Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Về thăm “Căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu”
Chủ nhật: 09:35 ngày 02/06/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
- Những ai đã từng sống và chiến đấu trên quê hương căn cứ lõm này, nay trở về thăm sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay chưa từng có nơi đây. Trước hết là sự đổi thay về cơ sở hạ tầng giao thông.

Trường THCS xã Phước Thạnh đạt chuẩn quốc gia.

Trên địa bàn xã Phước Thạnh (huyện Gò Dầu) có một khu di tích lịch sử cấp quốc gia, với tên gọi khá đặc biệt “Căn cứ lõm vùng ruột Gò Dầu”. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân dân Gò Dầu kiên cường chiến đấu bảo vệ quê hương, với khẩu hiệu nổi tiếng “Quyết tử giữ Gò Dầu”. Để thực hiện khẩu hiệu này, các đơn vị lực lượng cách mạng xây dựng những lõm căn cứ (căn cứ nhỏ) chiến đấu gần đồn bót địch. Các căn lõm này được xây dựng ở một số xã như Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Thạnh Đức, Cẩm Giang và Phước Thạnh.

Trong đó, căn cứ lõm ở ấp Phước Bình, xã Phước Thạnh là nơi Huyện uỷ và Huyện đội Gò Dầu bám trụ dài ngày nhất, trong những thời điểm khó khăn quyết liệt nhất. Từ căn cứ lõm này, Huyện uỷ Gò Dầu lãnh đạo và chỉ đạo quân dân huyện nhà hai lần “quyết tử” giữ quê hương.

Huyện Gò Dầu có 8 xã và 1 thị trấn, trong đó 7 xã và thị trấn có quốc lộ (quốc lộ 22 và 22B), hoặc tỉnh lộ (tỉnh lộ 782-784) đi qua. Riêng xã Phước Thạnh thì không có một đoạn quốc lộ hoặc tỉnh lộ nào. Đây là địa bàn “vùng ruột” của huyện Gò Dầu. Đại bộ phận nhân dân nơi đây sống bằng nghề nông. Trong những năm kháng chiến, làng quê xã Phước Thạnh bị tàn phá nặng nề.

Sau ngày miền Nam giải phóng, địa phương này thuộc diện xã nghèo nhất của huyện. Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, diện mạo xã nhanh chóng đổi thay.

Ngã ba chợ xã Phước Thạnh.

 Những ai đã từng sống và chiến đấu trên quê hương căn cứ lõm này, nay trở về thăm sẽ không khỏi ngạc nhiên trước sự đổi thay chưa từng có nơi đây. Trước hết là sự đổi thay về cơ sở hạ tầng giao thông. Lúc mới giải phóng, trên địa bàn xã hoàn toàn không có một đoạn đường nhựa nào hết.

Thời gian vừa qua, được Nhà nước đầu tư cộng với người dân đóng công, góp sức, hiện nay, xã có đến 8 con đường trục chính và đường liên xã được láng nhựa, với tổng chiều dài gần 10km (đạt tỷ lệ 100%). Ngoài ra, 11 con đường trục ấp, liên ấp và 7 con đường trục chính nội đồng, trước đây đi lại rất khó khăn, nay cũng được nhựa hoá, với tổng chiều dài hơn 15km. Các con đường trục ấp, nội đồng còn lại và hầu hết các con đường ngõ xóm đều “cứng hoá” bằng sỏi đỏ, hoặc đá mi.

Đường đổi thay, nhà cửa người dân hai bên đường cũng như nhiều căn nhà bên trong đồng ruộng cũng thay đổi theo. Gần đây, các hộ gia đình chính sách, những hộ nghèo khó được sự quan tâm của các ngành, các cấp và qua sự vận động của lãnh đạo địa phương, trên bàn xã đã xây mới được 11 căn nhà tình nghĩa, 22 căn nhà đại đoàn kết. Đến nay, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát. Trong tổng số 2.890 căn nhà người dân, có khoảng 10% nhà được phân loại cấp 2 và 3, còn lại hầu hết nhà cấp 4 (tường gạch, mái tôn, hoặc ngói).

Sự đổi thay lớn ở làng quê này là khu vực ngã ba Phước Hội (trung tâm xã). Nhà cửa được xây mới khang trang, liền kề nhau như khu đô thị. Tại đây có ngôi chợ xã tồn tại từ lâu đời, nay vừa được cải tạo mới với kinh phí trên 300 triệu đồng, bảo đảm việc mua bán cho người dân trong xã.

Chúng tôi còn đến thăm Trường THCS xã Phước Thạnh. Ngôi trường cũ trước đây đã hư hỏng nặng, giờ được xây mới rất khang trang. Không riêng gì trường THCS mà các trường tiểu học, mầm non trên địa bàn đều được xây mới. Trong đó có 2 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, 2 trường còn lại đang chờ cấp trên thẩm định.

Đường đến xã Phước Thạnh.

Đời sống người dân đã qua rồi thời khó khăn, gian khổ. Ông Nguyễn Thiện Thanh- Chủ tịch UBND xã Phước Thạnh cho biết, phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm của lãnh đạo địa phương. Để nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xã đã tổ chức xây dựng các tổ liên kết, hợp tác xã, khuyến khích nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cây, con giống mới.

Xã triển khai quy hoạch các vùng trồng cây ăn trái và tạo điều kiện cho nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, xã cũng có lợi thế là giáp ranh với xã Phước Đông, một địa bàn có khu công nghiệp lớn. Nhờ vậy, nhiều lao động trẻ của xã có công việc làm ở khu công nghiệp. Gần đây khi hệ thống giao thông trên địa bàn được nâng cấp mở rộng, nhiều hộ dân gần đường phát triển các ngành nghề thương mại và dịch vụ.

Do đó, thu nhập của nhiều hộ dân ngày càng được nâng cao. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 50 triệu đồng/người/năm. Thu nhập ngày càng nâng cao, hộ khá giàu ngày càng tăng, hộ nghèo khó ngày càng giảm nhanh. Hiện xã có 23 hộ nghèo trong diện chính sách xã hội; 6 hộ dân nghèo do không có điều kiện, phương tiện sản xuất, kinh doanh, chiếm tỷ lệ 0,2%... Ngoài các tiêu chí nêu trên, các tiêu chí còn lại xã mới đạt yêu cầu. Vừa qua, xã được cấp trên công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018.

N.H

Tin liên quan