Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Quyết liệt đưa nền kinh tế - xã hội phát triển
Thứ tư: 06:51 ngày 18/07/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đã nêu một số giải pháp cần thực hiện, trong đó, có 4 vấn đề trọng tâm, bao gồm: phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non và kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm.

Thi công, nâng cấp đường dây điện. Ảnh: T.G

Tại kỳ họp lần thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh khoá IX (nhiệm kỳ 2016-2021), thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đã báo cáo đánh giá hoạt động của UBND tỉnh 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Theo đó,“Phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non, kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm” là 4 vấn đề được UBND tỉnh tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Nền kinh tế chuyển biến tích cực

Năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ X. Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã đề ra 10 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho 25 sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức thực hiện.

Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm GRDP tăng trưởng khá (tăng 7,7% so với cùng kỳ), trong đó góp phần đáng kể là ngành công nghiệp (tăng 15,7%), dịch vụ (tăng 6,8% so với cùng kỳ).

Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 54,9% dự toán (tăng 5,5%). Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thu hút đầu tư trong nước tăng 4,4 lần. Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hoá xã hội, an sinh xã hội và giải quyết việc làm luôn được quan tâm và đạt kết quả tích cực, quốc phòng - an ninh được giữ vững.

Ðể bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đã nêu  một số giải pháp cần thực hiện, trong đó, có 4 vấn đề trọng tâm, bao gồm: phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non và kéo giảm tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm.

Ðầu tư có trọng tâm, trọng điểm

Về phát triển kết cấu hạ tầng, PCT UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết: “UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với một số dự án, công trình lớn, trọng điểm, trong đó ưu tiên về lĩnh vực thương mại, dịch vụ”.

Hiện UBND tỉnh đã triển khai thực hiện một số dự án, công trình lớn, như khởi công dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông; dự án đường Sóc Thiết - Tà Sia và sẽ khởi công dự án nâng cấp, mở rộng đường 782-784; đường 790 nối dài, đường Ðất Sét - Bến Củi v.v…

Ông cho biết, các dự án, công trình đang được đẩy nhanh tiến độ và sẽ đưa vào hoạt động trong quý IV.2018, như trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và shophouse của Tập đoàn Vingroup; khu C-D chợ Long Hoa với mô hình chợ truyền thống của Công ty cổ phần xây dựng và phát triển đô thị Tây Ninh; dự án siêu thị Co.opMart tại thị trấn Gò Dầu và xã Phước Ðông; khởi công giai đoạn 1, dự án Bệnh viện Hồng Hưng với quy mô 300 giường; triển khai thực hiện giai đoạn 2 KCN dịch vụ đô thị Phước Ðông - Bời Lời.

Riêng đối với Ðồ án quy hoạch chung KDLQG núi Bà Ðen, UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn chỉnh và giải trình các nội dung góp ý, phản biện của các bộ, ngành về Ðồ án quy hoạch chung Khu du lịch quốc gia núi Bà Ðen đã được HÐND tỉnh thông qua để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III.2018.

Song song đó, các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố lân cận tiếp tục phát huy hiệu quả. Ðầu năm 2018, UBND tỉnh đã ký kết biên bản với tỉnh Bình Dương để đầu tư dự án đường và cầu bắc qua sông Sài Gòn, kết nối hai tỉnh qua đường Ðất sét - Bến Củi với tỉnh lộ 744 của Bình Dương.

Nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 821 kết nối Long An - Tây Ninh qua tỉnh lộ 787a (đường Cầu An Hoà), 2 dự án này hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 22 đi TP.HCM, và sẽ kết nối trực tiếp đến sân bay Long Thành trong tương lai, đi thẳng các tỉnh miền Tây Nam bộ; đẩy nhanh tiến độ thi công đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh; ngầm hoá mạng lưới điện, cáp viễn thông trên tuyến đường 30.4 (TP.Tây Ninh).

Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Về lĩnh vực nông nghiệp, PCT UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho hay, điểm nổi bật nhất thời gian gần đây là chuyển đổi mạnh một số nông sản hiệu quả thấp như lúa, cao su, mía sang trồng các loại cây ăn trái quy mô tập trung, có giá trị kinh tế cao như nhãn, mãng cầu, bưởi, sầu riêng, xoài…

Ðồng thời, triển khai hợp tác trong phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, giúp giảm thiểu những tổn hại cho môi trường và người sản xuất do lạm dụng phân bón hoá học và thuốc bảo vệ thực vật, tạo ra sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, nâng cao được giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu, uy tín và tăng thu nhập cho người sản xuất.

Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có trên 26,3 ha mãng cầu đạt chứng nhận VietGAP (tập trung tại xã Thạnh Tân- TP.Tây Ninh, xã Tân Hưng- huyện Tân Châu, xã Phan- huyện Dương Minh Châu), trên 700 ha bưởi da xanh ứng dụng mô hình sản xuất, công nghệ tiên tiến, xây dựng một điểm trình diễn mô hình nuôi thuỷ sản tuần hoàn nước và trồng rau thuỷ canh không sử dụng phân bón và các loại thuốc, hoá chất ở xã Bình Minh, TP.Tây Ninh.

Tuy nhiên, ông Chiến cũng nhìn nhận, thời gian vừa qua, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch còn chậm. Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hoá chưa đáp ứng quá trình chuyển dịch sản xuất.

