Đọc báo in
Tải ứng dụng
Quốc lộ 22B - nhiều nhược điểm, chưa xứng tầm
2014-09-08 06:23:00

(BTNO) - Quốc lộ 22B là một trong những dự án giao thông có số vốn đầu tư lớn ở Tây Ninh, nhưng đây lại là tuyến đường tồn tại nhiều nhược điểm nên “yểu thọ” nhất. Chỉ sau hơn một năm thi công nâng cấp, quốc lộ 22B đã xuống cấp nặng nề. Đây cũng là tuyến đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông (TNGT) do những bất cập, hạn chế trong thiết kế, thi công và quản lý.

Thềm nhà là quốc lộ: nguy cơ TNGT chực chờ (ảnh chụp đoạn quốc lộ 22B đi qua xã Thái Bình).

Áo rách vụng vá

Quốc lộ 22B có điểm đầu giao quốc lộ 22 tại vòng xoay thị trấn Gò Dầu, điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Xa Mát (Tân Biên), dài 83,51km, có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuyến này chia làm các đoạn: đoạn qua huyện Gò Dầu dài 21,95km, đoạn qua huyện Hoà Thành dài 12,4km, đoạn qua huyện Châu Thành dài 17,3km, đoạn qua thành phố Tây Ninh dài 1,1km, đoạn qua huyện Tân Biên dài 30,76km. Toàn tuyến có 11 cây cầu được xây mới, có tải trọng từ 30 tấn trở lên.

Quốc lộ 22B được ví như “xương sống” của hệ thống giao thông chiều Nam – Bắc của Tây Ninh. Đây còn là tuyến đường huyết mạch của khu vực Đông Nam bộ được nâng cấp, mở rộng nhằm khai thác hiệu quả đường Xuyên Á, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá giữa 2 nước Việt Nam và Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Tuyến quốc lộ này cũng đóng vai trò quan trọng để phát triển kinh tế ở khu vực các huyện biên giới phía Bắc của tỉnh Tây Ninh.

Mặc dù đây là tuyến đường có vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và do cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông -Vận tải (GTVT) quản lý, đầu tư nhưng đây là tuyến đường thể hiện nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc trong thời gian qua. Trước hết, có thể nói, đây là tuyến đường “ngốn” số vốn đầu tư lớn nhất ở Tây Ninh từ trước đến nay (hơn 400 tỷ đồng ở thời điểm cách đây 5 năm) nhưng “chết yểu” không lâu sau khi được nâng cấp, mở rộng.

Theo tài liệu, dự án nâng cấp, mở rộng tuyến quốc lộ 22B, thuộc tỉnh Tây Ninh được khởi động từ năm 2002 và hoàn thành năm 2008. Chỉ sau khoảng hơn 1 năm từ lúc thi công hoàn chỉnh, nhiều đoạn trên quốc lộ 22B đã xuống cấp, thủng lổ chổ. Có những đoạn, nền đường bị lún, kết cấu mặt đường bị phá vỡ nên đá, nhựa đường loang lổ, chỗ trồi chỗ sụt gây nguy hiểm cho người đi đường. Ở những chỗ thủng, cơ quan quản lý tuyến đường này đã cho đắp vá lại. Dù vậy, có lẽ do đường thủng nhiều chỗ, thủng thường xuyên, việc đắp vá không theo kịp nên trên tuyến đường này thường xuyên tồn tại những cái bẫy rất nguy hiểm.

Ở những đoạn được đắp vá xong, mặt đường tuy không còn chỗ thủng nhưng trở nên nhấp nhô, gập ghềnh, chỗ cao chỗ thấp. Không biết do kỹ thuật vá đường của cơ quan quản lý kém hay do lỗi thi công cẩu thả mà sau khi được đắp vá, những chỗ thủng trên quốc lộ 22B không những không có được hình hài lành lặn mà trở nên xấu xí, cứ như những ung nhọt đầy rẫy trên cơ thể người bệnh. Ở nhiều đoạn, các phương tiện phải luôn tìm cách tránh né những nơi đã được giặm vá nên việc lưu thông qua đây là một “cực hình”. Nhìn tổng thể, “bộ mặt” của quốc lộ 22B hiện nay chẳng tương xứng với vai trò, vị trí quan trọng của tuyến đường chiến lược này. Nó chẳng khác nào tấm áo rách được người thợ non tay nghề vá chằng vá đụp. “Người ta hay nói xe phá đường. Nhưng ở quốc lộ 22B thì có thể nói ngược lại. Đường sá gập ghềnh loang lổ như thế nên ngồi ô tô qua nhiều đoạn mà chẳng khác nào cưỡi ngựa đi đường núi. Cho nên người thì mệt mà xe thì mau hư”, một tài xế thường xuyên lưu thông trên tuyến quốc lộ này than vãn.

