Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tiện lợi, mà chưa yên tâm
2015-08-25 05:57:00

(BTNO) - Do đặc thù công việc nên tôi thường đi các tỉnh miền Tây, và xe khách giường nằm là lựa chọn, vì sự thoải mái cho những chuyến đi xa. Qua thực tế cho thấy, loại xe dịch vụ này có nhiều tiện ích cho người dân, nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Hành khách lớp ngồi trên giường, lớp nằm chen chúc dưới lối đi.

XE GIƯỜNG NẰM- PHƯƠNG TIỆN CỦA VĂN MINH

Hơn ba mươi năm trước, mỗi lần muốn đi về miền Tây hoặc từ miền Tây lên Tây Ninh, ám ảnh lớn nhất là phương tiện giao thông. Để có được một tấm vé xe đò, hành khách phải thức khuya, dậy sớm ra bến xe xếp hàng chầu chực, rất khổ sở.

Nhiều khi, từ Tây Ninh đi được tới TP. Hồ Chí Minh thì hết xe về miền Tây, phải ngủ lại bến xe một đêm, đợi đến khuya mới mua vé đi tiếp được nữa. Từ miền Tây đi lên Tây Ninh cũng vậy. Đôi khi phải ngủ lại dọc đường, ngày hôm sau mới đi tiếp.

Xe thì cũ kỹ, không có máy lạnh, máy quạt gì cả, chỉ có thể hưởng thụ chút ít gió trời thổi qua cửa sổ. Trên xe thì nhồi nhét người, hàng hoá và đôi khi cả gia súc. Thái độ phục vụ của tài xế, phụ xế hoặc chủ xe cũng luôn là nỗi sợ hãi của hành khách. Có lần, ngồi trên xe, tôi chỉ vô tình nói lỡ một câu, lập tức bị tài xế mắng té tát và kiên quyết đòi đuổi xuống xe.

Theo đà phát triển kinh tế, dịch vụ xe khách hôm nay đã khác. Những chuyến xe “bão táp”, dần dần được thay thế bởi những chiếc xe khách tương đối mới, tiện nghi và phục vụ chu đáo. Bây giờ, từ Tây Ninh đi bất cứ tỉnh, thành nào (và ngược lại), chỉ cần một cú điện thoại là những công ty chuyên kinh doanh dịch vụ xe khách trong tỉnh điều xe trung chuyển đến đón và trả khách tận nhà.

Trong sự tiện nghi của dịch vụ vận chuyển, xe khách giường nằm là một bước tiến đáng kể. Có thể ví xe giường nằm như một phòng ngủ di động. Trên xe thiết kế ba dãy giường tầng. Mỗi gường chiều ngang khoảng 0,5 mét x chiều dài khoảng 1,7 mét.

Tất cả các giường đều lót nệm trông khá sạch sẽ. Lối đi giữa các dãy giường cũng được trải nệm. Hành khách vừa bước lên xe, lập tức được phụ xế hướng dẫn bỏ giày, dép vào một cái bọc ni lông đen và đi chân trần trên lối đi, rồi bước lên giường. Không khí trong xe luôn mát lạnh bởi máy điều hoà. Tôi đi miền Tây, lên xe lúc chạng vạng tối, ngủ một giấc, mở mắt ra là vừa kịp đón bình minh.

VÀI VIỆC CẦN CHẤN CHỈNH

Nếu xét một cách tổng quát thì dịch vụ xe giường nằm vẫn còn một số vấn đề chưa ổn. Cụ thể như khi xe qua phà, không hiểu vì sao không thấy tài xế, phụ xế hay chủ xe nhắc nhở hành khách xuống xe. Tối 14.8.2015, tôi đi từ miền Tây về Tây Ninh trên một chiếc xe giường nằm, khi qua phà An Hoà (TP. Long Xuyên, An Giang) tôi không nghe những người có trách nhiệm nhắc nhở hành khách xuống xe.

Chỉ có một mình tôi là tự giác bước xuống, còn lại, toàn bộ hành khách đều bình thản nằm trùm mền trên xe. Luật Giao thông đường bộ quy định: “Khi xuống phà, đang ở trên phà và khi lên bến, mọi người phải xuống xe, trừ người điều khiển xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, người bệnh, người già yếu và người khuyết tật nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho hành khách nếu chẳng may có sự cố bất ngờ”.

Chẳng lẽ xe giường nằm có một chế độ ưu tiên đặc biệt hay nằm ngoài luật? Ban đêm, dòng sông Hậu rộng mênh mông, từ bờ bên này nhìn không thấy bờ bên kia. Gió đêm lồng lộng, lạnh ngắt. Sóng đánh oàm oạp dưới mạn phà. Ngồi trên xe mà tôi rùng mình suy nghĩ, nếu chẳng may có sự cố gì xảy ra, không biết số phận của hàng chục con người đang nằm ngủ trên xe sẽ ra sao?

Một vấn đề khác, là vẫn còn tình trạng đón khách dọc đường, dù giường nằm đã hết chỗ khiến hành khách lên sau phải nằm chen chúc hoặc ngồi trên lối đi. Do vậy, khi những người trên giường muốn xuống xe đi vệ sinh hoặc đi ăn uống đều phải bước qua đầu, qua cổ, qua thân mình những hành khách đang ngủ giữa lối đi.

