Đọc báo in
Tải ứng dụng
Trần Phúc Hưng: 35 năm làm “shipper” cho báo
2021-10-08 14:33:43

35 năm chỉ chuyên một việc phát hành báo. Nếu tính từ đời Tổng Biên tập Lê Minh Thành (1986) đến Trần Thị Mỹ Linh hiện giờ, anh đã làm “shipper” cho Báo Tây Ninh qua 9 đời Tổng Biên tập và phụ trách báo nhưng hiếm khi bị than phiền về công tác phát hành.

Nhận báo vào lúc 5 giờ sáng trước cổng Toà soạn Báo Tây Ninh.

Năm 1980, cầm quyết định chuyển ngành, Thượng sĩ Hải quân Trần Phúc Hưng điền sẵn thông tin trên 3 tờ đơn xin việc: 2 tờ gửi Công ty đánh cá Chiến Thắng TP. Hồ Chí Minh, Công ty chăn nuôi Cần Thơ, tờ còn lại để trống….

Công ty Chiến Thắng đồng ý nhận nhưng anh không có nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh. Trong khi chờ Công ty chăn nuôi Cần thơ trả lời, anh chạy về Tây Ninh kiếm chỗ gửi đơn xin việc. Đêm ngủ lại khách sạn Thống Nhất (nay là khu trụ sở các ban Đảng), may mắn gặp được giám đốc khách sạn, anh ngỏ lời và được nhận, rồi trở thành nhân viên bảo vệ Ban Tài chính Tỉnh uỷ Tây Ninh.

Năm 1986, sau Đại hội VI của Đảng, thị trường báo chí thời đổi mới có những chuyển biến mạnh mẽ, sôi động, cạnh tranh phát hành quyết liệt… Với tần suất phát hành mỗi tuần một kỳ, mỗi kỳ khoảng 2.000 số, Báo Tây Ninh muốn có bạn đọc nhiều hơn cần một người chuyên trách phát hành. Trần Phúc Hưng lọt vào “tầm ngắm” lãnh đạo báo và cũng kể từ đó, anh “dính chặt” với công tác này cho đến tận ngày nay - dù anh đã có quyết định nghỉ hưu từ hai năm trước.

Anh Trần Phúc Hưng (bên trái) và ông Nguyễn Văn Quế (75 tuổi), Chủ tịch Câu lạc bộ dưỡng sinh kiêm CLB đọc báo xã Tân Bình (huyện Tân Biên).

Tôi nhẩm tính, từ năm 1986, lúc Báo Tây Ninh xuất bản 2.000 tờ/tuần đến ngày 12.1.2015, con số này đã tăng lên đến 60.000 tờ/tuần. Đối với người làm phát hành đơn độc như anh là một thử thách không nhỏ. Nhưng suốt năm năm nay, với hơn 20 triệu tờ báo được trao đúng giờ, tận tay bạn đọc ở 1.470 chi bộ cơ sở và 1.024 tổ tự quản khắp 94 xã/ phường/thị trấn trong toàn tỉnh, đó quả là một kỳ tích có một không hai.

Phát hành, tuy là công việc thầm lặng, độc giả không nhớ tên nhưng đóng một vai trò rất quan trọng đối với sự tồn tại bền vững của một tờ báo. Anh Hưng tâm sự: “Người làm công tác phát hành phải thật sự yêu mến tờ báo của mình mới trụ vững.

Nếu không, những người theo đuổi cái nghề không ai biết, cũng chẳng mấy vinh dự này rất dễ bỏ cuộc. Ngay từ đầu được gợi ý chuyển về Báo, tôi đã xác định với anh Nguyễn Đức Tâm, lúc đó là Phó tổng Biên tập rằng: Tôi chỉ lo bán báo suốt đời thôi. Nếu không vậy, nếu cứ phải phân vân này nọ, tôi không có động lực để làm tròn trách nhiệm của mình suốt 35 năm qua”.

