Đọc báo in
Tải ứng dụng
Sầu đâu rừng
2015-04-22 12:00:00

Cây còn có tên gọi là nha đảm tử, xoan rừng, sầu đâu cứt chuột, cứt dê, khổ sâm, người Ba Na gọi là ích bờ bê.

Là loại cây nhỏ, cao tới 2m. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, mép có răng cưa, có lông mềm ở cả hai mặt. Hoa đơn tính khác gốc, mọc thành chùm xim. Quả hình trứng, khi chín màu đen. Hạt cứng, dẹt, màu nâu đen, nhân có đầu, vị rất đắng.

Sầu đâu rừng .

Mùa ra hoa tháng 3 - 4; ra quả tháng 5 - 9. Cây sầu đâu rừng mọc hoang nhiều nơi: Hải Phòng, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh,.... Bộ phận thường được dùng làm thuốc là hạt (cũng có thể dùng lá nhưng ít hơn) thu hái từ tháng 8 - 12 trong năm khi quả đã chín. Xát quả để lấy hạt, rửa sạch. Phơi hoặc sấy khô.

Trong sầu đâu rừng có 23% dầu, màu trắng. Ngoài ra còn có glucozit gọi là kosamin, chất tanin, chất men có thể là men thuỷ phân, amydalin, chất quassin và saponin. Trong đó kosamin có tác dụng diệt trùng tốt. Theo Y học cổ truyền, sầu đâu rừng có vị đắng, tính hàn, vào kinh đại trường. Tác dụng táo thấp, sát trùng, chữa sốt rét…

Một số bài thuốc thường dùng

- Chữa sốt rét: Lá sầu đâu, lá hồng bì mỗi vị 50g, nấu nước, sắc uống hàng ngày. Hoặc lấy 3 - 6g hạt, tán nhỏ, cho 400ml nước, sắc uống, chia 3 lần dùng sau bữa ăn, uống 4 - 5 ngày.

- Chữa lỵ: Lấy 10 - 14 quả, phơi hoặc sấy khô, tán nhỏ, làm thành viên nhỏ (0,1g). Uống liền 3 - 4 ngày đến một tuần lễ.

- Chữa trĩ giai đoạn đầu (mới bị): Dùng lá sầu đâu nấu lấy nước ngâm rửa hàng ngày.

Thuốc có thể gây kích ứng dạ dày nên khi sử dụng cần lưu ý bệnh khỏi phải ngưng thuốc ngay, không được kéo dài. Không dùng đối với bệnh nhân mắc bệnh lý gan, thận, có tiền sử chảy máu dạ dày. Người có thể trạng tỳ vị hư nhược không dùng. Khi áp dụng cần đến cơ sở y tế hoặc nhà thuốc đông y có uy tín để được khám và cắt thuốc điều chỉnh đơn cho phù hợp.      

(SK&ĐS)

Từ khóa:
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh