Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Xã đạt nông thôn mới, người dân vẫn không có nước sạch
Thứ ba: 22:29 ngày 14/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Mặc dù là xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) từ năm 2016, thế nhưng hơn 200 trăm hộ dân ở ấp An Thới, xã An Hòa, huyện Trảng Bàng đến nay vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.

Hằng ngày, để có được nguồn nước sinh hoạt, bà Đặng Thị Thủy (ngụ ấp An Thới, xã An Hòa) phải bơm nước giếng khoan để lắng từ một đến hai ngày sau mới dám sử dụng nhưng cũng chỉ để tắm giặt, còn nước uống và nấu ăn thì phải mua nước bình.

Theo bà Thủy, nguồn nước ngầm tại đây bị ô nhiễm, nước đem đi nấu sôi để nguội rồi mà vẫn còn mùi hôi rất khó chịu nên gia đình bà không dám dùng để ăn, uống. “Mỗi tháng nhà tôi tốn gần 200.000 đồng tiền mua nước uống và nấu ăn. Để tiết kiệm chi phí, mỗi khi có mưa, tôi phải tranh thủ hứng nước dự trữ để dùng dần”.

Bà Đặng Thị Thủy phải dùng nhiều lu hứng nước mưa sử dụng thay nước giếng khoan bị ô nhiễm.

Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của gia đình chị N.T.N.H ở ấp An Thới chính là nước giếng khoan, nhưng những năm gần đây, nguồn nước này bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn. Chị H. cho hay, trước đây giếng chỉ cần khoan chưa tới 50m là có nước sử dụng được, nhưng bây giờ khoan đến gần 100 m vẫn có phèn và mùi tanh rất khó chịu.

Do gia đình đang có con nhỏ nên mỗi tháng chị phải mua gần hơn 20 bình nước, vừa để ăn uống vừa để tắm cho con, “tốn kém lắm nhưng cũng phải cắn răng chịu đựng, người lớn thì còn tắm nước giếng được chứ trẻ nhỏ thì sao dám tắm bằng nước đó. Cũng may là nhà tôi chỉ có hai vợ chồng và một đứa con nhỏ nên tốn như vậy là ít, nếu mà đông người hơn thì không biết còn tốn bao nhiêu tiền nữa”, chị H. thở dài ngao ngán.

Cũng vừa mới khoan thêm một giếng sâu hơn 100m, với số tiền trên 20 triệu đồng nhưng ông Đỗ Anh Dũng (người dân ấp An Thới) vẫn không tìm được nguồn nước sạch để sử dụng. Theo lời ông Dũng, nước giếng ở đây không những bị nhiễm phèn mà có lẽ còn bị ô nhiễm hóa chất khác nữa, bởi sau khi đun sôi để nguội, nước này có vị mằn mặn, màu ngả sang hơi tím, mùi tanh, bên dưới đáy nồi có nhiều tạp chất kết lại như nhớt có màu nâu xám.

Ông Dũng cho biết thêm, trước đây người dân ấp An Thới cũng có một trạm cung cấp nước sạch, nhưng do nằm trong quy hoạch làm Khu công nghiệp Thành Thành Công nên đến nay trạm này đã không còn nữa. Hơn 200 hộ gia đình tại đây hiện phải chịu cảnh không có nước sạch, với chất lượng nguồn nước ngầm ngày càng xấu đi khiến nhiều người dân hết sức lo lắng.

Thùng nước đóng cặn bẩn trong gia đình ông Đỗ Anh Dũng.

Theo ông Nguyễn Công Hường - Chủ tịch UBND xã An Hòa, việc người dân ấp An Thới chưa có nước sạch để sử dụng cũng là nỗi trăn trở của địa phương. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, lãnh đạo xã và nhân dân ấp này cũng đã nhiều lần có ý kiến với ngành chuyên môn cấp trên, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng đã có khảo sát nhưng do kinh phí đầu tư chưa có nên chưa thực hiện được.

Về vấn đề này, một đại diện của Chi cục Thủy lợi Tây Ninh cho biết, qua khảo sát thực tế nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân ở ấp An Thới, xã An Hòa và xã Gia Bình (huyện Trảng Bàng), xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu), được sự đồng ý của UBND tỉnh, giao Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Viet Com triển khai làm 2 dự án.

Dự án cấp nước tại ấp An Thới, xã An Hòa và dự án cấp nước liên xã An Hòa, Gia Bình (thuộc huyện Trảng Bàng) và xã Thanh Phước (huyện Gò Dầu) đều đã được nhà đầu tư khảo sát, dự toán kinh phí và kế hoạch thực hiện trình Sở Kế hoạch & Đầu tư và UBND tỉnh. Dự kiến, dự án cấp nước cho ấp An Thới sẽ triển khai trong quý III năm 2018, hoàn thành và đưa vào sử dụng vào đầu quý II năm 2019.

Đối với dự án cấp nước liên xã An Hòa - Gia Bình - Thanh Phước, sau khi UBND tỉnh phê duyệt, dự án sẽ được triển khai thi công trong quý II năm 2019, đến quý II năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành khai thác. Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc hiện nay là chủ đầu tư không tìm được vị trí đặt trạm cấp nước, do nguồn đất công của địa phương không đủ để thực hiện dự án, trong khi giá đất của người dân quá cao, nếu đầu tư sẽ ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư và giá thành nước kinh doanh.

Là một trong 19 tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, nước sạch và vệ sinh môi trường có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững đối với người dân đặc biệt tại các vùng nông thôn. Người dân rất mong các ngành chức năng quan tâm hơn nữa nhằm tạo điều kiện cho người dân nông thôn tiếp cận được với nước sạch.

Minh Dương

Tin liên quan