Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp
2022-11-01 22:39:38

Sau 2 năm đại dịch, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh năm 2022 khá cao, do vậy, trong 7 tháng năm 2022, tín dụng của toàn ngành ngân hàng nói chung và của ngành ngân hàng Tây Ninh nói riêng có mức tăng trưởng mạnh, cao hơn mức tăng của cùng kỳ những năm trước.

Nhân viên ngân hàng tư vấn cho khách hàng (ảnh minh hoạ).

Trong 7 tháng năm 2022, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành là 9,75% và của ngân hàng Tây Ninh là 7% (cùng kỳ tăng 5%). Hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng thực hiện theo Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Việc cấp tín dụng do TCTD tự thoả thuận với khách hàng và phải bảo đảm theo quy định của pháp luật; việc xác định mức vốn cho vay của TCTD với khách hàng trên cơ sở nhu cầu vốn của phương án sản xuất kinh doanh, giá trị tài sản thế chấp, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm được giao của TCTD.

Về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, năm 2022 với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu và tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ phân bổ chi tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 còn lại, các TCTD sẽ có điều kiện để đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp.

Về việc cho vay đối với các hợp tác xã, thời gian qua, các ngân hàng trong tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ các hợp tác xã trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, nhất là hợp tác xã trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản theo Nghị định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP).

Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã tiếp cận vốn vay tín dụng ngân hàng rất ít do chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định, như: Vốn điều lệ của nhiều hợp tác xã khá thấp (100 - 200 triệu đồng), không có tài sản chung, không có trụ sở hoạt động, không có tài sản bảo đảm; cơ cấu tổ chức, công tác quản trị điều hành, năng lực tổ chức, quản lý hoạt động còn hạn chế; không có phương án sản xuất kinh doanh khả thi; chưa thực hiện đúng quy định về quản lý tài chính kế toán, chưa tuân thủ các nguyên tắc của Luật Hợp tác xã.

Trong thời gian tới, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương, nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể được sửa đổi, ban hành mới, những khó khăn của kinh tế tập thể sẽ được tháo gỡ.

Về chương trình tín dụng ưu đãi, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN ngày 20.5.2022 hướng dẫn các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ Ngân sách Nhà nước (tổng gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng) đối với các khoản vay bằng đồng Việt Nam phát sinh từ hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại đối với khách hàng là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có mục đích sử dụng vốn vay theo quy định (hỗ trợ lãi suất 2% trên tổng dư nợ được áp dụng trong 2 năm (1.1.2022 - 31.12.2023).

Ngân hàng thương mại cho vay hỗ trợ lãi suất theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay và Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ: khách hàng bảo đảm các điều kiện vay vốn; có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi theo đánh giá của ngân hàng thương mại, sử dụng vốn vay đúng mục đích...

Hiện nay, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn đang triển khai thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và hướng dẫn của trụ sở chính; hướng dẫn cụ thể  thủ tục hỗ trợ cho khách hàng. Ngoài ra, các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn trong từng thời kỳ đều có những gói tín dụng, chương trình cho vay ưu đãi theo từng đối tượng, lĩnh vực.

Giang Hà

Tin liên quan