Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tai nạn giao thông, nhìn từ những con số
2014-10-14 04:05:00

(BTNO) - Tai nạn giao thông (TNGT) là hệ quả xã hội tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong giai đoạn công nghiệp hoá ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, nếu xác định được các yếu tố có liên quan dẫn đến nguyên nhân xảy ra TNGT và có các giải pháp xử lý tốt thì việc kéo giảm, ngăn ngừa TNGT sẽ đạt hiệu quả cao hơn, tránh những thiệt hại không đáng có về con người và tài sản. Thử nhìn lại các con số thống kê về TNGT ở Tây Ninh trong hơn 3 năm trở lại đây, để thấy việc giải quyết vấn nạn này trên địa bàn tỉnh ta như thế nào.

Khu vực đông người, chợ búa, cổng các KCN cần được tăng cường tuần tra, kiểm soát trật tự giao thông.

Tín hiệu đáng mừng

Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tây Ninh, năm 2011, toàn tỉnh xảy ra 1.274 vụ TNGT đường bộ, tăng 127 vụ so cùng kỳ năm 2010; tăng 27 người chết; tăng 268 người bị thương.

Năm 2012, số vụ TNGT và những thiệt hại do TNGT gây ra được kéo giảm đáng kể. Năm này, toàn tỉnh xảy ra 516 vụ TNGT đường bộ, làm chết 166 người, làm bị thương 632 người. So với năm 2011, giảm 758 vụ, giảm 66 người chết, giảm 1.072 người bị thương. Đến năm 2013, tình hình TNGT ở Tây Ninh tiếp tục được kéo giảm. Toàn tỉnh xảy ra 404 vụ TNGT đường bộ, làm chết 136 người, làm bị thương 460 người. Và trong 6 tháng đầu năm 2014, Tây Ninh xảy ra 134 vụ TNGT đường bộ, làm chết 67 người, làm bị thương 112 người; giảm 66 vụ, giảm 5 người chết và giảm 119 người bị thương so cùng kỳ năm 2013.

Kết quả kéo giảm TNGT đường bộ theo thống kê hơn 3 năm vừa qua cho thấy những nỗ lực phòng ngừa, kéo giảm TNGT của tỉnh nhà đã được đẩy mạnh thực hiện một cách quyết liệt và đã đạt hiệu quả tích cực, khả quan. Tuy nhiên, cho đến nay tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp và cần được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm nhiều hơn, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATGT mạnh mẽ hơn nữa.

Nguyên nhân hàng đầu: đi không đúng phần đường, làn đường

Năm 2011, đứng đầu các nguyên nhân gây TNGT là do đi không đúng phần đường, làn đường (269 vụ); kế đến là sử dụng rượu bia vượt quá nồng độ quy định (234 vụ); chuyển hướng đột ngột không quan sát (163 vụ); tránh vượt không đúng quy định (155 vụ); chạy quá tốc độ, không nhường đường (101 vụ); lỗi do người đi bộ (57 vụ); thực hiện sai quy trình thao tác lái xe 29 vụ…

Năm 2012, nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm đi không đúng làn đường, phần đường tiếp tục đứng đầu với 120 vụ; không chú ý quan sát 89 vụ; chuyển hướng xe không đúng quy định 60 vụ; vi phạm nồng độ cồn 50 vụ; tránh, vượt xe không đúng quy định 48 vụ; từ đường phụ ra đường chính không nhường đường 40 vụ… Năm 2013, nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất vẫn là do người điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường quy định (98 vụ); chuyển hướng xe không đúng quy định (47 vụ)… Trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng tương tự.

Như vậy, có thể thấy rằng, nguyên nhân dẫn đến TNGT nhiều nhất trong thời gian qua là do người điều khiển phương tiện giao thông lưu thông không đúng phần đường, làn đường quy định. Vì sao tình trạng này khá phổ biến và chưa được khắc phục trong nhiều năm qua? Tất nhiên, ý thức chủ quan, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia lưu thông là yếu tố tiên quyết.

