Đọc báo in
Tải ứng dụng
Quan hệ Việt - Mỹ 'đang mang tầm Đối tác Chiến lược'
2020-07-12 08:16:14

Hợp tác Việt - Mỹ đang mang tầm chiến lược, xét trên các khía cạnh kinh tế, an ninh - quốc phòng và mang lại hòa bình, ổn định cho khu vực, các chuyên gia đánh giá.

"So với hợp tác của Việt Nam và các đối tác chiến lược chính thức, hợp tác Việt - Mỹ nhìn chung tương đương. Do đó có thể coi mối quan hệ này thực chất là ở mức Đối tác chiến lược, dù tên gọi hiện là Đối tác toàn diện", Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, trao đổi với VnExpress nhân dịp Việt Nam và Mỹ kỷ niệm 25 năm bình thường hoá quan hệ ngoại giao.

Sau ngày 11/7/1995, khi Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, chấm dứt nhiều thập kỷ thù địch, quan hệ hai bên đã có nhiều tiến triển vượt trội trên nhiều lĩnh vực.

Về kinh tế, Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, còn Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu có mức tăng trưởng cao nhất của Mỹ. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng vọt từ mức 450 triệu USD năm 1994 lên 77 tỷ USD năm 2019.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau ở Hà Nội ngày 27/2/2019. Ảnh: AFP.

Hợp tác an ninh, quốc phòng, giữa hai nước, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh hàng hải, phát triển mạnh mẽ trong 25 năm qua. Mỹ năm 2016 dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam và đã chuyển giao tàu tuần duyên USCGC Morgenthau cho Cảnh sát Biển Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch chuyển giao tiếp tàu tuần tra thứ hai.

Mỹ cũng tăng cường đào tạo nhân lực cho Việt Nam với chương trình huấn luyện phi công. Cuối tháng 5/2019, Thượng uý Đặng Đức Toại ngày 31/5 trở thành phi công quân sự Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp khóa đào tạo trong Chương trình Lãnh đạo Hàng không (ALP) của không quân Mỹ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson năm 2018 cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, đánh dấu lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam trong hơn 40 năm. Hồi tháng 3, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của hải quân Mỹ tiếp tục đến thăm Việt Nam.

Giáo sư Vuving cho biết thỏa thuận cử tàu sân bay tới thăm Việt Nam được đưa ra từ thời chính quyền Obama và vẫn được duy trì, coi trọng thời Trump, cho thấy ý nghĩa mang tính biểu tượng rất lớn về sự gia tăng hợp tác quốc phòng của hai bên, đặc biệt là sự tương đồng lợi ích tại khu vực Biển Đông. Các chuyến thăm cũng có thể là bước thăm dò để tiến tới thoả thuận Việt Nam cho phép tàu sân bay Mỹ tiếp cận một số cảng thường xuyên hơn.

"Nếu tàu chiến và máy bay Mỹ có thể thường xuyên tiếp cận một số vị trí chiến lược ven Biển Đông của Việt Nam và Philippines, Trung Quốc sẽ mất dần lợi thế của các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp trái phép ở vùng biển này", ông Vuving nói.

Trung Quốc trong nhiều năm qua đã cải tạo, quân sự hóa phi pháp các đảo nhân tạo ở Biển Đông và tăng cường các hoạt động đòi chủ quyền trái luật pháp quốc tế ở khu vực này. Hải quân Mỹ đã thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải và diễn tập trên Biển Đông nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Một điểm nổi trội nữa trong quan hệ Việt - Mỹ là các chuyến thăm cấp cao nhộn nhịp trong 5 năm qua, không chỉ mang ý nghĩa với hợp tác song phương mà còn mang thông điệp lớn với khu vực. Tháng 7/2015, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng lần đầu đến thăm chính thức Mỹ, gặp Tổng thống Obama tại Nhà Trắng. Gần một năm sau, Tổng thống Obama đến thăm Việt Nam.

Tháng 5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên đến thăm Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Tổng thống Trump sau đó đến Việt Nam dự Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2017 và trở lại vào năm 2019 để gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội.

Theo Giáo sư Vuving, thành tựu lớn nhất trong quan hệ Việt - Mỹ 25 năm qua là chuyển từ thù thành bạn. Đây là kết quả của cả một quá trình không chóng vánh, cũng không hoàn toàn suôn sẻ. Ông Vuving cho rằng quan hệ hai nước chỉ thực sự bình thường hoá khi Mỹ tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào 2016.

"Điều thú vị là ở Mỹ, nhiều người trong chính giới đang coi Việt Nam như một đồng minh chiến lược quan trọng ở châu Á. Điều này tương phản với tình hình cách đây 25 năm, khi nhiều chính khách Mỹ coi Việt Nam là một nước thù địch", ông nói.

Là người quan sát hợp tác Việt - Mỹ lâu năm, Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng thành quả lớn nhất của hai nước đến nay là thiết lập được khuôn khổ Đối tác Toàn diện từ năm 2013.

"Khuôn khổ này bao trùm 9 lĩnh vực hợp tác và mở ra cơ chế họp ngoại trưởng hàng năm để đánh giá tiến triển và đưa ra các mục tiêu mới", Thayer nói.

