Đọc báo in
Tải ứng dụng
Nông dân tự làm thuỷ lợi nhỏ
2018-06-25 12:22:32

Hiện nay, sau nhiều cơn mưa lớn đầu mùa, cánh đồng hai bên miệng cống trên không còn bị ngập úng. Đó là hiệu quả của công trình thuỷ lợi nhỏ, do một nông dân tự làm ở miệng cống phía dưới.

Ông Phạm Văn Bun (bên phải) và Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thạnh bên bờ kè phía trước miệng cống bên phần ruộng của ông.

Xã Phước Thạnh (Gò Dầu) có một con đường liên ấp đã được nhựa hoá khá lâu. Trên con đường này, ở giữa cánh đồng thuộc địa bàn hai ấp Phước Hội B và Phước Tây có một cống thoát nước qua đường.

Những năm trước đây, mỗi khi mưa lớn kéo dài, cánh đồng phía trên (phía Đông), cũng như phía dưới (phía Tây) miệng cống đều bị ngập nước cả tuần lễ, do cánh đồng phía trên miệng cống là cái túi chứa nước từ nhiều vùng cao đổ dồn về. Trong khi đó, con kênh tiêu thoát nước phía dưới miệng cống lại nhỏ hẹp và bị bồi lắng. 

Tuy nhiên, hiện nay, sau nhiều cơn mưa lớn đầu mùa, cánh đồng hai bên miệng cống trên không còn bị ngập úng. Đó là hiệu quả của công trình thuỷ lợi nhỏ, do một nông dân tự làm ở miệng cống phía dưới.

Ông Phạm Văn Bun (sinh năm 1969) nhà ở ấp Phước Hội A, có 2 ha ruộng thuộc cánh đồng ấp Phước Tây, ngay phía dưới miệng cống. Để ngăn nước từ miệng cống tràn vào ruộng mình, đầu năm 2018, ông cho xây một “bờ kè” hình vòng cung dài 20m, cao 4m bên phần ruộng của ông, gần chỗ miệng cống. Đồng thời, ông thuê máy đào vét lòng kênh tiêu sâu xuống 1m, dài khoảng 300m, chi phí đầu tư hơn 11 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Khuyến- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thạnh cho biết, việc làm của ông Bun được chính quyền địa phương và Hội Nông dân xã hoan nghênh, giúp nông dân trong vùng sản xuất thuận lợi hơn.

Tuy nhiên, việc nạo vét kênh của ông Bun cũng chỉ ở phạm vi nhỏ hẹp. Để cho cánh đồng ở khu vực thuộc hai ấp Phước Tây và Phước Hội B tiêu thoát nước nhanh, nông dân sản xuất thuận lợi hơn, cần có sự đầu tư của Nhà nước và sự hưởng ứng của nông dân (đóng góp đất đai) làm một con kênh tiêu phù hợp.   

D.H

Tin liên quan