Đọc báo in
Tải ứng dụng
Việt Nam là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất vắc xin phối hợp sởi – rubella
2016-11-11 10:42:00

Bộ Y tế Việt Nam vừa thông qua kết quả thử nghiệm lâm sàng cho vắc xin phối hợp sởi-rubella (MR) do Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), đơn vị trực thuộc Bộ Y Tế, sản xuất. Đây là vắc xin thứ 11 trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng mà Việt Nam tự sản xuất được.

Vắc xin MR đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường Năng lực sản xuất Vắc xin phối hợp Sởi – Rubella” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hỗ trợ. Với việc tự sản xuất vắc xin chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản Việt Nam đã ghi tên mình lên bản đồ sản xuất vắc xin MR của thế giới. Việt Nam là 1 trong 25 quốc gia sản xuất được vắc xin trên thế giới và là nước thứ 4 tại Châu Á có thể sản xuất vắc xin MR sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Dự án đã được POLYVAC bắt đầu triển khai từ tháng 5/2013 và kéo dài trong thời gian 4 năm 11 tháng, với tổng ngân sách khoảng 700 triệu yên Nhật.

Vắc xin sởi- rubella do Việt Nam sản xuất với công nghệ Nhật Bản.

Tháng 3.2016, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản và nỗ lực của cán bộ công nhân viên, vắc xin MR do POLYVAC sản xuất đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng trên 756 người từ 1- 45 tuổi khỏe mạnh và được đánh giá là an toàn, hiệu quả cho người sử dụng.

Trong thời gian tới, POLYVAC sẽ hoàn thành các thủ tục liên quan đến cấp phép lưu hành sản phẩm, để có thể cung cấp vắc xin MR cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, phục vụ tiêm miễn phí cho trẻ em Việt Nam dự kiến từ năm 2017.

Năm 2015 là năm đáng ghi nhớ của ngành sản xuất vắc xin của Việt Nam khi được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp Chứng nhận Hệ thống quản lý quốc gia về vắc xin (NRA). Năm 2016, Việt Nam đã đánh dấu mốc quan trọng trên bản đồ các quốc gia sản xuất vắc xin khi tự sản xuất được vắc xin MR chất lượng cao ứng dụng công nghệ Nhật Bản.

Tính từ thời điểm bắt đầu triển khai hoạt động đến tháng 10/2016, đơn vị chuyển giao công nghệ phía Nhật Bản là Công ty TNHH Kitasato Daiichi Sankyo Vaccine (KDSV) đã cử 197 lượt chuyên gia Nhật Bản sang chuyển giao công nghệ cho POLYVAC và tiếp nhận 36 lượt cán bộ của POLYVAC sang học tập công nghệ tại nhà máy của Công ty ở Nhật Bản.

Theo suckhoedoisong

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Báo Tây Ninh
Tin liên quan
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh