Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức kinh tế tập thể
2022-12-16 06:04:03

Theo UBND tỉnh, công tác phát triển kinh tế tập thể (KTTT) luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách được ban hành, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển.

Các thành viên HTX nông nghiệp Bàu Đồn tham quan mô hình máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật (ảnh: Minh Dương)

Dù vậy, đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài, kinh tế thế giới còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế trong nước, trong đó có KTTT. Sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường là thách thức đối với khu vực kinh tế tập thể, trong khi những hạn chế của khu vực KTTT chậm được khắc phục, tỷ lệ hợp tác xã (HTX) yếu kém khá nhiều.

Trình độ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của HTX chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới trong quá trình hội nhập. Nhiều tổ chức kinh tế hợp tác còn lúng túng trong hoạt động, chưa hấp dẫn thu hút thành viên tham gia.

Nội lực của HTX, THT còn nhiều hạn chế, chưa đủ sức hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất. Việc phát triển các tổ hợp tác (THT) còn mang tính tự phát, tổ chức thiếu chặt chẽ nên gặp nhiều khó khăn trong giao dịch kinh tế, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước...

Phát triển KTTT với nòng cốt là HTX gắn với xây dựng nông thôn mới

Trước thực trạng đó, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng kế hoạch phát triển KTTT, HTX năm 2023 với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho KTTT phát triển bền vững; nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình HTX trên địa bàn tỉnh; quan tâm mô hình HTX liên kết gắn với chuỗi giá trị, phát triển mô hình HTX đa dịch vụ, đa ngành nghề, HTX ứng dụng công nghệ cao; tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận chính sách khuyến khích phát triển HTX, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng mô hình HTX trong các ngành, lĩnh vực mới như HTX chợ, dịch vụ...

Tỉnh đặt mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, trọng tâm là phát triển sản xuất sản phẩm hàng hoá chủ lực địa phương theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao giá trị gia tăng; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, tăng mạnh các hình thức hợp tác liên doanh, liên kết; đa dạng hoá trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững, tăng mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Trong giai đoạn tới, Tây Ninh sẽ phát triển KTTT với nòng cốt là HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng phát triển cộng đồng, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đặc biệt là đối với nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2023, khu vực KTTT, HTX của tỉnh có vị trí và vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh.

Tỉnh đặt mục tiêu phát triển số lượng, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HTX, THT; tăng thu nhập và cải thiện đời sống thành viên và chia sẻ lợi ích cộng đồng; khuyến khích phát triển HTX, liên hiệp HTX, THT ở các lĩnh vực ngành nghề mới, các lĩnh vực kinh tế tiềm năng của tỉnh, HTX đa ngành nghề, HTX hoạt động trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ nông sản và thu gom, vận chuyển rác thải nông thôn...

Sẽ có thêm chính sách phát triển KTTT

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh nêu một số giải pháp phát triển kinh tế tập thể trong năm 2023 như: Tiếp tục tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Luật HTX và các văn bản có liên quan nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức đối với mô hình HTX, nhất là về các nguyên tắc, giá trị và bản chất của HTX bằng nhiều hình thức, đa dạng thể loại trên các phương tiện truyền thông; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về KTTT, về chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý THT, HTX cũng như đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản trị cho bộ máy quản lý điều hành HTX.

UBND tỉnh đặc biệt quan tâm vấn đề đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển KTTT như triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển KTTT, HTX giai đoạn 2021-2025.

Đồng thời, UBND tỉnh sẽ cho rà soát, đề xuất HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX tỉnh theo hướng tập trung nguồn lực, phù hợp với thực tiễn. Trong đó, có thể có một số chính sách như: Chính sách phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai (tạo điều kiện khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm); chính sách tín dụng; chính sách khoa học - công nghệ; chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Song song đó, tỉnh tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động các tổ chức KTTT như: rà soát, sắp xếp lại các HTX hoạt động không hiệu quả; xử lý dứt điểm các HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo quy định của pháp luật.

Khuyến khích các HTX cùng ngành nghề sáp nhập, mở rộng thành viên, đa dạng hoá các dạng thành viên trong tổ chức KTTT để tăng quy mô về vốn, gia tăng thị phần, tạo điều kiện phát triển kinh doanh và dịch vụ, mở rộng ngành nghề mới. Ưu tiên hỗ trợ THT, HTX gắn với chuỗi giá trị, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và có tác động đến thành viên và cộng đồng.

Đồng thời, để phát triển KTTT, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KTTT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới cùng với việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh HTX tỉnh đối với KTTT.

Một số mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2023, toàn tỉnh có 185 HTX với 40.667 thành viên, 134 THT với 2.760 thành viên. Trong đó, số thành lập mới là 15 HTX và 10 THT, đồng thời giải thể 5 HTX.

Doanh thu bình quân HTX là khoảng 15 tỷ đồng/HTX, lãi bình quân là 365 triệu đồng/HTX. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động HTX là 83 triệu đồng/người/năm.

Số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá là 74 HTX- chiếm trên 40% tổng số HTX trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ cán bộ quản lý HTX tốt nghiệp cao đẳng, đại học là 35%.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; phấn đấu năm 2023 có 27 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ nông sản và thực hiện truy xuất nguồn gốc (trên 20% HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và hoạt động sản xuất kinh doanh); 80 HTX có tham gia liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

An Khang

Tin liên quan