Đọc báo in
Tải ứng dụng
Phòng, chống ngập vào mùa mưa- cần sự hợp tác của người dân
2024-06-24 14:31:43

Người dân yêu cầu các ngành, các cấp có giải pháp phòng, chống ngập cho năm nay và các năm tiếp theo.

Thời điểm này, trên toàn tỉnh chưa có khu vực nào bị ngập úng nhiều ngày. Nhưng cử tri ở những khu vực từng bị ngập trong mùa mưa năm trước vẫn lo lắng về khả năng tái ngập. Người dân yêu cầu các ngành, các cấp có giải pháp phòng, chống ngập cho năm nay và các năm tiếp theo.

Lực lượng chức năng giăng dây cảnh báo nguy cơ mất an toàn giao thông khi ngập.

Huyện Tân Châu: Nỗi lo tái ngập

Xã Tân Đông, huyện Tân Châu là một trong những nơi thường xuyên bị ngập. Năm 2023, tại khu dân cư các ấp Đông Hiệp, Đông Thành, Đông Tiến và khu vực Trường THCS Tân Đông thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa to, gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến đời sống người dân. 

Bà Đặng Thị Trúc Linh, ngụ ấp Đông Hiệp, xã Tân Đông kể: “Mùa mưa năm ngoái, nước ngập nhà. Gia đình tôi có khoảng 100 con gà bị chết. Nước ngập còn gây ô nhiễm môi trường và khiến việc đi lại hết sức khó khăn”. Ông Trần Văn Dân- Trưởng Ban quản lý ấp Đông Hiệp, xã Tân Đông cho biết, từ năm 1973 đến nay không ai nạo vét con suối Tà Béc nên mùa mưa, nước từ thượng nguồn Campuchia đổ về gây tình trạng ngập úng kéo dài nhiều ngày. Mùa mưa năm 2023, có 50 hộ dân bị thiệt hại mì, mía, gia cầm. “Mỗi năm bị ngập 2-3 đợt. Khi nước lên, người dân trở tay không kịp, nhiều đàn heo, gà không chạy được, sau một đêm là mất hết. Rất tội cho bà con”- ông Dân nói.

Nước ngập không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn ảnh hưởng đến việc dạy và học của Trường THCS Tân Đông. Theo lời thầy Ngô Văn Thanh- Hiệu trưởng Trường THCS Tân Đông, hằng năm cứ vào cao điểm mùa mưa, nước sẽ dâng lên khu vực xung quanh nhà trường. Khi bị ngập nhiều, trường phải cho các em học sinh tạm nghỉ học. Thầy Thanh đề nghị: “Để bảo đảm an toàn trong năm học mới, đề nghị các cấp lãnh đạo có kế hoạch nạo vét suối Tà Béc, tránh gây nguy hiểm cho học sinh và người dân”.

Ngập sân bóng đá xã Tân Đông.

Ông Liêu Hồng Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Đông thông tin, tình trạng ngập úng cục bộ trên địa bàn xã diễn ra hằng năm, cao điểm năm 2022 ngập hơn 100 ha sản xuất, 50 hộ dân bị ảnh hưởng. Có những nơi nước ngập sâu từ 0,5-1m, có hộ bị ngập 1,5m, đất sản xuất ngập 0,5-1m. Nước ngập từ 5-7 ngày mới rút dần gây khó khăn cho việc đi lại và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Những lúc cao điểm, địa phương phải chỉ đạo lực lượng chức năng dùng xe ba gác và xe bán tải đưa các cháu vào trường. Khi nước lên cao quá, trường phải cho các cháu nghỉ học.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Cương- Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Châu chia sẻ, khi xảy ra ngập cục bộ, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện chỉ đạo cấp xã thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, di dời tài sản, vật nuôi của người dân đến điểm an toàn. Các tuyến đường bị ngập, địa phương huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ, hướng dẫn người dân để bảo đảm an toàn. Đối với xã, địa phương tập trung giải pháp chính là vận động người dân hai bên suối dọn dẹp cành nhánh cây gây cản trở dòng chảy các con suối.

UBND huyện đã có tờ trình trình UBND tỉnh và Sở NN&PTNT xem xét, có kế hoạch nạo vét hệ thống suối Tà Béc. UBND tỉnh giao lại địa phương tự bố trí kinh phí xử lý các điểm ngập úng cục bộ. UBND huyện Tân Châu đã khảo sát thực tế và khái toán kinh phí nạo vét công trình. Nhưng do tổng mức dự toán quá lớn- khoảng 38 tỷ đồng, vượt quá khả năng cân đối vốn của huyện. Nguồn vốn lớn như vậy, địa phương khó có thể bố trí được. Huyện kiến nghị UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư công giai đoạn tiếp theo. Trong thời gian chờ kinh phí, nguy cơ tái ngập ở khu vực xã Tân Đông là rất cao. Ngoài xã Tân Đông, trên địa bàn huyện Tân Châu còn một số khu vực (xã Tân Hội, Tân Hà) thường xuyên bị ngập cục bộ trong mùa mưa, ảnh hưởng đến 200-300 ha sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, tình hình không nghiêm trọng như tại xã Tân Đông.

