Đọc báo in
Tải ứng dụng
Những phiên toà day dứt…
2014-09-04 06:06:00

(BTNO) - Nguyên nhân tai nạn chủ yếu vẫn là điều khiển xe chuyển hướng thiếu quan sát, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, chạy lấn trái đường, vượt không đúng quy định, phóng xe từ đường nhánh ra đường chính thiếu quan sát…

Bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngẫn tại toà.

Ngay từ đầu năm 2014, Ban An toàn giao thông (ATGT) huyện Bến Cầu đã đề ra nhiều giải pháp tích cực nhằm kéo giảm tai nạn giao thông.

Theo đó, công tác tuyên truyền được tập trung chú trọng vào những nơi đông dân cư, công ty, xí nghiệp, trường học, chợ, nơi dễ nhìn thấy ở các ngả đường; dành nhiều thời lượng tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng; kết hợp lồng ghép tuyên truyền, chiếu phim, phát tài liệu vào các cuộc họp dân; tổ chức các hội thi, sáng tác tiểu phẩm về ATGT; đồng thời thông báo trên hệ thống loa truyền thanh huyện, xã, thị trấn các trường hợp vi phạm ATGT...

Song song đó, ngành chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, chú ý nơi thường xuyên xảy ra tai nạn nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là đối tượng đi xe mô tô, xe gắn máy đang chiếm mật độ, lưu lượng giao thông, cũng như tỷ lệ vi phạm rất cao trong huyện.

Tuy nhiên, qua 8 tháng năm 2014 tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn huyện Bến Cầu vẫn tăng cả 3 tiêu chí so với năm 2013. Trên đường bộ đã xảy ra 11 vụ, làm chết 10 người, bị thương 12 người, hầu hết đều do người điều khiển xe mô tô gây ra.

Nguyên nhân tai nạn chủ yếu vẫn là điều khiển xe chuyển hướng thiếu quan sát, điều khiển phương tiện khi đã uống rượu, bia, chạy lấn trái đường, vượt không đúng quy định, phóng xe từ đường nhánh ra đường chính thiếu quan sát…

Đáng chú ý có 2/11 vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển xe mô tô không có giấy phép lái xe, chạy từ đường nhánh ra đường chính thiếu quan sát làm chết 2 người.

Hai phiên toà hình sự xét xử 2 vụ này cho thấy, bản án không chỉ là nỗi day dứt đối với bị cáo, tức người gây tai nạn, mà còn khiến cho nhiều người có mặt trong phòng xử án, thân nhân, gia đình bên bị hại, bên gây tai nạn và cả hội đồng xét xử cũng cảm thấy xót xa.

Phiên toà thứ nhất xét xử bị cáo Đỗ Văn Phương (SN 1996, ngụ tại xã Long Khánh) là người chưa có giấy phép lái xe mô tô theo quy định. Theo hồ sơ vụ án, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 23.5.2014, Đỗ Văn Phương điều khiển xe mô tô biển số 70K2-1002 của gia đình lưu thông trên đường liên xã từ Long Khánh đi Long Giang, khi đến khu vực ấp Long Thịnh, xã Long Khánh do không quan sát phía trước nên đã đụng vào phía sau xe đạp do ông Nguyễn Văn Chiến điều khiển đang đi cùng chiều gây ra tai nạn, làm ông Chiến chấn thương nặng và đã chết tại Trung tâm Y tế huyện Bến Cầu.

Phiên toà thứ hai xét xử bị cáo Nguyễn Thị Kim Ngẫn (SN 1989, ngụ tại xã Tiên Thuận), cũng chưa có giấy phép lái xe mô tô nhưng vẫn điều khiển xe biển số 70C1-08366 từ đường nhánh ra đường tỉnh 786, đoạn gần tiệm đồ gỗ Hai Quế, khu phố 4, thị trấn Bến Cầu.

Do không quan sát, không nhường đường cho xe mô tô đang lưu thông trên đường ưu tiên, đã gây ra tai nạn giao thông làm bà Nguyễn Thị Nết ở xã Long Chữ chết vì chấn thương sọ não.

Dù gia đình Đỗ Văn Phương đã bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Chiến số tiền 63 triệu đồng và gia đình Nguyễn Thị Kim Ngẫn đã bồi thường cho gia đình nạn nhân Nguyễn Thị Nết số tiền 50 triệu đồng để lo hậu sự mai táng; đồng thời cả 2 gia đình nạn nhân đều có đơn yêu cầu bãi nại không đòi bồi thường gì khác, nhưng Toà án nhân nhân huyện Bến Cầu vẫn đưa vụ án ra xét xử theo luật định, tuyên phạt bị cáo Phương 2 năm 6 tháng tù và bị cáo Ngẫn 2 năm tù.

