Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Những mối hoạ của dòng sông
Thứ hai: 05:46 ngày 24/07/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Có ai ngờ chiếc ghe cỡ trung bình đang chầm chậm ngược dòng kia lại là một “sát thủ” của dòng sông. Dân Bến Đình bảo đấy là chiếc ghe cào, đang đánh bắt cá theo kiểu tận diệt các loài thuỷ sản.

Chiếc ghe cào đang hoạt động.

Tôi có mặt ở Bến Đình (xã Trường Tây, huyện Hoà Thành) sau bão số 2 một ngày. Dù qua mấy ngày đêm mưa lớn, nước sông Vàm Cỏ Đông vẫn êm trôi bình thản.

Đang lúc nước ròng, mặt sông ửng hồng loáng thoáng lục bình trôi. Một ngày bình thường như mọi ngày. Dăm bảy người đứng, ngồi chờ đợi. Vài người đi câu. Thỉnh thoảng lại có một chiếc xuồng con rời bến hay ghé bến. Phần nhiều là kiểu xuồng dài ở miền Tây- thường gọi là vỏ lãi bằng nhựa composite thon thả gọn gàng 2 màu xanh trắng.

Cậu bé 15 tuổi tôi quen cũng vừa mới cập bờ. Cậu đưa lên cho mẹ một mớ cá trắng vảy bạc còn lấp lánh. Bác thợ câu chọn chỗ câu trên chiếc phà vuông vẫn chưa câu được con nào. Bác bảo, có thể được cá lăng, tra, trê… và nếu may thì gặp cả cá leo. Một cậu thanh niên quen lại vừa cập bến.

Cậu chăn vịt bên kia sông thuộc xã Long Vĩnh, cứ phải dùng ghe qua lại mấy lần trong ngày để chăm lo cho vịt. Dường như tuổi trẻ ở bến sông này đều chăm chỉ làm ăn.

Một ngày thường. Bến sông thong thả và thơ mộng. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xuồng rú ga tung toé nước vun vút giữa dòng. Lại thỉnh thoảng, một chiếc ghe bầu lặc lè chầm chậm xuôi theo con nước. Bác thợ câu bảo: dạo này đã bớt nhiều cái gọi là vấn nạn lục bình. Chẳng biết là do dự án vớt lục bình hiệu quả, hay do nước sông đã sạch trong hơn. Do vậy mà cá tôm cũng đã trở lại nhiều.

Nhưng! Mối hoạ cho dòng sông thì vẫn còn kia. Thôi chẳng dám nói những mối hoạ lớn mà dòng Vàm Cỏ Đông đã từng chịu đựng. Như hoạ khai thác cát làm xói lở bờ sông, hay hoạ ô nhiễm môi trường nước do các nhà máy ở thượng nguồn gây ra mà báo chí đã nêu. Chỉ xin kể những mối hoạ nhỏ hơn nhưng nếu không chặn kịp thời thì có thể thành hoạ lớn.

Có ai ngờ chiếc ghe cỡ trung bình đang chầm chậm ngược dòng kia lại là một “sát thủ” của dòng sông. Dân Bến Đình bảo đấy là chiếc ghe cào, đang đánh bắt cá theo kiểu tận diệt các loài thuỷ sản.

Hiện ở đoạn sông từ Trường Đông trở xuống Bến Kéo, Long Thành Nam có 4-5 chiếc cỡ này. Ghe gỗ, có buồng lái sơn xanh và mũi đỏ vẽ hai con mắt tròn thô lố. Chúng chỉ khác thuyền ghe khác là không biển số. Chúng hoạt động trên sông đã mấy tuần nay.

Khi bắt cá, chúng trải theo sau ghe một tấm lưới dài vài chục mét và cứ thế kéo đi trên một vệt sông dài. Không loại trừ ghe ấy có cả hệ thống kích điện làm tê liệt mọi loài, lớn bé đều dính lưới. Cứ thế, chúng quần thảo xuôi ngược dòng sông. Cứ mươi phút kéo lưới một lần, được chừng 50 ký cá tôm đủ loại.

Mà kỳ nhé!- một bác nông dân bảo. Ở dưới Long Thành Nam thì xã đã cấm, nên giờ chúng chủ yếu quần thảo ở đoạn sông, bên này là xã Trường Tây, huyện Hoà Thành, bên kia xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành. Tôi hỏi: liệu xã có biết không? Trả lời: biết cả đấy nhưng… chưa thấy làm gì hết.  

Mối hoạ thứ hai là sinh vật ngoại lai. Trên bờ, trước nhà ông Tới ở ngay bến sông, thấy vứt chỏng chơ vài bao dứa. Đầy nhóc trong bao và cả nền đất bên ngoài là những con cá đen đúa, vằn vện và gai góc đầy mình.

Thì ra, đây là loại cá lau kính, người ta du nhập về thả làm sạch bể cá từ mười mấy năm về trước. Nay chúng đã thoát ra sông rạch, rồi sinh đàn đẻ đống làm thành một mối hoạ cho sông.

Cùng với chúng còn có ốc bươu vàng, cũng là một sinh vật ngoại lai mà người ta từng diệt trừ bằng nhiều cách rồi, song vẫn tràn lan, ở đâu cũng gặp. Mớ cá được cho vào bao dứa là để tìm chỗ vứt đi, chứ đến vịt cũng chả thèm ăn- chị chủ nhà bảo thế.

Bác thợ câu bổ sung: giống cá này đầy nhóc trong rạch Tây Ninh, quăng mẻ lưới nào cũng gặp. Còn một tác hại nữa của cá lau kính là nó đào hầm hố kiểu hàm ếch dọc bờ sông. Vậy nên bờ sông sạt lở cũng có một phần vì nó.

Mối hoạ thứ ba, dĩ nhiên là rác. Ngay cạnh Bến Đình thơ mộng là một đống rác lớn nằm ngay sau xí nghiệp gạch. Đấy là rác của những nhà dân ở mặt đường đưa xuống. Có lẽ người ta hy vọng, vứt đấy để khi nước lớn rác sẽ tự trôi đi.

Nhưng cả tháng rồi mà đống rác cứ mỗi ngày mỗi lớn thêm, khiến những nhà trên bến chịu cảnh sống cùng… mùi xú uế. Mà cứ vứt rác ở hẻm hóc thế này thì công ty nào biết mà dọn đi cho được. Vậy là thêm một mối hoạ cho sông, cho chính dòng động mạch chủ của miền đất Tây Ninh.

Bằng nhiều cố gắng của các cơ quan quản lý và dân cư sống ven sông, dòng Vàm Cỏ Đông nay đã tương đối sạch trong trở lại. Đó là nhờ những biện pháp ngăn ngừa, chống các mối hoạ lớn như đã kể. Thế còn những mối hoạ tạm coi là nhỏ hơn kia, ai sẽ giúp cho dòng sông đây? Không ai khác ngoài chính quyền và người dân các phường, xã ven sông.

N.Q.V

Tin liên quan