Đọc báo in
Tải ứng dụng
Những hiểm hoạ tai nạn giao thông
2013-07-12 05:19:00

“Đến hẹn lại lên”, hễ cứ đến mùa thu hoạch lúa là một số nông dân lại tận dụng lề đường làm “sân” phơi lúa. Đây rất có thể là những cái bẫy luôn rình rập gây hiểm họa cho người tham gia giao thông.

(BTNO)- Chạy dọc theo tuyến QL22B từ Tân Biên về Thị xã, những ngày này đang là mùa thu hoạch lúa của bà con nông dân. Sự tất bật trên ruộng đồng tạo ra một khung cảnh nhộn nhịp. Thế nhưng, bên cạnh niềm vui náo nức cho một mùa bội thu, lại là những nguy hiểm chực chờ cho nhiều người tham gia giao thông trên tuyến đường này.

Cái bẫy bên đường

Trên tuyến Quốc lộ 22B đoạn qua xã Mỏ Công (huyện Tân Biên), đoạn từ Trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu tới Trường mầm non Hoa Mai, một số nông dân vô tư biến lòng lề đường thành “sân phơi” lúa dài cả 200m, chiếm hết hơn 1/4 con đường. Chạy dài theo con đường, đoạn qua xã Trà Vong, rồi tới ngã 3 Vịnh về hướng xã Đồng Khởi, thấy nhan nhản những cảnh tượng tương tự. Không chỉ trên Quốc lộ 22B mà cả trên con đường Bourbon - chạy từ xã Tân Hưng (huyện Tân Châu) qua Mỏ Công (huyện Tân Biên), tại km 15 tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để phơi lúa còn phổ biến hơn. Họ phơi cả hai bên lề đường, thế nên mỗi khi xe tải chạy qua đều giảm ga, từ từ trườn bánh vì sợ cán phải lúa.

Phơi lúa tại km15, đường Bourbon hướng đi từ Tân Hưng (Tân Châu) sang Mỏ Công (Tân Biên).

Không chỉ dừng lại ở việc chiếm dụng lòng lề đường để làm sân phơi lúa, cách UBND xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành) hướng về Thị xã khoảng 500m (gần km 46 quốc lộ 22B) có một cơ sở chuyên cưa xẻ, gia công gỗ, những bìa cây gỗ dư thừa họ mang ra chất ngay sát mí đường với chiều cao khoảng hơn một mét và chiều dài cả hơn 100m trông thật chênh vênh. Những đống gỗ thừa này có thể đổ ra đường bất cứ lúc nào, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.

Ông T., một nông dân phơi lúa trên đường tại xã Mỏ Công (huyện Tân Biên) nói: Biết là phơi lúa như thế này là rất nguy hiểm. Nhưng vì mỗi khi thu hoạch, lượng lúa khá nhiều, ở nhà không có chỗ nào phơi, đành “làm liều” phơi ngoài đường. “Chiều thương lái đến cân lúa, mình cân luôn cho họ cũng tiện, không phải mất công chi phí vận chuyển về nhà”- ông T. phân trần.

Còn một nông dân phơi lúa gần ngã ba Vịnh thì bảo “Không phơi đây biết phơi đâu bây giờ? Đang là mùa mưa, đâu phải nhà ai cũng có lò sấy, tranh thủ nắng, phơi được lúc nào hay lúc đó”.

Những bìa gỗ dư thừa được chất đống ngay sát mí đường

Chính quyền xã nói gì?

Ông Trần Rạng Đông – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Khởi cho biết: Xã đã nhiều lần ra quân dẹp vi phạm lấn chiếm lòng, lề đường, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Còn đối với cơ sở cưa xẻ gỗ nói trên, UBND xã cũng đã nhiều lần đến xử lý và mời chủ cơ sở này lên UBND xã làm cam kết không tái phạm, nhưng khối lượng cưa xẻ của cơ sở này lớn nên những vỏ bìa gỗ tạp vẫn cứ tràn ra lề đường. Vài hôm họ chuyển đi, vài hôm lại “mọc” lên như cũ. Do chưa có sự phối hợp liên ngành thường xuyên và liên tục nên việc cưỡng chế hay xử lý dứt điểm là một việc vô cùng khó. Vì vậy, để giảm bớt tình trạng này, xã thường xuyên tuyên truyền, thuyết phục bà con không nên lấn chiếm lòng lề đường, phơi lúa trên các tuyến đường, vì nó có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. 

Thiết nghĩ, các địa phương cần có biện pháp xử lý nghiêm để tình trạng lấn chiếm lòng lề đường không còn tái diễn, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Hoa Lư

Từ khóa:
Tin liên quan