Việt - Mỹ giải toả được nghi vấn về người Mỹ mất tích sau chiến tranh (MIA), từng là "nút thắt" trong tiến trình bình thường hoá quan hệ hai bên. Hiện Việt Nam đã hỗ trợ tìm kiếm được 770 hài cốt lính Mỹ mất tích. Hai cựu thù cũng chung tay giải quyết vấn đề chất độc da cam dioxin, khi Mỹ tài trợ để Việt Nam hỗ trợ các nạn nhân và tẩy độc sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà.

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (phải) và Tổng thống Mỹ Trump tại Hà Nội tháng 2/2019. Ảnh:Ngọc Thành.

Giáo sư Thayer cho biết ở phạm vi lớn hơn, các tài liệu chính về quốc phòng - an ninh được chính quyền Trump phê chuẩn như Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ, Chiến lược Quốc phòng quốc gia Mỹ và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đều coi Việt Nam là đối tác chiến lược ưu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỹ đã tăng cường hỗ trợ Việt Nam để nâng cao năng lực và nhận thức để góp phần bảo đảm an ninh trên biển. Về phía mình, Việt Nam ủng hộ các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải và đóng góp của hải quân Mỹ với hòa bình, ổn định và an ninh khu vực.

"Chính các hành động của Trung Quốc đã khiến lợi ích chiến lược của các nước trở nên tương đồng trong việc duy trì ổn định và hoà bình trên biển ở Đông Nam Á", giáo sư Thayer nói.

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh chiến lược, Giáo sư Vuving cho rằng áp lực "chọn bên" đối với các quốc gia trong khu vực sẽ ngày càng tăng.

"Do đặc điểm về vị trí địa chính trị và kinh nghiệm lịch sử khác nhau, một số nước ASEAN sẽ ngả về phía Trung Quốc, một số ngả về Mỹ, số khác sẽ uốn lượn như cây tre, tuỳ thời thế và tình hình bên trong", Vuving nhận định.

Giáo sư Thayer đánh giá Việt Nam đã nỗ lực để tránh chọn bên bằng 4 phương cách chính. Theo đó, Hà Nội thông qua các chính sách đối nội và đối ngoại giúp tăng cường sự ổn định của hệ thống chính trị và thống nhất quốc gia. Việt Nam dần trở nên tự lực trong quốc phòng, thông qua hiện đại hoá lực lượng vũ trang.

Hà Nội thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với 14 đối tác chính để đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ ngoại giao, không bị phụ thuộc vào bên nào. Cuối cùng, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề an ninh khu vực.

Trong bối cảnh thế giới chao đảo vì Covid-19, ông Vuving cho rằng một số nước, đặc biệt là Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, đã thấy rõ "sự phụ thuộc chết người" vào thị trường Trung Quốc và quyết tâm thay đổi điều này.

Mỹ đã khởi xướng sáng kiến Mạng lưới Thịnh vượng kinh tế (Economic Prosperity Network) trong khu vực để cắt bỏ sự lệ thuộc vào thương mại của Trung Quốc. Mỹ cũng đề xuất mở rộng Bộ Tứ, gồm 4 nước Mỹ, Nhật, Ấn, Australia, mời thêm Việt Nam, Hàn Quốc và New Zealand tham gia. Với hai sáng kiến này, Việt Nam là một trong 6 nước trong khu vực được Mỹ tham khảo ý kiến đầu tiên và đặt nhiều kỳ vọng để chuyển hướng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên khía cạnh địa chính trị, khi Trung Quốc gia tăng gây hấn ở châu Á, ông Vuving cho rằng Mỹ đã có những động thái phản đối mạnh hơn trước, thể hiện sự đoàn kết với các nước bị bắt nạt. Washington đã gửi Công thư đến Liên Hợp Quốc, phản đối yêu sách "Đường lưỡi bò" Trung Quốc đơn phương đưa ra, điều hai tàu sân bay cùng diễn tập trên Biển Đông khi Trung Quốc tập trận trái phép ở Hoàng Sa.

Giáo sư Vuving cho rằng hợp tác Việt - Mỹ trong thời gian tới sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong chuyển hướng chuỗi cung ứng hàng hoá và an ninh quốc phòng ở Biển Đông.

Đề cập đến tương lai quan hệ Việt - Mỹ, giáo sư Thayer kỳ vọng hai nước khôi phục thảo luận để đạt được khuôn khổ Đối tác Chiến lược vào 2021. Điều này có thể khả thi sau khi Mỹ tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 11, Việt Nam cũng tổ chức Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm sau.

Theo Thayer, dù Tổng thống Mỹ tiếp theo là Trump hay ứng viên Joe Biden của đảng Dân chủ, Mỹ sẽ vẫn tiếp tục coi Việt Nam là một đối tác chiến lược quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong bối cảnh Washington sẽ tăng cường nỗ lực để giữ cho Biển Đông "mở và tự do".

Đồng tình với nhận định này, Giáo sư Vuving đánh giá bất cứ đại diện của đảng nào, Dân chủ hay Cộng hòa, giành chiến thắng, quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

"Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ đã là sự đồng thuận lưỡng đảng. Lẽ ra hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào cuối 2019, và có thể điều này sẽ được hiện thực hoá sau khi Covid-19 qua đi", ông Vuving nói.

Nguồn VNE

Tin liên quan