Chất lượng quy hoạch thấp, quản lý còn yếu. Sự chuyển dịch lao động nông nghiệp nông thôn sang lao động công nghiệp quá nhanh, làm khan hiếm lao động nông thôn, giá lao động tăng nhanh làm giá thành sản xuất nông sản tăng cao, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh nông sản, trong khi cơ giới hoá chưa đáp ứng sản xuất, lực lượng công nhân nông nghiệp hình thành chậm, nông dân còn mang nặng tư duy sản xuất nhỏ, chậm thích nghi với cơ chế mới; lúng túng, bị động và chịu nhiều rủi ro.

Phát biểu tại kỳ họp, ông Chiến yêu cầu các ngành, các cấp cần phối hợp để tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng giá trị chăn nuôi.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, kết nối doanh nghiệp, dự báo, định hướng thị trường, kiểm soát và nâng cao chất lượng giống, cây trồng, vật nuôi, tiêu chuẩn chất lượng nông sản an toàn v.v...

Sáp nhập trường học quy mô nhỏ

Tình trạng thiếu giáo viên (GV) mầm non tại các trường công lập trên địa bàn tỉnh cũng là vấn đề cần được giải quyết trong năm 2018. Theo quy định, định mức GV mầm non bố trí tối đa khoảng 2 GV/nhóm trẻ, năm học 2017- 2018, số GV còn thiếu là 566 chỉ tiêu, đến năm học 2018-2019 sẽ thiếu 717 GV.

Tuy nhiên, do tổng biên chế ngành Giáo dục bị khống chế, số GV đang dôi dư vẫn trong tình trạng “thiếu việc làm” vì ngành không thể tuyển thêm. Ðể giải quyết tình trạng này, ông Chiến đề xuất, ngành Giáo dục phải tiếp tục rà soát, sắp xếp, sáp nhập các đơn vị trường học ở các cấp có quy mô nhỏ để tiết kiệm nguồn biên chế, ưu tiên cho đội ngũ giáo viên ngành học mầm non.

Khẩn trương triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, đặc biệt đối với các cơ sở mầm non ngoài công lập theo hướng chất lượng cao, để giảm bớt sự quá tải trong các trường mầm non công lập hiện nay.

Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

PCT UBND tỉnh Trần Văn Chiến khẳng định, hiện nay, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững. Công tác quản lý biên giới, phân giới, cắm mốc; công tác đối ngoại đã đạt được kết quả tích cực. Hơn hết, tỉnh đã triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn hiệu quả một số đối tượng kích động người dân tham gia tụ tập đông người, không để lây lan, trở thành bạo động.

Tuy nhiên, dù đã triển khai nhiều biện pháp, tăng cường lực lượng, nhưng mục tiêu kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội, ma tuý và tai nạn giao thông chưa đạt yêu cầu, tiếp tục tăng so với cùng kỳ.

Về tai nạn giao thông, ông Chiến đánh giá có 4 nguyên nhân chính: do ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, biết việc làm của mình là nguy hiểm đến tính mạng, sẽ gây tai nạn nhưng vẫn vi phạm; sự gia tăng nhanh về phương tiện cơ giới đường bộ trong khi hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp thời; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT của lực lượng chức năng, mặc dù có tăng cường nhưng vẫn chưa phủ kín được địa bàn.

Cuối cùng là sự bất cập về hạ tầng và tổ chức giao thông như: một số đoạn, tuyến đường chính còn thiếu hệ thống đèn chiếu sáng, đường phụ ra đường chính thiếu biển báo v.v...

PCT UBND tỉnh Trần Văn Chiến yêu cầu, các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp, mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm và tệ nạn xã hội theo chương trình mục tiêu 4 giảm của tỉnh.

Song song đó, cấp uỷ, chính quyền các cấp phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tại địa phương, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đến tất cả cơ quan, trường học, khu công nghiệp, cụm dân cư, vận động mọi tầng lớp nhân dân xây dựng văn hoá giao thông.

Quyết liệt vào cuộc trong tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục người dân chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, tổ chức tốt các phong trào tự quản, xây dựng văn hoá giao thông.

Mô hình trồng rau thuỷ canh tại xã Bình Minh, TP.Tây Ninh.

Bám sát 9 nhiệm vụ, giải quyết 4 vấn đề trọng tâm

Ðể thực hiện hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, PCT UBND tỉnh Trần Văn Chiến xác định, UBND tỉnh sẽ bám sát 9 nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời tập trung giải quyết 4 vấn đề chính, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu KT-XH năm 2018 đạt kết quả cao.

Theo đó, các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ, điều hành linh hoạt, quyết liệt thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình, nhằm đề ra những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với thực tế. Tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện để 5 nhóm công tác hoàn thành các chương trình đột phá về nông nghiệp, du lịch, phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin (4.0), nhằm tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện về mọi mặt của tỉnh nhà.

Duy trì và chú trọng phối hợp tổ chức sơ kết các chương trình hợp tác với các tỉnh, thành phố như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh: “Trong thời gian tới, UBND tỉnh cam kết sẽ tập trung quyết liệt, làm hết trách nhiệm của mình, khắc phục những hạn chế, tiếp tục đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển”.

Tâm Giang

Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh