Đọc báo in
Tải ứng dụng
Văn hoá giao thông bắt đầu từ người lớn
2014-10-28 10:46:00

(BTNO) - Bây giờ ra đường chúng ta rất dễ nhận thấy nhiều người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Và ai cũng nghĩ một cách đơn giản và… rất kỳ cục là khi ra đường bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra, phát hiện lỗi thì… mới là vi phạm Luật Giao thông.

Học sinh đi xe phân khối lớn không đội mũ bảo hiểm (ảnh minh hoạ).

Xã hội chúng ta đang xây dựng nếp sống văn hoá mới, trong đó có “văn hoá giao thông”. Văn hoá giao thông là gì? Đã có văn bản của cơ quan chức năng Nhà nước đưa ra quy định cụ thể, nhưng điều quan trọng nhất mà ai cũng biết, văn hoá của người tham gia giao thông là phải đi đường đúng luật, phải chấp hành nghiêm túc các quy tắc giao thông trên đường.

Thế nhưng, bây giờ ra đường chúng ta rất dễ nhận thấy nhiều người vi phạm pháp luật về an toàn giao thông. Và ai cũng nghĩ một cách đơn giản và… rất kỳ cục là khi ra đường bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe kiểm tra, phát hiện lỗi thì… mới là vi phạm Luật Giao thông. Hiện nay hệ thống giao thông đường bộ trên đất nước ta khá phát triển từ thành thị đến nông thôn. Phương tiện giao thông tăng chóng mặt, vậy mà việc nâng dần ý thức chấp hành pháp luật giao thông lại còn rất hạn chế!

Một ví dụ điển hình là Nghị quyết 32/2007/NQ-CP, ngày 29.6.2007 của Chính phủ bắt buộc mọi người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện phải đội mũ bảo hiểm, đó là quy định đúng đắn, kịp thời. Trong những năm qua việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy thành một thói quen, một nét văn hoá mới trong đời sống xã hội. Bây giờ nếu ai đó đi xe mô tô ra đường mà không đội mũ bảo hiểm là tự thấy rất khó chịu vì mình khác người ta, vậy nên ai cũng có ý thức đội mũ bảo hiểm.

Tuy nhiên vẫn còn không ít người đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy theo kiểu đối phó với cơ quan chức năng như dùng mũ dỏm, mũ kém chất lượng, đội cho có. Khi có tai nạn xảy ra thì hậu quả rất nặng nề cho bản thân. Tôi thấy nhan nhản trên đường vẫn còn không ít người lớn, thanh niên chưa có ý thức trong việc đội mũ bảo hiểm để bảo vệ chính mình.

Chính cách nghĩ đối phó này mà nhiều loại mũ bảo hiểm dỏm cứ tồn tại và bán nhan nhản ở khắp các tuyến đường từ nông thôn ra đến thành phố. Tại Tây Ninh, qua báo, đài của tỉnh tôi được biết là tỉnh đã có biện pháp xử lý rất quyết liệt đối với việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm không đúng chất lượng. Tuy nhiên, cũng qua báo đài của tỉnh mà tôi được biết, nạn kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm dỏm vẫn chưa phải chấm dứt một cách triệt để.

Các cháu học sinh từ tiểu học đến trung học được nhà trường giáo dục an toàn giao thông trong chương trình chính khoá, cũng như ngoại khoá thông qua các hoạt động của Đoàn, Đội trong nhà trường, và của các đoàn thể địa phương…

Việc giáo dục tuyên truyền này là “đúng địa chỉ”, có định hướng bài bản song nó vẫn còn nhiều bất cập. Các em được trang bị kiến thức về an toàn giao thông là để vận dụng ngay vào đời sống, tuy nhiên trẻ tiểu học đa số do cha mẹ, người lớn chở đến lớp thì “phải” đi đứng đủ kiểu và phải chứng kiến nhiều hình ảnh trái ngược với những gì các cháu được học. Rất nhiều người chạy vượt đèn đỏ, chở ba chở bốn, không đội mũ bảo hiểm, nhiều thanh niên chạy quá tốc độ quy định, chạy lạng lách, đánh võng trên đường…