Nhưng bên cạnh đó, các ngành chức năng cũng cần chú ý đến những bất cập về thực trạng hạ tầng kỹ thuật đường bộ ở một số tuyến đường. Đó là tình trạng xuống cấp, hư hỏng, đọng nước, lầy lội dơ bẩn, đầy đất cát. Đồng thời, tình trạng buôn bán, dừng đỗ phương tiện lấn chiếm lòng, lề đường ở các khu vực thị tứ, trường học, chợ… đây chính là lý do khiến người tham gia giao thông buộc phải đi sai làn đường, phần đường quy định.

Thực tế cho thấy, người tham gia giao thông khi đi qua những đoạn đường kém chất lượng hầu hết đều phải lách tránh những chỗ mặt đường đã biến thành “chướng ngại vật”. Và do bất cẩn, lúng túng trong xử lý tình huống bất ngờ khi người tham gia giao thông điều khiển phương tiện đi vào phần đường - làn đường của phương tiện khác mà tai nạn xảy ra. Một thực trạng khác là tình trạng bố trí dải phân cách, chỗ quay xe chưa phù hợp dẫn tới tình trạng nhiều người lưu thông trái chiều để “đi tắt” cho nhanh, dẫn tới TNGT như vẫn diễn ra trên quốc lộ 22.

Súc vật đi rông trên đường gây TNGT.

Để hạn chế tình trạng này, ngành chức năng cần sớm khắc phục tình trạng hạ tầng giao thông xuống cấp, mà trước mắt có thể làm ngay được là việc mở thêm chỗ quay xe ở những con đường có dải phân cách cứng quá dài và kẻ vạch sơn phân làn đường thay những vạch sơn bong tróc. Hiện nhiều tuyến đường không có vạch sơn phân làn hoặc có nhưng đã phai màu sơn từ lâu.

Thật khó trách người điều khiển phương tiện giao thông đi không đúng làn đường, phần đường khi thiếu vạch sơn phân làn, hoặc sơn quá mờ. Việc khảo sát, nghiên cứu để bố trí, điều chỉnh dải phân cách cho hợp lý, hình thành được những chỗ quay xe thuận tiện, an toàn cũng là một biện pháp tích cực nhằm hạn chế tình trạng người tham gia giao thông đi ngược chiều, đi không đúng làn đường, phần đường.

Phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh cho thấy, quốc lộ, tỉnh lộ là nơi xảy ra TNGT nhiều nhất trong những năm qua. Nguyên do trước hết là vì những tuyến đường này luôn có mật độ phương tiện lưu thông đông đúc. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật đường bộ trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ còn nhiều hạn chế cũng là nguyên nhân chính dẫn đến TNGT. Trong đó, tình trạng xuống cấp, hư hỏng, thiếu hệ thống chiếu sáng, thiếu biển cảnh báo ở những chỗ nguy hiểm là những hạn chế vẫn còn tồn tại.

Các báo cáo của cơ quan chức năng đều cho thấy, TNGT xảy ra nhiều vào thời điểm từ 18 đến 22 giờ, dù đây chưa hẳn là lúc tập trung nhiều phương tiện lưu thông cao nhất trong ngày. Theo chúng tôi, việc thiếu hệ thống chiếu sáng công cộng trên nhiều tuyến đường cũng là một trong những yếu tố gây TNGT.

Điều này rất dễ thấy khi phần lớn các vụ TNGT về đêm đã xảy ra ở những quãng đường thiếu sáng, trong khi ở các khu vực có hệ thống đèn đường thì tai nạn ít hơn. Cây cối ven đường không được phát quang, gây cản trở tầm nhìn, nhất là ở các giao lộ, các khúc quanh cũng là nguyên nhân gây ra không ít vụ TNGT. Thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền địa phương cần thường xuyên tổ chức phát quang hai bên đường, đồng thời tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng ở những đoạn đường vắng, đường hẹp, chỗ khúc cua, không nên mở đèn quá muộn, tắt đèn quá sớm.

Để kéo giảm TNGT đường bộ, song song với việc thực hiện các biện pháp trước mắt trên, thiết nghĩ lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát. Tâm lý chung của người tham gia giao thông là sẽ luôn cẩn trọng hơn khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường.

HOÀNG THI

Từ khóa:
Tin liên quan