Đọc báo in
Tải ứng dụng
Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
2022-06-02 12:27:01

Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XV, chiều 31.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phát biểu tại phiên thảo luận tổ.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Huỳnh Thanh Phương thống nhất tên gọi là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, vì theo đại biểu để bảo đảm phù hợp với chỉ đạo của Đảng và bảo đảm bao quát toàn bộ nội dung thực tế hiện nay tại cơ sở.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương tán thành và đồng ý với nội dung thiết chế tại phương án 1, tức là có một chương riêng về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp và trong đó có quy định đặc thù đối với doanh nghiệp nhà nước.

Theo đại biểu, điều này là hợp lý vì phù hợp với tên gọi của luật hiện nay và mở rộng phạm vi điều chỉnh; đồng thời doanh nghiệp cũng phải bảo đảm thực hiện dân chủ đối với người lao động.

Tuy nhiên, đại biểu cũng còn băn khoăn đó là thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn khác hoàn toàn với thực hiện dân chủ trong doanh nghiệp, cho nên cần thiết chế các nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp đồng thời tránh chồng chéo với các quy định của pháp luật hiện nay.

Góp ý tại khoản 1, Điều 19 dự thảo Luật, đại biểu có ý kiến, tại khoản 1 có nêu: “Quyết định của cộng đồng dân cư được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong khu, tổ, dân phố tán thành có giá trị bắt buộc thi hành đối với công dân…”, theo đại biểu thì nên bỏ cụm từ “bắt buộc” và thay vào đó là “có giá trị thi hành”.

Vì theo đại biểu, hiện nay việc họp dân cũng hết sức khó khăn và những thoả thuận của người dân để có quyết định cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật và không có tính pháp lý.

Cũng theo đại biểu Huỳnh Thanh Phương, tại chương 2, dự thảo luật hiện nay bổ sung rất là nhiều điểm mới, nội dung công việc thuộc trách nhiệm của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn và ở ấp, khu phố phải thực hiện, tức là thêm công việc.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở cơ sở thì số lượng biên chế ít mà công việc thì rất nhiều, cán bộ không chuyên trách phụ cấp ít và hiện nay nghỉ việc nhiều, kể cả những người chuyên trách ở cơ sở, cho nên thêm nhiệm vụ, thêm trách nhiệm không đồng hành với vật chất thì sẽ khó khăn trong quá trình thực hiện, cho nên cần nghiên cứu một cách thoả đáng, thấu đáo có nhiều đầu tư chế độ cho đội ngũ cán bộ ở xã, phường, ấp, khu phố làm sao tương xứng với năng lực lao động bỏ ra.

Còn theo đại biểu, tại Điều 7, Điều 8 trong dự thảo Nghị quyết quy định những hành vi bị cấm và xử lý vi phạm vẫn còn chung chung, dẫn đến khó xử lý.

Tố Tuấn – Phạm Tâm

Tin liên quan