Huyện Dương Minh Châu: Xử lý được 4 điểm ngập

Trong năm 2023, cử tri huyện Dương Minh Châu phản ánh tình trạng ngập úng cục bộ tại 6 khu vực. Đến nay, UBND huyện đã xử lý dứt điểm 4 điểm ngập, chống tái ngập trong năm 2024. Hai điểm ngập còn lại là khu vực ấp 1, xã Bến Củi và ven đường ĐT.784, từ kênh TN5 đến Bàu Cốp. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sang- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Dương Minh Châu cho biết, UBND huyện đã làm văn bản kiến nghị đến UBND tỉnh, Sở NN&PTNT để có tính toán dự kiến nguồn kinh phí phân khai nhằm khắc phục triệt để 2 khu vực bị ngập nêu trên.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn huyện phát sinh một số điểm mới có nguy cơ ngập khi vào cao điểm mùa mưa.

Lực lượng chức năng giúp người dân xã Tân Đông di dời vật nuôi ra khỏi vùng bị ngập.

Bà Sang cho biết, trước mùa mưa năm 2024, Phòng NN&PTNT huyện đã có khảo sát, đánh giá tình hình tại một số khu vực có nguy cơ ngập úng cục bộ. Theo đó, phát sinh 6 khu vực có nguy cơ bị ngập úng cục bộ trong mùa mưa năm nay. Các khu vực này nằm ở một số ấp thuộc các xã Suối Đá, Cầu Khởi, Lộc Ninh, Bàu Năng và Bến Củi. Nhiều hộ dân sống trong khu vực và trên 1.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã có địa phương bị ngập úng tuyên truyền người dân khai thông cống rãnh, phát quang cây cỏ, góp phần giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ.

Thị xã Trảng Bàng: Các điểm ngập đã và đang được khắc phục

Trong năm 2022 và 2023, cử tri thị xã Trảng Bàng cũng đã phản ánh, kiến nghị về một số khu vực ngập úng cục bộ trong đô thị, đặc biệt là những khu vực trũng thấp trên tuyến đường quốc lộ 22B. Đến nay, các điểm này đã cơ bản được khắc phục. Ông Trần Thông Trực- Trưởng Phòng Quản lý đô thị thị xã Trảng Bàng cho biết, cơ bản năm 2023 đã xử lý các điểm ngập úng cục bộ. Sang năm 2024, ngay từ đầu năm, UBND Thị xã đã chỉ đạo cho Phòng tiến hành rà soát các kênh mương cống rãnh có khả năng bị ngập úng. Thực hiện chỉ đạo, Phòng khảo sát, trước mắt xử lý khu vực nội thị (các phường Trảng Bàng, An Hoà, An Tịnh), cơ bản không còn ngập nữa.

Tuy nhiên, ông Trực cho hay, năm nay trên địa bàn Thị xã phát sinh 3 điểm mới có nguy cơ ngập úng: tuyến đường Lò Rèn 1, Lò Rèn 2, giáp ranh phường Gia Lộc và phường Trảng Bàng. Hiện nay, hai bên những tuyến đường này chưa được lắp đặt cống thoát nước. Trước đây, nước được thoát ra ruộng của người dân. Gần đây, do nhu cầu xây dựng tăng cao, người dân xây nhà san sát, cao hơn mặt đường, nước mưa và nước sinh hoạt không có chỗ thoát nên hễ mưa là khu vực này lại ngập. Thị xã đang nỗ lực giải quyết điểm ngập này. Phòng đã cho kiểm tra, xử lý xong khu vực phường Trảng Bàng. UBND phường Gia Lộc tổ chức vận động và được sự đồng tình của bà con, sẽ sớm đào mương để thoát nước.

Ngoài ra, khu vực Suối Ràng thuộc địa phận phường Lộc Hưng cũng có nguy cơ bị ngập do cửa cống thoát nước của suối bị tắc nghẽn. Khu vực này từng bị ngập trên diện rộng trong thời điểm các cơn mưa lớn đầu mùa trút xuống, gây ngập úng nhiều diện tích hoa màu, nhà ở của người dân, trong đó có một trang trại nuôi cá sấu quy mô lớn. Phòng Quản lý đô thị đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng và UBND phường Lộc Hưng tham mưu UBND Thị xã có chỉ đạo xử lý. UBND phường Lộc Hưng đang tiến hành nạo vét lòng suối, sắp tới sẽ xử lý cửa xả cống. Dự kiến sẽ hoàn thành việc nạo vét vào cuối tháng 6 để người dân yên tâm sản xuất.

Trong khi chờ địa phương khắc phục các điểm ngập, người dân hãy cùng góp sức để chống ngập tại khu vực mình sinh sống như không vứt rác bừa bãi xuống các cống thoát nước, đặc biệt là các khu vực nội thị; hợp tác với địa phương trong nạo vét, xử lý kênh mương, thi công lắp đặt các công trình thoát nước.

Đại Dương

Tin liên quan