vực nào đó.

Sòng phẳng, họ là người không phải không có trình độ, có nhiều người trình độ cao, được đào tạo bài bản. Vì thế, bác bỏ ý kiến, quan điểm của họ không phải chuyện đơn giản. Nhưng, điểm yếu của họ ở chỗ, để phục vụ cho mục đích cá nhân, nhiều khi họ bất chấp sự thật, nói sai sự thật khách quan.

Ðôi khi, qua các bài viết, họ thể hiện mình là một người tầm thường. Trong trường hợp này, những người làm báo chính thống cần lên tiếng, “điểm mặt” những thông tin sai trái đó.. Muốn bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, “nói phải củ cải cũng nghe”, người làm báo phải đọc nhiều, rất nhiều.

Không đọc, không nghiên cứu, không đối chiếu, không kiểm chứng thông tin, dứt khoát không thể bác bỏ được họ. Ðây vừa là đặc điểm vừa là yêu cầu số một đối với những người làm báo viết thể loại chính luận, vẫn quen gọi bằng cái tên “bút chiến”.

Bài bình luận, tranh luận khác hoàn toàn với thể loại tin tức hay phản ánh thuần tuý. Bởi vì, bình luận là sự kết hợp của nhiều yếu tố: nguồn tin đã được phối kiểm, góc nhìn (phong cách) của nhà báo, tri thức của nhà báo và quan điểm của tờ báo.

Bài bình luận là thể bài đứng trên sự kiện, soi rọi sự kiện chứ không phải đi tìm sự kiện xem có hay không. Người ta chỉ viết bình luận khi thông tin đã được khẳng định gần như chắc chắn. Không phải tự nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước sau như một luôn coi báo chí là một mặt trận. Cây bút, trang giấy có trở thành vũ khí sắc bén để “đập tan các luận điệu xuyên tạc, thù địch” hay không, còn phụ thuộc vào trình độ, ý thức trách nhiệm của những người làm báo.

Ðấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, bảo vệ sự thật còn một cái khó khác, như lời của một kỹ sư, một nhà văn đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh nhận định: “Cầm bút trong địa hạt này đôi khi như người đi giữa hai làn đạn”.

Ý muốn nói, khi bị vạch mặt, những người thiếu thiện chí, những thế lực hắc ám sẽ không thích, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng cả những người đang làm công tác trong lĩnh vực báo chí của Nhà nước hoặc quan chức biến chất, “tự diễn biến, tự chuyển hoá” cũng không mấy thiện cảm, thậm chí dùng những từ ngữ không thể nặng nề hơn đối với những ngòi bút viết chính luận. Ðây chính là loại người hai mặt.

Bên ngoài, trong công việc hằng ngày, họ ra vẻ tuân theo, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chủ trương đường lối, nhưng con người thật của họ không phải như vậy. Một bài viết đăng trên tạp chí Tuyên giáo điện tử cách nay vài ngày đã đề cập theo cách không né tránh câu chuyện này.

“Khi đề cập những nội dung liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội của nhà báo, của phóng viên, tại một số kỳ họp Quốc hội khoá XIV nhiều đại biểu cũng tỏ rõ sự bức xúc gay gắt về tình trạng nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để làm những điều trái pháp luật.

Có đại biểu Quốc hội gọi những nhà báo khi viết bài, sản xuất chương trình cho báo chí chính thống thì viết đúng, nói đúng quan điểm, tôn chỉ, mục đích; đúng với đường lối, chủ trương, chính sách, nhưng khi tham gia trên mạng xã hội thì lại nói sai, viết sai, bình luận trái, thậm chí bóp méo, xuyên tạc sự thật, đi ngược với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật Nhà nước là những “nhà báo hai mặt” - bài báo có đoạn.

Ðấu tranh với cái xấu, cho dù cái xấu xuất phát từ đâu, cũng là điều không hề dễ. Không phải tự nhiên, ngày 12.5.2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và chấn chỉnh hoạt đông, sai phạm trong hoạt động báo chí.

Chỉ thị 12 yêu cầu: “Tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc.

Các cơ quan báo chí chủ động thích ứng với các phương tiện truyền thông mới, đa dạng hoá phương thức và nội dung thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước; kết hợp chặt chẽ giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại trên báo chí và các phương tiện truyền thông phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân; bảo đảm lượng thông tin tốt, tích cực về đời sống xã hội là dòng chảy chính...”.

Nhớ không nhầm thì ngoài Luật Báo chí và các văn bản dưới luật, đây là lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị trực tiếp đối với cơ quan báo chí. Ðừng quên, không ai khác, chính lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người đầu tiên dùng ngòi bút của mình để công khai đòi quyền dân tộc tự quyết của nhân dân Việt Nam trên báo chí phương Tây.

VIỆT ÐÔNG

Tin liên quan