Hai phiên toà xét xử 2 bị cáo cùng một tội danh, cùng có khung hình phạt từ 3 đến 10 năm tù, dành cho những ai không có giấy phép lái xe mô tô mà sử dụng xe mô tô gây tai nạn chết người. Trong đó đáng lưu ý là bị cáo Ngẫn đang có con nhỏ.

Hội đồng xét xử nhận định, do chủ quan, xem thường việc pháp luật quy định người điểu khiển mô tô phải có giấy phép lái xe, nên dù chưa có giấy phép lái xe, 2 bị cáo vẫn vô tư điều khiển xe mô tô, lại thiếu chú ý quan sát phía trước, đã gây ra tai nạn giao thông làm chết người. Biết rằng tai nạn xảy ra là ngoài ý muốn, là do sự vô ý của người gây tai nạn, nhưng hành vi của các bị cáo đã để lại hậu quả rất nghiêm trọng, làm mất đi tính mạng người khác, gieo đau thương, mất mát không gì bù đắp nổi cho gia đình bị hại, đồng thời làm ảnh hưởng đến chính bản thân cùng gia đình bị cáo và trật tự an toàn xã hội.

Trước toà 2 bị cáo tỏ ra ăn năn, thành khẩn nhận tội hoàn toàn về cái chết của nạn nhân. Hai bị cáo cũng đã “biện hộ” cho mình là do suy nghĩ đơn giản, mặt khác phải lo cho việc kiếm sống hằng ngày, cũng như gia đình không ai nhắc nhở, nên dù có điều kiện vẫn không nghĩ đến việc học thi lấy giấy phép lái xe, từ đó hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ hạn chế... Nhưng điều biện bạch này vẫn không thuyết phục được Hội đồng xét xử, cũng như những người dự khán phiên toà, và vì thế hai bị cáo đã phải nhận lãnh sự trừng phạt của pháp luật.

Mặc dù gia đình bị hại xin giảm nhẹ mức án, đề nghị Toà xử án treo cho các bị cáo, đồng thời còn có nhiều tình tiết giảm nhẹ khác theo quy định, nhưng cũng không thể làm thay đổi sự phán xét đúng theo pháp luật.

Tại phiên toà Hội đồng xét xử đã phân tích sâu từ hai chữ “giá như”. Vâng, giá như hai bị cáo chấp hành tốt pháp luật về an toàn giao thông, mà cụ thể là nghiêm túc đi học, thi lấy giấy phép lái xe mô tô, thì khi “lỡ” gây ra tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng, cũng sẽ có khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm tù.

Người dự khán phiên toà, và có lẽ cả Hội đồng xét xử, cũng cảm thấy đau lòng khi biết rằng ngày bị cáo Ngẫn ra toà lãnh án cũng là ngày con của bị cáo đến trường học năm đầu tiên, nhưng không có mẹ đi cùng.

Biết làm sao được dù có day dứt thương tình đối với hoàn cảnh của mỗi bị cáo, nhưng “luật là luật”, phải xử lý nghiêm để giáo dục, răn đe, phòng ngừa chung cho mọi người tham gia giao thông, làm sao để mọi người luôn có ý thức chấp hành Luật Giao thông, ứng xử đúng văn hoá giao thông để bảo vệ an toàn trước hết cho chính mình và cho người đồng hành… Án đã tuyên, phiên toà kết thúc, cả phòng xử án lặng thinh, sự im lặng day dứt trong lòng mọi người.

Đây là hồi chuông cảnh báo cho mọi người khi tham gia giao thông, nhất là giao thông đường bộ bằng xe mô tô phải học, thi lấy “giấy phép lái xe mô tô” để giúp cho mình có hiểu biết, kiến thức về ATGT. Là huyện nông thôn biên giới, Bến Cầu có nhiều người sử dụng xe mô tô làm phương tiện đi lại, nhưng chắc chắn không phải tất cả đều có đủ giấy phép lái xe. Thế nên các ngành chức năng cần tiếp tục kiểm tra xử lý thực trạng này một cách kiên quyết nhất.

HÙNG – DŨNG

Từ khóa:
Tin liên quan