Nhắc lại thời đầu làm phát hành, sáng nào anh cũng thức dậy sớm, bỏ áo vô quần, xách chiếc mobylette chạy xì khói xuống Nhà in Hoàng Lê Kha để lấy báo giao cho các sạp quanh các chợ rồi cà kê dê ngỗng gợi ý xây dựng đại lý… với khoảng cách 200m một điểm, đến hôm nay đã là một mạng lưới phát hành báo chỉn chu ba cấp, tổ chức chuyên nghiệp, quy mô và rộng khắp, với cơ sở vật chất, hạ tầng mạng lưới dịch vụ, phương tiện vận chuyển phù hợp, an toàn và gần như không có người thay thế. Tôi đùa: Phải gọi anh là Hưng shipper đời… vĩnh viễn của Báo Tây Ninh mới đúng.

Nhân viên giao báo đến xã Tân Hà, huyện Tân Châu.

Anh cười khà khà, một kiểu cười của người luôn bình thản với mọi việc. Khen chỉ là cho vui, chứ thật ra khi làm nghề bán báo, anh cũng đã xác định, phải cố làm sao để bán được nhiều báo mà thôi. Anh nói, khi nhận nhiệm vụ, mục tiêu đầu tiên mà tôi đặt ra là xây dựng cho được 100 đại lý.

Vì vậy, cứ ngó nghiêng nhà mặt tiền, chủ nhà là thầy, cô giáo hoặc sạp tạp hoá là mời gọi tham gia… ban đầu chỉ là ký gửi, mỗi điểm treo 4-5 tờ, bán không hết trả lại. Chủ yếu là để bạn đọc có cơ hội tiếp cận với măng-set Báo Tây Ninh. Khi thị trường báo chí sôi động, báo thành phố thu hút bạn đọc bằng các bài viết về vụ án, tôi đề xuất Ban biên tập bổ sung thêm câu chuyện cảnh giác, các vụ án… số phát hành báo tăng lên rõ rệt, đỉnh điểm 7.000 tờ/kỳ báo.

Nắm bắt nhu cầu của bạn đọc và tìm hiểu lý do vì sao báo thành phố có số phát hành cao, để duy trì số phát hành của Báo Tây Ninh, anh còn đề nghị phần nội dung báo cập nhật thêm sự kiện nước Mỹ bị tấn công khủng bố ngày 11.9.2001, chiến sự vùng Vịnh…

Khi lực lượng phóng viên “đuối”, anh chủ động đặt bài cho các cây bút nổi tiếng ở thành phố, như Huỳnh Bá Thành, Trần Xuân Dũng, Phi Long… nhuận bút báo “bèo bọt” nên anh phải móc túi đắp thêm cho xứng với tên tuổi của tác giả.

Thậm chí, dù  thiết kế, trình bày báo không phải là nghiệp vụ của mình, nhưng anh cũng tự mình tìm gặp hoạ sĩ Từ Huy, phụ trách thiết kế trình bày báo Phụ Nữ TP. Hồ Chí Minh để học hỏi thêm cách trình bày báo sao cho đẹp hơn, “bắt mắt” hơn, rồi trao đổi lại với bộ phận trình bày của Báo Tây Ninh. Học phí cho các khoá học kiểu thân quen này đương nhiên là tiền túi bỏ ra, nhưng bù lại, anh thấy mình đã làm tròn trách nhiệm.

Ông Nguyễn Văn Tâm- Trưởng Ban quản lý ấp Tân Trung, xã Tân Hà, huyện Tân Châu chăm chú đọc Báo Tây Ninh vừa được phát hành.

35 năm chỉ chuyên một việc phát hành báo. Nếu tính từ đời Tổng Biên tập Lê Minh Thành (1986) đến Trần Thị Mỹ Linh hiện giờ, anh đã làm “shipper” cho Báo Tây Ninh qua 9 đời Tổng Biên tập và phụ trách báo nhưng hiếm khi bị than phiền về công tác phát hành. Đó là điều quá tuyệt vời đối với một nhân viên hạng “quèn” như anh thừa nhận.

Đời làm phát hành, có những lần rầu “thúi ruột” khi gặp những sự cố không đáng có. Nhưng anh bảo, việc phát hành báo ổn định, bền vững như ngày hôm nay đã là niềm vui to lớn rồi, không cần phải nhớ những chuyện buồn buồn, nho nhỏ đó.

PN Nguyễn Thiện

Tin liên quan