Quá nguy hiểm!

Ngày 26.8.2014, khi khảo sát dọc quốc lộ 22B đoạn từ ngã ba Mít Một đến thị trấn Gò Dầu, người viết phải một phen thất kinh hồn vía. Số là, khi dừng lại bên đường chụp ảnh một chỗ hư hỏng (đoạn qua xã Cẩm Giang) thì bất ngờ bị một xe tải lao nhanh vào hướng phóng viên đang đứng. Dù đã cẩn thận đứng ở ven đường nhưng phóng viên vẫn phải tá hoả lùi nhanh vào phía trong. Đó là do xe tải này đang lưu thông với tốc độ cao, đến gần những ổ gà mới phát hiện đường hư. Không muốn xe bị dằn xóc mạnh nên tài xế đột ngột bẻ ngoặt tay lái, lấn sâu vào làn đường dành cho mô tô, xe máy. Đây là tình trạng phổ biến ở nhiều chỗ hỏng trên quốc lộ 22B. Tình trạng này gây nguy hiểm cho người đi mô tô, xe máy bởi cách tránh né ổ gà rất đột ngột của tài xế rất dễ gây tai nạn giao thông.

Qua khảo sát toàn tuyến quốc lộ 22B, chúng tôi rút ra một nhận định chung: phần đường dành cho ô tô, xe tải hư hỏng nặng nề hơn phần đường dành cho phương tiện thô sơ. Điều này cho thấy, chất lượng đường được thi công không bảo đảm cho nhu cầu thực tế của xe tải, xe tải nặng vận tải hàng hoá phục vụ phát triển kinh tế ở địa phương.

Mặt đường bẩn nhưng chậm được dọn dẹp vệ sinh là một thực trạng kéo dài ở quốc lộ 22B thời gian qua, chủ yếu là đoạn từ ngã ba Mít Một (xã Hiệp Tân, huyện Hoà Thành) đến cầu Rạch Sơn (Gò Dầu). Do mặt đường có dải phân cách cứng nên đất, cát do các phương tiện lưu thông mang theo làm rơi vãi trên đường đã bám vào “chân” dải phân cách. Mỗi khi ô tô, xe tải đi qua, bụi cát mù mịt cuốn theo bánh xe tung vào người đi mô tô, xe máy. Ở nhiều đoạn, nước đọng vũng trên mặt đường. Ô tô, xe tải lao nhanh qua những nơi này làm nước bẩn bắn tung toé vào người đi đường. Những vũng nước trên đường cũng là những cái bẫy chết người. Bởi nếu lưu thông với tốc độ cao, người điều khiển phương tiện giao thông bất thần gặp vũng nước, phải lách tránh đột ngột mà không kịp quan sát kỹ, sẽ dễ dẫn tới tai nạn với các phương tiện lưu thông cùng chiều phía sau hoặc song song.

Một thực trạng khác là hiện nay xuyên suốt tuyến quốc lộ, hầu như có rất ít đoạn ngắn có hành lang an toàn giao thông. Còn lại, nhiều đoạn nhà dân, hàng quán nằm liền kề lòng đường. Nói cách khác, có rất nhiều nhà dân hiện nay có thềm nhà là quốc lộ. Có thể kể đến một số đoạn như khu vực thị trấn Gò Dầu, khu vực các chợ ven quốc lộ, khu vực xã Thái Bình (huyện Châu Thành). Ở những đoạn này, khi rủi ro xảy ra sự cố giao thông thì mức độ thiệt hại rất khó lường, bởi người đi đường không hề có có chỗ lách tránh. Còn người dân sinh sống, mua bán ven đường cũng không tránh khỏi vạ lây. Bên cạnh các công trình xây dựng nằm sát lòng đường, hoạt động mua bán, biển hiệu, xe cộ cũng được người dân dựng ngang để dọc lấn chiếm lòng lề đường, gây cản trở giao thông dù quốc lộ là tuyến có nhiều phương tiện tải nặng, xe kéo container, xe khách lưu thông khá… ẩu.