Đây chính là hình ảnh xấu, phản cảm, tác động rất mạnh vào ý thức trẻ em. Như thế thì sao các cháu học sinh nhỏ sẽ hình thành và thực hiện tốt văn hoá giao thông được?!  Học sinh ở trường được thầy cô dạy cái hay, cái đúng, nhưng người thân đưa đón các cháu đi học thì thực hành không đúng, khiến cho việc giáo dục an toàn giao thông sẽ không có hiệu quả.

Như vậy chúng ta phải tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông từ cha mẹ, người lớn, đồng bộ với việc giáo dục học sinh. Người lớn gương mẫu trong tham gia giao thông thì kết quả giáo dục các cháu chấp hành Luật Giao thông mới tốt được.

Đối với các em học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông, hiện nay còn có không ít trường hợp các em đi xe mô tô, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, chạy hàng hai hàng ba trên đường; thậm chí có cả trường hợp đi xe máy phân khối lớn chở ba chạy lạng lách trên đường, vi phạm Luật Giao thông. Phải chăng các em chưa được nhà trường quan tâm kiểm tra nhắc nhở? Hay cha mẹ lơ là trong việc uốn nắn hành vi của các em?

Một điều rất đáng báo động, nhưng không khó ngăn chặn là tình trạng nhiều gia đình nuông chiều, giao xe mô tô, xe máy cho con em chưa đủ tuổi sử dụng. Chính việc làm này tạo điều kiện cho các em vi phạm Luật Giao thông.

Theo tôi, giữa nhà trường, gia đình, các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp giải quyết thật cụ thể như cha mẹ chỉ cho con em đi xe đạp đến trường; nếu nhà xa, các em cần đi học bằng xe máy thì phải là xe máy dưới 50cc, hoặc đi xe đạp điện, và tất cả đều phải đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn; phải đi hàng một, không đẩy kéo lẫn nhau, không vượt đèn đỏ…

Trong mỗi giờ sinh hoạt lớp cuối tuần, các buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tuần nhà trường, thầy cô nên dành nhiều thời gian uốn nắn hành vi chưa đúng của các em; tạo điều kiện cho các em trao đổi ý kiến về văn hoá giao thông, những vấn đề hằng ngày các em nhìn thấy khi đi đường, từ đó đánh giá, nhận xét các hành vi đúng - sai … đây là bài học rút ra cho chính các em…

Cảnh sát giao thông nên thường xuyên phối hợp cùng địa phương, trường học phổ biến Luật Giao thông, chỉ ra các lỗi thường gặp để giáo dục các em học sinh- nhất các em học cấp 2, cấp 3. Những việc làm thực tế như thế không phải là khó, nhưng sẽ có hiệu quả giáo dục rất lớn.

Một điều cũng cần suy nghĩ là, nên chăng, tránh việc trách phạt hay nêu cái xấu, việc làm chưa tốt của các em như khi bị cảnh sát giao thông xử phạt hay nhà trường phát hiện lỗi vi phạm về chấp hành pháp luật giao thông ở các em.

Đồng thời cần có các hình thức biểu dương gương người tốt việc tốt trong công tác tuyên truyền thực hiện văn hoá giao thông từ khu dân cư, các cơ quan công sở đến các trường học; tổ chức triển lãm những hình ảnh đẹp về văn hoá giao thông cho học sinh, thanh thiếu niên xem để các em học tập, thực hiện…

Và trước hết, theo tôi, thầy cô giáo, cha mẹ, người lớn luôn phải gương mẫu trong việc thực hiện văn hoá giao thông. Hành vi gương mẫu của người lớn sẽ là bài học thực tế cho chính mình và cho con trẻ noi theo.

NGUYỄN VĂN KỶ

(Nghĩa Thành, Châu Đức,

Bà Rịa - Vũng Tàu)

 

 

Từ khóa:
Tin liên quan