Đó là chưa kể, các nhà xe đón thêm nhiều hành khách dọc đường, dẫn đến quá số lượng người theo quy định và quá tải trọng. Trong quá trình tham gia giao thông, thỉnh thoảng, tôi cũng thấy có một vài cảnh sát giao thông ra hiệu xe giường nằm tấp vào lề để kiểm tra. Thử quan sát, tôi thấy các chiến sĩ này chỉ kiểm tra giấy tờ xe, bằng lái của tài xế, chứ không thấy “anh” nào bước lên xe để kiểm tra số lượng hành khách (?!).

Thêm một “khó chịu” nữa thuộc lĩnh vực văn hoá văn nghệ. Nhiều dịp đi trên một số xe giường nằm chạy vào ban đêm, tôi nhận thấy hầu hết có một đặc điểm chung là mở cho hành khách nghe loại nhạc hải ngoại, nhạc “vàng” hoặc các tiểu phẩm tấu hài, đa số cũng là hải ngoại.

Các bản nhạc hải ngoại, nhạc “vàng” khi mở lên nghe rất buồn bã, uỷ mị và dễ làm người nghe có ý nghĩ tiêu cực. Trong khi đó, âm nhạc trong nước có rất nhiều bài hát về truyền thống cách mạng, nhạc dân ca đậm đà giai điệu quê hương thì hầu như “vắng bóng”.

Chuyện bán vé cho hành khách cũng là điều cần chấn chỉnh. Hầu hết hành khách đi xe giường nằm đều đến tận “nhà xe”- nơi chủ nhà để xe- để bắt đầu xuất phát. Một số ít ra bến xe hoặc được xe rước dọc đường. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung là tất cả hành khách không mua được vé, mà được chủ xe trực tiếp thu tiền.

Bản thân tôi mỗi lần đi công tác đều cần vé xe để về thanh toán cước phí với cơ quan, nên khi đến “nhà xe”, đều nhắc việc xé vé, chủ xe gật đầu, bảo lên xe. Lên xe xong, khi chủ xe đến từng giường thu tiền, tôi lại nhắc việc đưa vé. Chủ xe lại ừ hử cho qua chuyện, chứ cũng chưa chịu đưa vé. Đến khi “đòi” quá, chủ xe mới bảo khi nào về, đến “nhà xe” lấy vé.

Một trong những xe giường nằm của Tây Ninh hoạt động tuyến miền Tây- Tây Ninh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề xe giường nằm, ông Hồ Ngọc Thới, Trưởng Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải Tây Ninh) cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có tổng cộng 20 xe giường nằm của 7 công ty, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân hoạt động.

Trách nhiệm của Phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái chỉ theo dõi và kiểm tra “hộp đen” của các xe giường nằm, để xem các xe này chạy có đúng tốc độ không; dừng, đỗ xe có đúng nơi quy định không… còn việc kiểm tra, xử phạt xe chở quá số người theo quy định là trách nhiệm của cảnh sát giao thông trên tuyến đường. Để cho xe qua phà mà không nhắc nhở hành khách xuống xe là lỗi của nhân viên điều khiển bến phà. Chủ xe không xé vé cho hành khách là không đúng với quy định.

Cuộc sống ngày càng văn minh hiện đại, dịch vụ xe giường nằm phát triển để đáp ứng nhu cầu xã hội là việc đáng ghi nhận. Nhưng, nếu các chủ xe tuân thủ quy định của Luật Giao thông đường bộ và chấp hành những quy định về việc xé vé, tuyên truyền văn hoá văn nghệ trên xe, thì “hình ảnh” những chiếc xe giường nằm sẽ đẹp hơn, an toàn hơn đối với hành khách.  

Thảo Nguyên

Một số tai nạn giao thông có liên quan đến xe giường nằm:

* Khoảng 19 giờ tối 1.9.2004, xe khách loại 46 chỗ nằm và một ghế ngồi chở theo 48 người từ Sa Pa về thành phố Lào Cai. Đến đoạn Tòng Sành - Dốc ba tầng trên quốc lộ 4D, xe khách đã lao xuống vực sau khi húc vào một xe 4 chỗ chạy ngược chiều. Ô tô khách biến dạng hoàn toàn, vỡ rời nhiều bộ phận. 13 hành khách đã tử vong, những người còn lại được cấp cứu tại bệnh viện.

* 1 giờ 45 phút ngày 23.6.2015, xe giường nằm 46 chỗ chở đầy khách chạy trên quốc lộ 27, tuyến Gia Lai đi Đà Lạt. Khi qua khúc cua trên đèo Chuối (xã Phi Liêng, huyện Đam Rông, Lâm Đồng) ô tô được cho là tránh xe tải chạy chiều ngược lại, lấn trái. Vụ tai nạn khiến một người tử vong, gần 50 hành khách trên xe, trong đó có nhiều trẻ em và hai du khách quốc tịch Pháp hoảng loạn.

* Khoảng 2 giờ sáng 11.8.2015, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn giữa 3 xe khách giường nằm đã xảy ra trên quốc lộ 20 (đoạn qua thôn 1, xã Hà Lâm, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng) khiến một người chết, 7 người bị thương.

Từ khóa:
Tin liên quan