Đọc báo in
Tải ứng dụng
Rà soát kỹ, trẻ chống chỉ định tiêm Quinvaxem tăng
2014-03-20 10:35:00

Sau ba ca trẻ tử vong sau tiêm văcxin 5 trong 1 Quinvaxem từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2014 tại TP Đà Lạt, Lâm Đồng đã khiến ngành y tế và người dân khá căng thẳng mỗi khi đến đợt tiêm chủng.

vacxin-1.jpg

Khám tầm soát trước khi tiêm Quinvaxem tại Đà Lạt - Ảnh: Mai Vinh.

Trong số hơn 2.300 trẻ không tiêm văcxin này vào tháng 2-2014, có 459 em được đánh giá chống chỉ định tạm thời hoặc lâu dài.

Bác sĩ Nguyễn Văn Côi - phó giám đốc Trung tâm Y tế TP Đà Lạt, người tham gia khám tầm soát trước khi tiêm Quinvaxem ở hầu hết các trạm y tế phường xã trên địa bàn TP Đà Lạt - cho biết việc khám tầm soát trở nên khắt khe bởi ai cũng lo sợ xuất hiện những tai biến đáng tiếc như đã xảy ra.

Chống chỉ định với trẻ từng sốt cao sau tiêm văcxin...

Bác sĩ Côi đánh giá mọi biểu hiện không ổn định về thể trạng của trẻ đều được xếp vào diện chống chỉ định tạm thời hoặc lâu dài và tư vấn gia đình nên trì hoãn thời điểm tiêm văcxin Quinvaxem cho trẻ.

Theo bác sĩ Côi, điều này khiến lượng trẻ được đưa vào diện chống chỉ định tiêm Quinvaxem những tháng gần đây tăng cao. Qua khám sàng lọc, bác sĩ Côi cho biết đa số trẻ được xếp vào diện chống chỉ định lâu dài đối với văcxin Quinvaxem có tiền sử sốc hoặc phản ứng nặng với văcxin trong những lần tiêm trước đó như sốt cao trên 39OC; suy chức năng cơ quan hô hấp, hệ tuần hoàn; suy tim, suy thận, suy gan; nhiễm HIV; ung thư...

Phần lớn trẻ được xếp vào diện chống chỉ định tạm thời mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là nhiễm trùng và đang điều trị bằng kháng sinh, sốt hơn 37,5OC hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5OC, đang dùng thuốc điều trị viêm gan siêu vi B, suy dinh dưỡng có cân nặng dưới 2kg.

"Trẻ sinh mổ thường có sức đề kháng yếu hơn trẻ bình thường, hiện nay Đà Lạt có 50% trẻ sơ sinh ra đời bằng sinh mổ, đa số chúng tôi khuyên chọn phương pháp khác hoặc phải kiểm tra sức khỏe của trẻ cực kỳ gắt gao"

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Côi

Đặc biệt với trẻ sinh mổ, bác sĩ Côi cho biết những người khám sàng lọc đã đắn đo trước quyết định có tiêm Quinvaxem cho các trẻ này hay không do Bộ Y tế không quy định.

“Trẻ sinh mổ thường có sức đề kháng yếu hơn trẻ bình thường, hiện nay Đà Lạt có 50% trẻ sơ sinh ra đời bằng sinh mổ, đa số chúng tôi khuyên chọn phương pháp khác hoặc phải kiểm tra sức khỏe của trẻ cực kỳ gắt gao, chỉ cho tiêm nếu sức khỏe cháu bé thuộc diện tốt và phụ huynh ký giấy đồng ý” - bác sĩ Côi cho biết.

Bác sĩ Đồng Sỹ Quang, trưởng phòng nghiệp vụ y - dược Sở Y tế Lâm Đồng, cho rằng đối với trẻ trong diện chống chỉ định tạm thời, phụ huynh có thể lựa chọn các loại văcxin thay thế với chi phí cao hơn, hoặc theo dõi khi tình hình sức khỏe trẻ ổn định thì tiến hành tiêm. Đối với trẻ chống chỉ định lâu dài thì việc tiêm văcxin cho trẻ phức tạp hơn.

Bác sĩ Quang nhấn mạnh trẻ chống chỉ định với Quinvaxem không có nghĩa là chống chỉ định với các loại văcxin khác cùng công dụng. Phụ huynh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có thực hiện dịch vụ tiêm văcxin để khám sàng lọc, nếu không chống chỉ định với loại văcxin khác Quinvaxem thì có thể tiêm.

Cả nước chỉ đạt 56%

Trao đổi chiều 19-3, ông Nguyễn Trần Hiển, chủ nhiệm dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết tính chung cả năm 2013, trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ ba mũi Quinvaxem chỉ đạt 56%/tổng số trẻ trong độ tuổi.

Ba tháng đầu năm 2014, ông Hiển cho biết vẫn có khá nhiều trẻ “né” tiêm chủng, nên chương trình đang lo lắng làm sao để nâng thêm được số các cháu đến tiêm ngừa, bởi bài học “né” tiêm văcxin sởi và dịch sởi xuất hiện ngay trong những tháng cuối năm 2013 đầu 2014 khiến giới chức y tế rất lo ngại.

Còn theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Bộ Y tế chưa có thống kê về số trẻ có chỉ định hoãn tiêm và chống chỉ định tiêm ngừa.

“Việc khám sàng lọc trước tiêm theo quy trình của Bộ Y tế sẽ được triển khai trên toàn quốc, chúng tôi không thống kê riêng từng địa phương” - ông Phu cho biết.

Ông Phu cũng hướng dẫn với các trường hợp có chỉ định tạm hoãn tiêm chủng do đang ho, sốt, thiếu cân thì sẽ được khám sàng lọc lại và có thể được chỉ định tiêm ngừa trong lần tiêm chủng kế tiếp.

Riêng các trường hợp có cơ địa dị ứng, cha mẹ có tiền sử dị ứng... chống chỉ định với tiêm ngừa Quinvaxem thì sẽ không tiêm ngừa văcxin này mà có thể sử dụng văcxin khác phù hợp hơn.

Trẻ có bệnh tim mạch, não hoặc các bệnh nguy hiểm khác có chống chỉ định tiêm văcxin sẽ không được chỉ định tiêm Quinvaxem và các văcxin thay thế.

“Quan trọng là chỉ định của cán bộ y tế ở các điểm tiêm ngừa, cha mẹ cần kể rõ với cán bộ y tế về tiền sử của con mình, các bệnh từng mắc hoặc bệnh của cha mẹ để họ có chỉ định phù hợp” - ông Phu khuyến cáo.

Số liệu từ Cục Y tế dự phòng cho thấy những tháng đầu năm 2014 các tỉnh thành vẫn tiếp tục ghi nhận tỉ lệ trẻ gặp phản ứng phụ sau tiêm Quinvaxem.

Dù các phản ứng như sốt, sưng đau chỗ tiêm... xảy ra ở tỉ lệ khá cao, nhưng không có thêm trường hợp phản ứng nặng sau tiêm hay phải nhập viện để theo dõi. “Chúng tôi đang cố gắng để nâng chất lượng dịch vụ tiêm chủng” - ông Phu nói với Tuổi Trẻ.

Theo MAI VINH - LAN ANH (Tuổi Trẻ)

Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh