Đọc báo in
Tải ứng dụng
Sản xuất, chế biến khoai mì ngày càng khó khăn
2019-02-27 11:23:40

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì trong tỉnh xuất khẩu tinh bột sang thị trường Trung Quốc, ngày 11.12.2018, Sở NN&PTNT đã có công văn về việc đăng ký bổ sung danh sách doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xuất qua Trung Quốc gửi Bộ NN&PTNT.

Mì tươi được nhà máy chế biến mì xã Suối Đá mua về từ Campuchia.

Thời gian qua, khi dịch bệnh khảm lá mì xuất hiện và lây lan nhanh chóng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến gần như toàn bộ diện tích cây mì trên địa bàn tỉnh, làm cho năng suất củ mì bị sụt giảm và ảnh hưởng đến ngành chế biến khoai mì của tỉnh. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong năm 2018, diện tích trồng mì cả tỉnh gần 50.000 ha, giảm 12% so với năm trước. Khối lượng củ được đưa vào chế biến gần 3,1 triệu tấn, sản xuất được hơn 774.500 tấn bột. Hiện ngành mì đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Nhiều khó khăn

Bà Nguyễn Thị Khuê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ðịnh Khuê - người gắn bó lâu năm với ngành chế biến khoai mì của tỉnh cho biết đang gặp khó khăn về nguyên liệu.

Theo bà Khuê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 60 doanh nghiệp chế biến khoai mì. Nguồn nguyên liệu trong tỉnh chỉ đáp ứng được khoảng 30%-40% công suất chế biến của các nhà máy. Do thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên hầu hết các doanh nghiệp chế biến phải phụ thuộc vào nguồn khoai mì nhập khẩu từ Campuchia về. Nhiều trường hợp, doanh nghiệp chế biến điêu đứng vì bị “làm giá” củ mì nguyên liệu từ Campuchia, trong khi giá bột mì thành phẩm bán cho đối tác đã được thoả thuận theo hợp đồng trước đó, nên doanh nghiệp xem như “phá huề”.

Cũng do thiếu hụt nguồn nguyên liệu nên đã xảy ra tình trạng cạnh tranh nâng giá trong thu mua củ mì tươi, làm cho giá nguyên liệu tăng cao. Ðồng thời, cộng với chi phí sản xuất ngày càng tăng nên thời gian gần đây, doanh nghiệp chế biến khoai mì thường có lãi rất ít hoặc huề vốn. Mặt khác, thiếu nguyên liệu nên các nhà máy mì cũng chỉ hoạt động được trên dưới 50% công suất thiết kế, và hoạt động khoảng 8 tháng trong một năm.

Một doanh nghiệp chế khoai mì tại xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) cho biết thêm, tình trạng cạnh tranh giá thu mua củ mì tươi giữa các doanh nghiệp không chỉ xảy ra trong nội địa mà còn cả bên Campuchia. Dịch bệnh khảm lá mì đang hoành hành và nhiều yếu tố khác, sắp tới, nguyên liệu còn thiếu hụt hơn nên khả năng giá củ mì sẽ còn tăng, càng gây khó khăn cho doanh nghiệp chế biến.

Ông Trần Phước Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Cụm công nghiệp Thanh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam cho rằng, việc các nhà máy cạnh tranh giá cả thu mua nguyên liệu ngay trên thị trường Campuchia đã "đẩy" chi phí sản xuất lên khá cao. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chế biến phải chấp nhận để cố gắng duy trì hoạt động của nhà máy.

Cần nâng cao chất lượng sản phẩm tinh bột

Theo bà Nguyễn Thị Khuê - Giám đốc Công ty TNHH MTV Ðịnh Khuê, hiện nay, thị trường tiêu thụ tinh bột mì của tỉnh hầu như phụ thuộc vào Trung Quốc. Thế nhưng, ngày 15.10.2018, phía Trung Quốc ban hành quy định yêu cầu những doanh nghiệp Việt Nam phải được phía Trung Quốc xem xét chứng nhận các điều kiện về sản xuất như truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường… mới được nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Nhiều doanh nghiệp chế biến khoai mì trong tỉnh đã “không kịp trở tay” trước quy định này. Bà Khuê cùng nhiều doanh nghiệp chế biến khoai mì khác trong tỉnh đã nhờ Hiệp hội Sắn Việt Nam can thiệp với Bộ NN&PTNT làm việc với phía Trung Quốc, nhờ vậy mà trên địa bàn tỉnh, ngoài doanh nghiệp của bà còn có 8 doanh nghiệp khác được phía Trung Quốc chấp nhận cho xuất khẩu tinh bột khoai mì vào Trung Quốc.

Ngoài những khó khăn như “cung không đủ cầu” về nguyên liệu, dịch bệnh hoành hành, giá thu mua nguyên liệu cao… và quy định khắt khe hơn từ thị trường Trung Quốc, ngành chế biến khoai mì của tỉnh sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp sản xuất, chế biến tinh bột mì phải chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp dây chuyền sản xuất hiện đại trong khâu sản xuất, chế biến cũng như đa dạng hoá sản phẩm...

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong muốn tỉnh có những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp để nhập khẩu thiết bị máy móc nâng cao chất lượng sản phẩm, giúp ngành mì vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế tỉnh nhà.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến tinh bột khoai mì trong tỉnh xuất khẩu tinh bột sang thị trường Trung Quốc, ngày 11.12.2018, Sở NN&PTNT đã có công văn về việc đăng ký bổ sung danh sách doanh nghiệp chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh xuất qua Trung Quốc gửi Bộ NN&PTNT.

Theo Sở NN&PTNT, để chủ động nguồn nguyên liệu, các doanh nghiệp chế biến khoai mì cần thực hiện cơ cấu lại theo hướng tăng cường liên kết với các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng mì bằng cách trực tiếp ký hợp đồng với các hợp tác xã, giảm bớt các khâu trung gian, tạo cơ hội nâng cấp chuỗi giá trị sản phẩm; đầu tư trang thiết bị để chế biến sâu, đa dạng hoá sản phẩm sau tinh bột, giảm giá thành sản phẩm và sử dụng nhiều hơn nữa các phụ phẩm trong chế biến.

Theo Sở NN&PTNT, một trong những hạn chế lớn nhất của ngành mì Tây Ninh là quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Chỉ có một phần nhỏ trong tổng sản lượng tinh bột mì sản xuất trong tỉnh được xuất đi nước khác. Một hạn chế song hành là phần lớn sản phẩm tinh bột mì được xuất khẩu qua đường uỷ thác hoặc trung gian nên chưa mang lại giá trị kim ngạch lớn cho tỉnh. 

Thêm một hạn chế nữa là chưa có sự liên kết trong hoạt động sản xuất và chế biến khoai mì. Tây Ninh cũng chưa hình thành được cơ chế chính sách liên kết vùng để thu hút đầu tư, sản xuất nông nghiệp đáp ứng việc cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến mì. Sau hàng chục năm hình thành và phát triển, đến nay, các doanh nghiệp chế biến mì vẫn phụ thuộc thụ động vào nông dân.

Hơn nữa, do xuất khẩu tinh bột mì dưới dạng nguyên liệu thô nên giá trị kinh tế mang lại chưa cao. Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất tinh bột mì hầu hết chưa quan tâm đúng mức đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm khiến cho giá trị cạnh tranh trên thị trường thế giới bị hạn chế.

Do đó, Sở NN&PTNT cho rằng, ngành mì Việt Nam cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, tập trung vào thị trường trong nước và mở rộng sang các nước châu Âu, Mỹ. 

NHI TRẦN - THẾ NHÂN

Tin liên quan