Đọc báo in
Tải ứng dụng
Uống rượu, bia vẫn cầm lái chạy xe: hại mình, hại người.
2014-10-01 02:48:00

(BTNO) - Thiết nghĩ trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT đối với hành vi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức quy định, cũng cần kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, bia, nhất là ở các nhà hàng, quán ăn...

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn thành phố Tây Ninh.

Uống rượu, bia từ lâu đã trở thành thói quen của nhiều người với câu cửa miệng: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”. Vì thế cứ mỗi lần gặp mặt, chia tay, hay có việc hiếu hỉ… người ta lại đều lấy rượu, bia để đãi nhau.

Điều đáng sợ là khi đã uống rượu, bia rồi người ta lại điều khiển giao thông thì thật là tai hại. Bởi một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn giao thông, mà theo bất cứ báo cáo nào về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của các địa phương trong nhiều năm qua đều có nêu ra, là do người điều khiển phương tiện khi đã có nồng độ cồn trong người.

Ví dụ như theo báo cáo quý II.2014 của Ban ATGT tỉnh, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 72 người và bị thương 112 người.

Trong đó nguyên nhân gây tai nạn chủ yếu là do người điều khiển phương tiện đi không đúng làn đường, phần đường quy định, vi phạm tốc độ; sử dụng rượu, bia… Cũng trong quý II, lực lượng CSGT đã lập biên bản 19.628 trường hợp vi phạm, trong đó lỗi có nồng độ cồn quá quy định chiếm đa số với 7.614 trường hợp .

Minh chứng sau đây là một số trường hợp gây tai nạn giao thông nghiêm trọng mà người điều khiển phương tiện là “ma men” do báo chí đã đề cập. Chẳng hạn như tại một phiên toà trong tháng 1.2014, TAND huyện Gò Dầu đã tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Thanh (SN 1992, cư trú tại xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh) 4 năm tù giam về tội danh vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Theo cáo trạng, vào khoảng 2 giờ 10 phút ngày 13.7.2013, Trần Quốc Thanh dù đã có uống rượu vẫn điều khiển xe ô tô tải mang biển số 54Z-3043 đi theo hướng từ huyện Trảng Bàng về xã Phước Đông, Gò Dầu. Khi đến khu vực ấp Suối Cao B, xe của Thanh lấn sang lề trái, đụng vào mô tô mang biển số 70H6-4747 do anh Nguyễn Văn Giáo điều khiển, chở theo sau Đặng Hồng Phê và Phan Minh Thông đi hướng ngược lại. Tai nạn đã làm cho Phê tử vong tại chỗ, Giáo bị thương tích 23%, Thông bị thương tích 11%.

Trường hợp thứ hai là vào ngày 22.8.2014, TAND tỉnh đã xử phạt Shin Jo Soo (SN 1959, quốc tịch Hàn Quốc) 3 năm tù “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Theo cáo trạng, ngày 13.4.2014 trên đường đi công tác, Soo đã uống rượu, bia và điều khiển xe trên tỉnh lộ 790 (thuộc ấp 1, xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu), xe lấn trái, vượt qua xe tải cùng chiều phía trước nên đã đụng vào xe mô tô của bà Lê Thị U điều khiển đang dừng sát lề phải theo hướng đi của bà.

Tai nạn xảy ra làm bà U tử vong tại hiện trường. Công an huyện Dương Minh Châu xác định Shin Jo Soo điều khiển xe không có giấy phép lái xe theo quy định pháp luật Việt Nam. Khi gây tai nạn, nồng độ cồn trong máu của Soo được xác định là 213mg/100ml máu.

Và rất còn nhiều trường hợp mà người say rượu điều khiển phương tiện giao thông tự gây tai nạn, gây ra cho mình và người đồng hành những hậu quả khôn lường; khiến nhiều gia đình phải gánh chịu nỗi đau rất lớn, vĩnh viễn mất đi người cha, người mẹ, người anh, người em, người con...; hoặc người bị tai nạn còn sống nhưng thương tật, chẳng những khổ sở cho bản thân mà còn là gánh nặng cho gia đình.

Đồng thời, khi tai nạn xảy ra còn gây nhiều thiệt hại về kinh tế đối với gia đình hai bên liên quan cũng như xã hội, khiến cho nhiều gia đình hoàn cảnh đã khó lại càng thêm khó!

Những năm qua, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc tăng cường chế tài để xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển giao thông khi đã sử dụng rượu, bia. Gần đây nhất là Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/lít khí thở; ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 1 tháng.

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở; ngoài ra, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 2 tháng.

 Về phía ngành chức năng, Bộ Công an cũng đã chỉ đạo lực lượng CSGT tăng cường công tác tuần tra, phát hiện và xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn; tỉnh Tây Ninh cũng tích cực triển khai và đẩy mạnh thực hiện chỉ đạo này. Song đến nay, tình trạng người uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông và gây tai nạn vẫn còn phổ biến.

Do đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, xử lý của lực lượng CSGT đối với hành vi người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt mức quy định, cũng cần kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng rượu, bia, nhất là ở các nhà hàng, quán ăn...

Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với vấn đề tai nạn giao thông để mỗi người dân nâng cao ý thức và hình thành thói quen không uống rượu, bia khi điều khiển các phương tiện giao thông. Và trước hết vẫn là mỗi người chúng ta nên tự nhận thức về tác hại của rượu, bia khi cầm lái. Nếu không, khi tai nạn xảy ra thì hối hận cũng đã muộn.

QUẾ HƯƠNG

Từ khóa:
Tin liên quan