Nhiều tai nạn giao thông

Theo thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tây Ninh, trong nhiều năm qua, mặc dù là một trong những tuyến đường rộng rãi, thông thoáng nhất nhì tỉnh nhưng quốc lộ (gồm 22 và 22B, dài 111km) luôn là tuyến đường đứng thứ hai về số TNGT. Tất nhiên, nguyên nhân có phần do đây là tuyến đường có lưu lượng phương tiện lưu thông cao, nhưng các cơ quan hữu quan cũng cần quan tâm đến yếu tố hạ tầng, mà tình trạng xuống cấp và những bất cập mà chúng tôi đã nêu, cũng là những nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Để minh chứng cho tình trạng mất ATGT trên tuyến quốc lộ, chúng tôi trích dẫn các số liệu thống kê TNGT thời gian gần đây như sau: Năm 2011, quốc lộ xảy ra 355 vụ TNGT (chiếm 27,9%); tỉnh lộ 448 vụ (35,2%); nội thị 146 vụ (11,5%); đường khác 325 vụ (25,5%). Năm 2012, quốc lộ xảy ra 138 vụ (chiếm 26,7%); tỉnh lộ 171 vụ (chiếm 33,1%); nội thị 75 vụ (14,5%); đường giao thông nông thôn 64 vụ (12,4%), đường khác 68 vụ (13,2%). Năm 2013, quốc lộ xảy ra 123 vụ (30,4%), tỉnh lộ 144 vụ (35,6%), huyện lộ 39 vụ (9,7%), nội thị 55 vụ (13,6%), đường giao thông nông thôn 43 vụ (10,6%). Trong 6 tháng đầu năm 2014, tuyến quốc lộ đã xảy ra 42 vụ TNGT, tỉnh lộ 49 vụ, nội thị 23 vụ, huyện lộ 12 vụ, đường khác 8 vụ.

Trước đây, thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức thanh tra dự án nâng cấp, cải tạo quốc lộ 22B, đoạn từ thị trấn Gò Dầu – cửa khẩu Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. Cơ quan này xác định việc thi công quốc lộ 22B đã có nhiều thiếu sót, vi phạm từ khâu mời thầu đến quyết toán dự án có vốn trên 407 tỷ đồng. Theo kết luận thanh tra, Bộ Giao thông Vận tải đã thiếu giám sát, để Ban quản lý dự án đường bộ VII ký hợp đồng thuê một đơn vị không đủ thẩm quyền thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án. Đoàn thanh tra còn phát hiện 7 gói thầu tính toán bù giá không đúng quy định, quyết toán sai 1,2 tỷ đồng. Chỉ sau hai năm công trình được đưa vào sử dụng, một số vị trí đã hư hỏng cần phải sửa chữa.

Năm 2011, Đoàn ĐBQH Tây Ninh đã chuyển đến Quốc hội phản ánh của cử tri địa phương, đề nghị làm rõ nguyên nhân vì sao quốc lộ 22B được đầu tư đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã xuống cấp. Cuối tháng 11.2011, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã có ý kiến trả lời. Bộ đã cho kiểm định tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Kết quả cho thấy, quốc lộ 22B xuống cấp nhanh có phần do lỗi thi công. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu lại là do… lưu lượng và tải trọng lưu thông trên đường này quá lớn so với khảo sát, thiết kế trước khi đầu tư nâng cấp mở rộng (?!). Mặt khác, thời điểm đầu tư (năm 2002), do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên quy mô đầu tư thấp, chỉ thảm 1 lớp bê tông nhựa dầy 7cm. Đồng thời, quốc lộ 22B chưa được thiết kế, thi công hoàn chỉnh hệ thống thoát nước, dẫn tới tình trạng mặt đường mau hư.

Trước thực trạng đáng quan ngại của tuyến quốc lộ 22B, được biết, UBND tỉnh Tây Ninh cũng đã nhiều lần kiến nghị Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp cho hoàn thiện tuyến giao thông này. Bộ GTVT cũng đã có chủ trương tiếp tục nâng cấp quốc lộ 22B với số vốn đầu tư trên 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian chính thức triển khai dự án “tái nâng cấp” quốc lộ này hiện chưa xác định.

BẢO TÂM

 

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan